Trong đời sống hôn nhân, bạn có bao giờ gặp phải bế tắc khi những cuộc trao đổi hay tranh luận giữa hai vợ chồng không thể nào đi đến thống nhất chung bởi vì lập luận của ai cũng có lý, và mỗi người đều bảo vệ được chính kiến của mình nhưng lại không thuyết phục được người kia? Tôi nghĩ chuyện này không mấy xa lạ, và hầu như mối quan hệ nào cũng vấp phải. Chính vì thế mà một trong những điều quan trọng để gìn giữ một cuộc hôn nhân đó là đưa ra những thỏa thuận hay những thống nhất chung từ trước. Để từ những thống nhất chung đó, chúng ta dễ dàng đạt tới sự thống nhất trong từng việc, từng hành xử cụ thể.
Và đương nhiên, việc thống nhất này dựa trên sự tôn trọng, tự nguyện và tự do của cả hai. Khi nói đến thống nhất chung, thì sẽ luôn có những điều ổn cho người này hơn người kia, hay những điều dễ dàng cho người này hơn người còn lại. Nhưng cũng chính vì vậy mà chúng ta mới cần có sự thống nhất. Nhưng trên hết tất cả, mọi điều khoản thống nhất với nhau đều không được đi ngược với giá trị sống hay xâm phạm đến sự tự do của từng người.
Sự thống nhất – dẫu đôi khi rất cần mỗi người nhượng bộ nhau một ít – cũng là để đi đến sự thoải mái và dễ chịu chung, chứ không phải ép buộc nhau hay để nhân danh điều gì mà làm mất đi sự tôn trọng dành cho nhau. Và sự thống nhất cần được cập nhật và thay đổi theo từng thời điểm, bởi vì hành trình hôn nhân sẽ không ngừng đổi thay trên từng bước đi.
Chẳng hạn thuở còn là vợ chồng son, cả hai có thể thống nhất với nhau là mỗi người sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ bạn bè như cũ, và có thể đi chơi với bạn sau giờ làm việc một tuần vài lần; nhưng đến khi có con rồi thì cần thống nhất lại là về nhà ngay sau giờ làm để thay nhau, phụ nhau chăm con; Hay lúc ở chung với bố mẹ thì sao, lúc tập trung phát triển sự nghiệp thì thế nào, hay giai đoạn bất ổn nhất của mỗi người thì cần có những điểm thống nhất nào…
Trong quá trình thống nhất lại, rất có thể phát sinh một số điều mâu thuẫn với giá trị của chính mình hoặc của nửa kia, thì lúc đó, mỗi bên cần tự xử lý mâu thuẫn bên trong mình. Việc thống nhất sẽ diễn ra theo hướng hoặc ta nhường cho người kia hoặc ta giữ quan điểm của mình. Và hãy nhớ ai nhường ai thì cũng là lẽ tự nhiên, và nó hướng đến những mục tiêu chung lớn hơn của cả hai bạn.
Vì vậy mọi quyết định đi đến thống nhất đều nhất định phải dựa trên sự tôn trọng, tự nguyện, tự do của mỗi người. Tôi nhấn mạnh điều này để chúng ta nhớ rằng chúng ta tự nguyện, để sau đó không phải hằn học, không phải kể công, không thấy thiệt thòi, không phải bắt người kia ghi nhớ.
Và xét cho cùng, những điều thống nhất cũng chỉ là cái cớ để neo giữ mình lại vào những lúc ta không làm chủ được cảm xúc, chỉ nghĩ đến những cái riêng mà quên đi những cái chung lớn hơn của cuộc hôn nhân. Nó như một sợi dây để chúng ta bám vào mà đi cho dễ hơn trên hành trình hôn nhân với nhiều thách đố.
Cho nên, rất cần sự linh hoạt trong việc thống nhất và thực thi sự thống nhất đó. Tuy nhiên, linh hoạt được hiểu là việc chúng ta thường xuyên lắng nghe, cảm nhận và thấu rõ tình trạng mối quan hệ của mình để kịp thời điều chỉnh, chứ không phải để chúng ta hời hợt và thiếu tôn trọng những gì mình đã thống nhất.
Và trên hết mọi điều mà chúng ta thống nhất, đó là việc cả hai đều hướng đến sự tu tập. Khi có cùng ý hướng là sự tu thân thì tự khắc chúng ta có điểm chung, có sự nhất trí với nhau. Và thống nhất là để mối quan hệ của chúng ta trở nên thoải mái và tự do, chứ không phải để dính mắc vào nó rồi cảm thấy tù túng, bó buộc, nặng nề, bí bách. Thế nên, sự thống nhất này phải ăn sâu vào trong tâm thức, phải kết nối với bên trong mình chứ không phải chỉ từ sự nỗ lực của ý thức làm theo một khuôn mẫu nào đó.
Thống nhất của hai vợ chồng có thể sai do đặt trong những bối cảnh nào đó hay khi đang ở một tầm nhận thức hạn chế. Thế nên, khi nhận thức của cả hai thay đổi, chúng ta có thể thống nhất lại.
Và cuối cùng, sự thống nhất là của riêng từng mối quan hệ, của riêng từng gia đình và là của riêng mỗi người chúng ta. Thế nên, mỗi cá nhân và mỗi mối quan hệ đều phải chịu trách nhiệm 100% về những gì mình đã cùng nhau thống nhất. Đừng dựa vào một hình mẫu nào – dẫu là từ các bậc giác ngộ hay từ những mẫu gương gia đình hạnh phúc, bởi vì hành trình hôn nhân của chúng ta là một con đường rất riêng của chính mình.
Quỳnh