“Diễn viên nhỏ tuổi nhất sử dụng đàn dân tộc”
Thật ngạc nhiên khi được biết nhân vật gây xôn xao này cũng chính là chủ nhân của giải đặc biệt bộ môn đàn bầu trong cuộc thi Liên hoan câu lạc bộ dân ca xứ Nghệ tỉnh Nghệ An lần thứ nhất tổ chức từ ngày 21 - 23/9/2011 vừa qua. Diễn viên nhỏ tuổi nhất sử dụng đàn dân tộc là danh hiệu dành cho cô bé nhỏ nhắn xinh sắn Ngô Hoàng Anh (sinh năm 2005).
Hoàng Anh và ông nội đang tập một bài nhạc
Được biết, tại buổi thi này có 20 đoàn tham dự, đủ mọi lứa tuổi. Và cô bé vừa đánh đàn vừa đưa tay quẹt mũi này đã rinh về giải thưởng cao nhất của phần thi kén thí sinh. Ban giám khảo cũng như nhiều người có mặt trong ngày 22/9 tại Nhà hát Dân ca Nghệ An đều rất sửng sốt trước tài năng của thí sinh này. Theo cảm nhận của nhiều người, những gì mà cô bé thể hiện tương đương một người lớn được đào tạo bài bản và tập luyện dài ngày.
Con đường đến với chiếc đàn bầu của Hoàng Anh, tính cho đến nay cũng chỉ mới độ vài ba tháng. Cuối năm mẫu giáo, ngồi nghe ông đánh đàn bầu, cô bé tỏ ra rất thích thú với những thao tác biểu diễn của ông nội, rồi mạnh dạn xin ông tập thử. Đôi tay cô bé bắt đầu đặt lên chiếc đàn dân tộc từ đó. Say mê cộng với trí nhớ tốt, tiếp thu nhanh, Hoàng Anh sớm thể hiện thành công những làn điệu dân ca qua tiếng đàn bầu quê hương.
Những tài năng nhỏ tuổi đến từ các Nhà văn hóa, các trường âm nhạc không phải ít, thế nhưng trong thế giới đàn bầu, cô bé 6 tuổi này đang là một hiện tượng lạ, mang đến luồng gió mới cho "ông hoàng" của "bộ tộc" nhạc cụ cổ truyền.
Hoàng Anh rất yêu thích nhạc dân ca và các bài nhạc ca ngợi quê hương đất nước. Cháu đánh hay nhất là bài Ví giận thương (một làm điệu dân ca xứ Nghệ - PV). Có một lần, khi vô tình nghe ông nội kéo nhị bài Quảng Bình quê ta ơi thì cô bé đã nằng nặc đòi ông tập ngay bài đó. Thật bất ngờ khi ông chỉ bảo có một buổi mà Hoàng Anh đã chơi rất thành công. Nhìn cô bé biểu diễn tự tin trên sân khấu, đẹp từ cái cách nhấn nhả, kéo ra kéo vào tay đàn, rồi từ đó bật ra những âm thanh nhẹ nhàng sâu lắng, như một nghệ sĩ chuyên nghiệp, ít ai không sững sờ khi nghệ nhân này đứng dậy chào mọi người. Dáng người nhỏ nhắn, loắt choắt, và hình như có phần còi hơn so với 6 tuổi của mình, và nhỏ hơn rất nhiều so với tài năng mà cô bé đang sở hữu.
“Người thầy kể về cô học trò đặc biệt”
Tìm về ngôi nhà nằm ẩn mình trong con hẻm nhỏ ở xóm 3, làng Phượng Lịch, xã Diễn Hoa, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi biết người thầy dạy cho Hoàng Anh những bước đệm đầu đến với nghệ thuật này lại chính là ông nội. Ông Ngô Khắc Duy (ông nội của Hoàng Anh) cho biết: "Năm ngoái, khi còn học mẫu giáo, Hoàng Anh có hỏi tôi là làm sao có thể đánh đàn giỏi như ông? Nghĩ đó chỉ là một sự tò mò của trẻ con nên tôi không để ý lắm và trả lời rằng nếu cháu học thì sẽ đánh được, thậm chí còn có thể đánh hay hơn ông".
Ông Duy không ngờ được rằng vài ngày sau Hoàng Anh lại đòi học thật và cháu học rất say mê khiến cho cả nhà vừa mừng lại vừa lo. Điểm đặc biệt nữa ở cô bé này là cháu tiếp thu rất nhanh khiến cho ông nội cũng phải ngạc nhiên. Cũng nhờ cháu thông minh, biết đọc, viết sớm (khi lên 5 tuổi Hoàng Anh đã biết ghép chữ cái thành thạo và đọc báo một cách rành mạch - PV), nên việc chỉ dạy cho cháu cũng có nhiều thuận lợi, ông Duy chia sẻ.
Theo ông thì việc đánh được đàn bầu cho nó phát ra âm thanh tròn tiếng tương đối khó, người lớn cũng phải mất ít nhất 1 năm chứ chưa nói là luyến láy cho hay, nhưng với Hoàng Anh thì chỉ cần vài ba tháng là cháu đã có thể đánh thành thạo một số bài dân ca xứ Nghệ rồi. Lúc bắt đầu tập, cháu rất ham học và thường có nhiều thắc mắc về các nốt nhạc trên phím đàn. Khi đã có kiến thức cơ bản về các nốt nhạc, Hoàng Anh bắt đầu đi vào tập đánh các bản nhạc dưới sự chỉ dạy của ông nội. Khi hai ông cháu tập một bài nhạc mới, tôi chỉ cần đọc nốt nhạc một lần là cháu nhớ và đánh được ngay. Sau vài lần tập thì bản nhạc đó đã được con bé đánh một cách thành thạo, nói về khả năng của cô học trò cưng, ông thầy này không ngớt niềm tự hào.
Khi nghe ông nội giới thiệu hôm nay có cô chú nhà báo đến chơi thì cô bé lại càng tỏ ra tự tin và muốn biểu diễn ngón nghề của mình. Không chút e ngại trước những người khách lạ, cô bé toe toét bảo: "Hôm khai giảng cháu có biểu diễn mấy bài, cô chú không biết về mà nghe. Bây giờ cháu nhờ ông lắp đàn rồi đánh cho cô chú nghe nhé”. Khi những người khách ghé nhà đang ngơ ngác trước sự tự tin đến đáng yêu của cô bé 6 tuổi, thì những giai điệu bài Quảng Bình quê ta ơi đã ngân lên thánh thót qua bàn tay chơi đàn rất nhuyễn của bé, khiến chúng tôi thực sự bị chinh phục trước tài năng không đợi tuổi này.
Nói về hướng đào tạo cho cô cháu gái phát triển năng khiếu, ông Duy cũng tâm sự rất chân tình: "Hiện tại, ông cháu tôi vẫn tự tập cùng nhau, tôi luôn để cho cháu phát triển đúng lứa tuổi của mình, học và chơi, chơi và học. Không gò ép cháu tập, lúc nào cháu thích đánh thì tự khắc cháu sẽ tập. Không chỉ đánh đàn hay mà cô bé hạt mít này còn rất được lòng thầy cô bạn bè vì sức học văn hóa của Hoàng Anh rất khá, ngoài ra còn lễ phép ngoan ngoãn với thầy cô và hòa đồng cùng bạn bè”.
Cô Tăng Thị Thảo - giáo viên thanh nhạc của bé tại trường tiểu học Diễn Hoa, đánh giá về cô học trò nhỏ của mình: "Hoàng Anh là một cô bé có năng khiếu bẩm sinh về âm nhạc. Chuyên ngành của tôi là đàn Organ nên không có điều kiện để phát huy khả năng của cháu. Tuy nhiên nhìn sự tự tin trên sân khấu và điêu luyện trong thao tác đàn của Hoàng Anh thực sự như một nghệ sĩ chuyên nghiệp”.
Nghệ sĩ ưu tú Trịnh Thị Hồng Lựu, Phó giám đốc Nhà hát dân ca Nghệ An, một thành viên trong ban giám khảo cuộc thi cho biết: "Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi cô thí sinh nhỏ tuổi này. Hoàng Anh có một năng khiếu rất đặc biệt, phong cách biểu diễn của cháu trên sân khấu cuộc thi hôm đó có một phong thái rất tự tin, thoải mái, với tất cả trong trắng, thơ ngây được phả vào trong tiếng đàn của bé. Tiếng đàn của Hoàng Anh rất ngọt, nhịp phách rất chắc chắn và đặc biệt là khi cháu gẩy que vào dây đàn không hề phát ra một tiếng thừa nào. Những em được đào tạo bài bản ở các Nhà văn hóa cũng khó theo kịp được cháu”. Bàn về vấn đề cô bé 6 tuổi này có phải là thần đồng hay không thì nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cho rằng cần phải có thêm nhiều sự thử nghiệm hơn nữa. Bây giờ còn quá sớm để khẳng định về điều đó.
Nghệ sĩ ưu tú Hồng Lựu có ấn tượng rất đặc biệt về bé Hoàng Anh
Đặc trưng của đàn bầu là ẩn đi phần ngữ nghĩa của lời ca, nhưng chỉ cần nghe Hoàng Anh gảy nhẹ nhàng vậy thôi, mà chúng tôi đã có cảm nhận như mình vừa được thưởng thức một giọng ca mượt mà và ngọt ngào. Từ đôi bàn tay bé nhỏ mũm mĩm ấy ngân lên các cung bậc sâu thẳm và phong phú vô cùng tận của tâm hồn người. Do đặc sắc của âm bồi có riêng ở đàn bầu, mà loại nhạc cụ này được những người chuộng nhạc gọi là cây đàn bầu "nói tiếng người" của Việt Nam, và cái khó của người nghệ sĩ đánh đàn là phải bật ra được những tiếng lòng của chủ thể bài hát qua từng thao tác gảy và rung của mình. Cô bé 6 tuổi này đã làm được điều đó.
Nghe thần đồng 6 tuổi chơi đàn bầu:
Ngọc Hồ - Loan Nguyễn