Bí ẩn việc vua Quang Trung cầu hôn công chúa Mãn Thanh

Bí ẩn việc vua Quang Trung cầu hôn công chúa Mãn Thanh

Chủ nhật, 01/09/2013 | 08:38
0
Câu chuyện vua Quang Trung xin cưới công chúa con vua Càn Long từ lâu trở thành một nghi vấn lịch sử, gây tò mò tới nhiều thế hệ người Việt Nam. Những tưởng, giai thoại trên chỉ là sự thêu dệt để nói lên tầm vóc của người anh hùng "áo vải cờ đào", nhưng thật bất ngờ, nhiều tư liệu hiện nay đã cho thấy, câu chuyện này cũng có căn cứ.

Bất ngờ với tờ "Biểu" cầu hôn!?

Một số tài liệu lịch sử xác nhận rằng, vua Quang Trung đã sai sứ thần tới triều Mãn Thanh cầu hôn công chúa con gái của hoàng đế Càn Long. Sách Hoàng Lê nhất thống chí có chép, "vua Quang Trung sau khi quyết định đánh Trung Quốc, bèn sai bầy tôi là Chiêu viễn Vũ Văn Dũng sang nhà Thanh dâng biểu cầu hôn. Cũng liên quan đến câu chuyện này, sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi: "Năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung sai làm biểu văn sang nhà Thanh cầu hôn để dò ý vua Thanh và cũng để mượn cớ gây mối binh đao, nhưng vua bị bệnh không đi được".

Đa số sử liệu về triều Tây Sơn do chính sử nhà Nguyễn chép cần xem xét một cách thận trọng. Bởi công tác biên soạn sử về giai đoạn này có phần sơ sài.

Trước câu hỏi, có hay không việc vua Quang Trung xin hỏi cuới công chúa nhà Thanh và tham vọng đằng sau là gì, PV báo ĐS&PL đã quyết định đi tìm câu trả lời. Chúng tôi đã lần theo những thông tin liên quan đến vương triều Tây Sơn và thu thập được nhiều thông tin đáng quý.

Rất may mắn, chính thông tin ít ỏi ban đầu, khiến chúng tôi  tìm về  được tận quê hương của Ngô Thì Nhậm một vị quân sư tài ba và quê hương của Phan Huy Ích nhà ngoại giao nổi danh của vương triều Tây Sơn. Cuộc hành trình tìm kiếm tư liệu cuối cùng đã đem đến cho chúng tôi nhiều thông tin quý giá.  Chính những thông tin này đã gợi mở ra nhiều góc khuất lịch sử mà bấy lâu vẫn còn là bí ẩn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này nhiều dòng họ vẫn lưu giữ cẩn thận nguồn tư liệu có liên quan đến vương triều Tây Sơn.

Xã hội - Bí ẩn việc vua Quang Trung cầu hôn công chúa Mãn Thanh

Vua Quang Trung.

Nguồn tư liệu này phản ánh tương đối chân thật và sinh động về một thời kỳ lịch sử oai hùng của dân tộc. Trong  các tư liệu mà PV báo ĐS&PL thu thập được, thì tư liệu từ dòng họ Ngô Thì tại làng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội - dòng họ sinh ra vị quân sư tài danh Ngô Thì Nhậm và dòng họ Phan Huy, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội - dòng họ sinh ra nhà ngoại giao đa tài Phan Huy Ích có giá trị hơn hết. Chính nguồn tư liệu trên đã giúp chúng tôi bước đầu vén lên bức màn bí ẩn xung quanh câu chuyện bang giao giữa vương triều Tây Sơn và triều Mãn Thanh liên quan đến việc xin làm phò mã của vua Quang Trung. 

Và những bí ẩn chưa có lời giải

Theo đó, câu chuyện vua Quang Trung có ý định cưới công chúa con vua Càn Long là có cơ sở. Điều này được chứng minh bằng  tờ "Biểu" cầu hôn công chúa gửi cho triều đình Mãn Thanh do đích thân Ngô Thì Nhậm chắp bút. Bản viết này được ghi chép cẩn thận trong tập "Bang Giao Hảo Thoại" do chính Ngô Thị Nhậm biên soạn. Theo tư liệu chúng tôi tiếp cận được, tờ "Biểu" cầu hôn công chúa nhà Thanh do đích thân Ngô Thì Nhậm viết bằng  lối viết sắc sảo, ý tứ sâu xa, đã chuyển tải thành công ý định được xem "dám ăn gan trời" của vua Quang Trung một cách nhẹ nhàng tới vua Càn Long và triều đình Mãn Thanh.

Trong tờ biểu này có đoạn viết: "Ngước thấy: Thanh triều gây nền từ núi Băng Thạch, dựng nghiệp vua, con cháu ức muôn đời phồn thịnh. Từ trước đến nay, chế độ nhà trời, công chúa gả xuống, tất phải lấy người tôn quý mới chọn đẹp duyên, không có lệ rộng ra đến các bề tôi ở ngoài...

Trong tờ "Biểu" này, Ngô Thì Nhậm đã khéo léo dùng câu văn có ẩn ý sâu để truyền tải ý định xin được làm phò mã của vua Quang Trung. Cuối tờ "Biểu", Ngô Thì Nhậm viết cho thấy, việc vua Quang Trung muốn lấy con gái của Càn Long có kế hoạch rõ ràng: "Nay dám không tự lượng, mạo muội giãi bày lòng thành. Kính cẩn sai kẻ bội thần sang chầu hầu. Sau khi tâu bày rồi, sẽ vì thần giãi bày lòng thực". Bản thân tờ "Biểu" mới chuyển tải ý định ban đầu, còn việc cụ thể như thế nào sẽ đích thân cử sứ bộ sang trực tiếp tấu xin. Tờ biểu đã chứng minh, ý định cưới con vua Càn Long của Hoàng đế Quang Trung là có căn cứ, và bản thân của kế hoạch này được tính toán kỹ lưỡng. 

Khi biết được tờ biểu này trong tập "Bang Giao Hảo Thoại" của Ngô Thì Nhậm, chúng tôi càng có cơ sở để khẳng định, có chuyện vua Quang Trung có ý định làm phò mã nhà Thanh là đúng. Cùng với tờ "Biểu"  táo bạo này, và việc chắp nối sắc chỉ sai Vũ Quốc Công Văn Dũng đi sứ để thay mình bàn việc xin cưới công chúa thì sự thật việc cưới xin cũng chỉ là cái cớ. Đằng sau của ý định hỏi cưới này ẩn chứa một tham vọng lớn của vua Quang Trung.

Việc này còn được biểu thị một cách rõ ràng trong sắc chỉ sai Vũ Quốc Công Văn Dũng, chuyển tới vua nhà Thanh. Sắc chỉ viết "Sắc truyền cho Hải Dương Chiêu Viễn đô đốc tướng quân dực vận công thần Vũ Quốc Công được gia phong chức chánh sứ, đi sứ nước Thanh, được toàn quyền trong việc đối đáp... vừa thăm dò ý (vua Càn Long) và cầu hôn một vị công chúa để chọc tức! Phải thận trọng đấy! Hình thế trong việc dụng binh đều ở trong chuyến đi này. Ngày khác làm tiên phong (đi đánh nước Thanh) chính là khanh đấy". Sắc chỉ này viết ngày 15 tháng 4 năm 1792.

Cái chết bất ngờ của vua Quang Trung

Như vậy, thực chất của việc xin cưới công chúa con vua Càn Long chỉ là cái cớ. Chuyến đi sứ này, vua Quang Trung cử Văn Dũng đi, nhằm cố ý dò la xem phản ứng của Càn Long như thế nào. Có ý cho rằng, đây là một kế hoạch khởi đầu cho ý định xuất binh đánh Mãn Thanh của người anh hùng "áo vải cờ đào".

Cũng liên quan đến sự kiện đi sứ của Vũ Văn Dũng hiện có hai luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng, sau khi sứ thần Vũ Văn Dũng dâng tấu xin Càn Long ban đất và cưới công chúa, vua nhà Thanh đã chuẩn y lời cầu hôn của Hoàng đế Quang Trung, sai bộ Lễ sửa soạn nghi thức cho việc cưới gả, định ngày cho công chúa sang nước Nam. Còn việc xin lại hai tỉnh, Càn Long ngoài mặt đồng ý, nhưng thực tế chỉ muốn trao cho Quảng Tây làm đất đóng đô, coi như "của hồi môn" cho con gái.

Luồng ý kiến khác lại cho rằng, việc chuẩn bị cho đoàn đi sứ nhà Thanh do đích thân Ngô Thì Nhậm  đứng ra lo liệu. Tuy nhiên, trong khi mọi việc đang được chuẩn bị kỹ lưỡng thì tin dữ đến, giờ tý ngày 24 tháng 7 nhuận, năm 1792, Hoàng đế  Quang Trung băng hà. Điều này đồng nghĩa với ý định cầu hôn,  hay lấy cớ để khởi binh đánh Thanh mãi chỉ là ý định của người anh hùng "áo vải cờ đào".                           

Mọi việc chỉ nằm trong dự liệu

Trong cuốn sách Danh nhân văn hoá Ngô Thì Nhậm, giáo sư sử học Lê  Văn Lan thừa nhận tờ "Biểu" cầu hôn do đích thân Ngô Thì Nhậm viết  thay vua Quang Trung, tờ biểu này được in trong tập sách "Bang Giao Hải Thoại". Vị giáo sư này cũng đề cập đến việc, vua Quang Trung có nhiều tham vọng, trong đó ông lấy sắc chỉ sai Vũ Quốc Công Văn Dũng đi sứ nhà Thanh của vua Quang Trung làm minh chứng. Quan điểm của vị giáo sư này cho rằng, việc cầu hôn và những ẩn ý khác nằm trong dự tính của vua Quang Trung và triều thần. Trên thực tế vẫn chưa có một đoàn sứ nào của nước ta đi sang đặt vấn đề cụ thể với triều đình Mãn Thanh về việc này. Việc Quang Trung đột ngột băng hà phá vỡ hoàn toàn kế hoạch này.

 Trinh Phúc - Dương Thu

Đoán giải lá số tử vi của hoàng đế Quang Trung

Thứ 2, 01/04/2013 | 20:39
Cuộc đời của hoàng đế Quang Trung đã được rất nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu, ca ngợi. Với bài viết này chúng tôi xin đưa ra những khám phá thú vị về cuộc đời của hoàng đế Quang Trung qua lá số tử vi của ông, theo quan niệm của người phương Đông.

Giếng 'Vua' giữa trùng khơi

Thứ 3, 23/04/2013 | 14:42
Cách mép nước biển chưa đầy 10 m, nhưng giếng Xó La ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) quanh năm có nước ngọt và chưa bao giờ khô cạn. Người dân nơi đây thường gọi là giếng "Vua ban" giữa trùng khơi.

Tàu cá vừa bị Trung Quốc bắn nhổ neo ra Hoàng Sa

Thứ 5, 28/03/2013 | 10:47
Sáng 28/3, con tàu của thuyền trưởng Bùi Văn Long với 160 cây đá, 3 bao muối, 6 bao gạo, 2.000 lít dầu sẽ nhổ neo ra Hoàng Sa.

Nghi án chiếc áo bào tẩm thuốc độc hại chết vua

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:41
Cái chết của hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ mãi mãi để lại những nghi vấn cho hậu thế. Đó là cái chết đột ngột, bất ngờ, không bình thường, khi ông mới ở tuổi 40 và đang sung sức.

Giết anh ruột để đoạt ngôi vua

Thứ 3, 16/07/2013 | 10:59
Lê Đại Hành (tên húy là Lê Hoàn) là vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê, trị vì từ năm 980 đến 1005.

Bí ẩn tuyệt tự 3 đời vua nhà Thanh

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Tuy là một vương triều ngoại tộc vào thống trị Trung Nguyên, nhưng nhà Thanh cũng vẫn tuân theo tư tưởng truyền thống: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” (Trong ba điều bất hiếu, không có người nối dõi là lớn nhất). Tuy nhiên, một điều đáng ngạc nhiên là cả 3 đời hoàng đế cuối cùng trong lịch sử nhà Thanh cũng như trong lịch sử Trung Hoa, không ai có lấy được một mụn con.