Phát biểu tại Hội thảo “Biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững" ngày 16/12, GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn, Bộ TN&MT nhận định: “ Việc cam kết đạt khí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ứng phó với BĐKH của Thủ tướng Chính phủ tại COP26 yêu cầu chúng ta cần có sự móc nối, hợp tác của tất cả yếu tố".
Bởi cơ sở BĐKH sẽ liên quan tới tất cả các ngành khác nhau từ điện lực, nông nghiệp, cho tới công thương, tính liên ngành đề ra là rất cao.
Mặt khác, “Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để mọi ngành, mọi công dân đều có sự phát triển, qua đó đất nước cũng sẽ phát triển, đạt được mục tiêu đề ra”, ông bày tỏ niềm tin.
Từ ngành nghề truyền thống...
Theo GS.TS Phan Văn Tân, Đại học Quốc gia Hà Nội, BĐKH có thể khó mường tượng, nhưng thời gian trôi đi, con người nhìn lại thì mới thấy được tác động của nó. Do đó, cần có sự đánh giá đúng đắn về tác động từ quá khứ tới hiện tại, đồng thời đưa ra những giải pháp cho tương lai, hướng đến sự phát triển bền vững và hoàn thành mục tiêu về môi trường.
Xét riêng về tác động của BĐKH tới ngành nông nghiệp - trụ cột chính của kinh tế, PGS.TS Phạm Quang Hà, Hội khoa học đất Việt Nam cho biết, để đánh giá tác động BĐKH là một câu chuyện dài, chúng ta không thể nói trong nay mai, nhưng hậu quả lại có thể nhìn thấy qua từng năm.
Thực tế, nước ta là một trong những vùng chịu tác động BĐKH lớn nhất, đặc biệt là vấn đề nước biển dâng. Hiện nay xu hướng dự báo đang ngày càng tăng, tại COP26, nguy cơ nước biển dâng và sụt lún được dự báo cao hơn so cùng thời điểm cách đây 10 năm, dâng từ 2-5cm.
Tác động của BĐKH có thể thấy hằng năm ở những vùng nông nghiệp đó là mất đất nông nghiệp, hằng năm có trên 1 triệu ha đất chìm trong nước hoặc bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Từ đó, tương đương với việc chúng ta sẽ mất đi 10 triệu tấn gạo mỗi năm do BĐKH.
Mặt khác, bức tranh rõ ràng nhất do hậu quả của BĐKH là lũ lụt, hạn hán cực đoan, gây đe doạ an ninh lương thực, đời sống dân sinh của hàng triệu người mỗi năm.
Ngoài ra, đây cũng là nguyên nhân cho những yếu tố mất an ninh phi truyền thống như Covid-19, gây nên sự mất cân bằng sinh học, phát sinh dịch bệnh, đứt gãy chuỗi cung ứng. Suy cho cùng, tầng lớp dễ bị tổn thương nhất bởi BĐKH lại chính là những người nông dân, lao động nghèo.
Trước những mối đe doạ thực tế, PGS.TS Hà cho rằng, cần có 4 nhóm giải pháp cụ thể.
Thứ nhất, áp dụng các giải pháp kỹ thuật cụ thể. Ông đưa ra dẫn chứng về những kỹ thuật nông nghiệp hữu hiệu, 1 phải 5 giảm (giảm tối đa tỉ lệ thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất), 3 giảm 3 tăng (giảm đầu vào, tăng đầu ra) hay tưới tiêu xen kẽ ( không lãng phí nước).
Thứ hai, áp dụng giải pháp quy hoạch và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thứ ba, cần triển khai giải pháp nông nghiệp thông minh, nghĩa là theo hướng sinh thái, sản xuất hữu cơ, thuận thiên, qua đó ứng phó với BĐKH. Theo FAO, ba tiêu chí nông nghiệp thông minh, ứng phó BĐKH cần đạt là: tăng trưởng sản xuất, đảm bảo ANLT; giảm phát thải, giảm thiểu BĐKH; cải thiện hệ thống sản xuất, tăng khả năng thích ứng BĐKH.
Thứ tư, thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp. Đây là cả một quá trình thay đổi nguyên lý làm nông nghiệp, đặc biệt xây dựng cơ sở dữ liệu về khí tượng đối với mỗi vùng. Tuy nhiên, đưa KHCN vào sản xuất không có nghĩa lạm dụng, phải hợp lý với điều kiện tự nhiên.
Ông lấy thêm ví dụ, như đất nước Hà Lan, ở vị trí thấp hơn mực nước biển 50m vào thời điểm cách đây 20 năm, tuy nhiên giờ đã là một quốc gia lớn và phát triển. Như vậy, có thể thấy rõ ràng, có giải pháp công trình thông minh để giải quyết vấn đề này.
Tới hứa hẹn cho tương lai
Về cơ hội của Việt Nam ở những ngành nghề trong tương lai, TS. Dư Văn Toán, Viện nghiên cứu biển và hải đảo nhận định, tiềm năng điện gió ngoài khơi vùng biển Việt Nam là rất lớn, đặc biệt còn có tác động mạnh mẽ tới giảm thiểu BĐKH.
Tổ chức năng lượng thế giới cho biết, tương lai của phát triển năng lượng thế giới chính là điện gió ngoài khơi (ĐGNK). Bởi thực tế, trong tất cả những nguồn điện, kể cả nguồn điện hạt nhân - nguồn năng lượng sạch vẫn phát thải các-bon nhiều hơn điện gió ngoài khơi.
Vùng biển Việt Nam có tiềm năng thương mại cao, chính vì vậy nhiều nhà đầu tư trong 5 năm trở lại đây đã tìm đến nước ta như một thị trường đầy kỳ vọng cho ngành này.
Tính tới đầu tháng 11 năm 2021, Việt Nam đã đứng ở vị trí thứ 7 trong top 10 quốc gia phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới, với gần 1000MW.
Do đó, ông đề xuất một số phương hướng để đẩy mạnh mà khai thác hiệu quả hơn tiềm lực năng lượng sạch này tại nước ta, qua đó phát triển kinh tế đi đôi với ứng phó BĐKH.
Theo TS Toán, Việt Nam cần phát triển đột phá, thí điểm nhiều dự án điện gió ngoài khơi. Bởi cơ hội đang hội tụ đủ cho Việt Nam, nước ta có thể đột phá dẫn đầu khu vực ASEAN, đồng thời trở thành một trung tâm lớn của thế giới.
Từ đó, thúc đẩy các ngành dịch vụ, công nghiệp biển hỗ trợ, hướng tới tương lai xuất khẩu điện gió ngoài khơi sang các khu vực khác.