Gia Cát Lượng là nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông có tài năng trên rất nhiều lĩnh vực, từ chính trị, quân sự, ngoại giao, pháp luật cho tới giáo dục, phong thủy, phát minh kỹ thuật. Trong lịch sử, rất hiếm người có tài năng toàn diện trên khắp các lĩnh vực như ông.
Về tài năng quân sự, trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả nhân vật Gia Cát Lượng là một vị thừa tướng có tài dùng binh "xuất quỷ nhập thần", có thể bấm quẻ đoán trước tương lai, hô mưa gọi gió, dùng lời nói hoặc thư từ để khích chết hàng loạt nhân vật khác như Chu Du, Vương Lãng, Tào Chân...
Sử gia Trần Thọ trong Tam quốc chí bình phẩm rằng đặc điểm của Gia Cát Lượng là rất thận trọng, "Trị quân là sở trường, kỳ mưu là sở đoản; lo liệu việc dân hơn là lo liệu việc tướng", nghĩa tài năng về chính trị của Gia Cát Lượng hơn hẳn tài năng về quân sự, và về mặt quân sự thì giỏi trị quân hơn là dùng quân.
Nhà nghiên cứu hiện đại Dịch Trung Thiên (tác giả sách Phẩm tam quốc) cho rằng nhận xét "tướng lược ứng biến, không phải là sở trường của Gia Cát Lượng" của Trần Thọ là đánh giá "mạnh dạn và đầy đủ". Theo Dịch Trung Thiên Gia Cát Lượng trong lịch sử giống như Tiêu Hà, không phải Trương Lương, Hàn Tín (nghĩa là chuyên trị quốc an dân chứ không phải điều binh khiển tướng, sau này nhà Thục Hán mất đi nhiều trụ cột thì Gia Cát Lượng mới phải lo cả việc quân), Dịch Trung Thiên cho rằng Gia Cát Lượng là nhà chính trị kiệt xuất, nhưng chưa hẳn đã là nhà quân sự kiệt xuất. Để Gia Cát Lượng lo việc nước là hay nhất, để Gia Cát Lượng trị quân cũng không có vấn đề gì, nhưng chỉ mình Gia Cát Lượng thì không đủ khả năng thống lĩnh ba quân đoạt thiên hạ.
Còn nhà sử học Nga B. L. Riftin tỏ thái độ không đồng ý với Trần Thọ trong việc đánh giá tài năng quân sự của Gia Cát Lượng. Trong Sử thi lịch sử và truyền thống văn học dân gian Trung Quốc, ông cho rằng bộ sử của Trần Thọ có nhiều chỗ mâu thuẫn, thường gắn liền với những lí do có tính chất thiên vị cá nhân lộ liễu. Chẳng hạn như Gia Cát Chiêm, con trai Gia Cát Lượng, đã từng nhận xét coi thường Trần Thọ, và Trần Thọ đã trả thù khi viết trong sử sách là: “Chiêm chỉ biết đọc sách, tiếng tăm của ông ta vượt xa những cống hiến thực tế”. Trần Thọ nhận xét: "Trị quân là sở trường, kỳ mưu là sở đoản; lo liệu việc dân hơn là lo liệu việc tướng", tính chất thiên vị và có ý hạ thấp Gia Cát Lượng trong lời đánh giá như vậy đã bị các tác giả Tấn thư (một bộ chính sử khác) chỉ trích.
Một phân tích khác thì cho rằng tài binh lược của Gia Cát Khổng Minh vẫn cao hơn Tư Mã Ý. Trong cuộc Bắc phạt vào tháng 5/231, dù điều kiện bất lợi hơn (viễn chinh đường xa, quân ít hơn, lương thiếu), nhưng Gia Cát Lượng đã thắng Tư Mã Ý trong tất cả các ý đồ tác chiến. Khiến quân Ngụy quân bại trận triệt để, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục “đóng cửa thủ vững”. Thế cục này được duy trì đến khi Lý Nghiêm không hoàn thành nhiệm vụ vận tải, khiến Thục quân cạn lương buộc phải rút về.
Về đối thủ của Gia Cát Lượng là Tư Mã Ý. Ở gò Ngũ Trượng, Tư Mã Ý đã nhìn thấy doanh lũy và công sự của quân Thục còn lưu lại, phải thốt lên rằng: "Thật thiên hạ kỳ tài vậy". Ở đây Tư Mã Ý khen là về tài trị quân, còn về việc dùng binh thì Tư Mã Ý bình phẩm về Gia Cát Lượng (được ghi trong Tấn thư - Tuyên Đế kỷ) như sau: "Lượng chí lớn nhưng không biết thời cơ, nhiều mưu nhưng ít quyết, thích quân nhưng không quyền", nghĩa là "chí hướng lớn lao nhưng không nắm bắt được thời cơ, mưu trí rất nhiều nhưng thiếu quyết đoán, thích dùng binh nhưng không biết quyền biến".
Ngoài ra, sau khi Thục Hán mất, Tấn vương Tư Mã Chiêu (con trai của Tư Mã Ý) đã ra lệnh cho Trần Hiệp phải tìm kiếm tư liệu để học tập binh pháp của Gia Cát Lượng. Nhà Tấn sau này còn truy phong miếu hiệu cho Gia Cát Lượng là "Võ Hưng Vương". Việc truy phong tước vị cho quan đại thần của triều đình đối thủ quả là điều rất hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc.
Ngày nay, nói về tài năng quân sự của Gia Cát Lượng vẫn là đề tài được rất nhiều người đưa ra mổ sẻ, ở các hội thảo khoa học cũng như các diễn đàn trao đổi. Tuy nhiên, phần đông ý kiến đều công nhận rằng, Gia Cát Lượng là người khiêm nhường, cẩn thận hiểu rõ và hết lòng với chức phận. Còn tài thao lược quân sự của ông không tới mức "xuất quỷ nhập thần" như truyền thuyết dân gian hay tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa mô tả, song cũng có được nhiều chiến tích đáng ca ngợi như, bình định Mạnh Hoạch chỉ trong thời gian ngắn, lập kế giết được 2 tướng giỏi của Ngụy, mấy lần đánh bại Tư Mã Ý, khiến quân Ngụy hoang mang tới mức chỉ chọn sách lược cố thủ trong thành lũy chứ không dám kéo ra giao chiến.
Quốc Tiệp (t/h)