Đặt vấn đề chuyển giao năng lượng trong bối cảnh thực tế, ông Đào Xuân Lai - Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu, UNDP cho rằng: “Việc Việt Nam tham gia vào cam kết biến đổi khí hậu khác hoàn toàn với giai đoạn trước, nên cần có những sự thay đổi nhất định”.
Bởi những năm trước chúng ta chỉ đưa ra những đóng góp về mặt tinh thần là chính, tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, rõ ràng với Thỏa thuận Paris và COP26, thì trách nhiệm của Việt Nam là phải làm, dịch chuyển là điều tất yếu.
Linh động về chính sách
Theo ông Lai, về chính sách của Nhà nước, Chính phủ không đầu tư mà chỉ tạo ra môi trường và đưa ra chính sách. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy phần hỗ trợ về thuế, cũng như tạo động lực, thì có thể coi là đầu tư.
Mặt khác, việc thúc đẩy năng lượng tái tạo trong môi trường pháp lý, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp cũng đã bắt đầu phát triển hơn, nhưng vẫn còn nhiều rào cản cần tháo gỡ. Bởi, rõ ràng việc đầu tư nằm 100% ở khối tư nhân. Có thể nói khối tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi sang giao thông xanh, hay lưu trữ năng lượng.
Ví dụ như trong tiết kiệm năng lượng, có rất nhiều kỹ sư giỏi ở công ty có đưa ra những giải pháp về tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên khi muốn bán giải pháp đó thì quy định của Chính phủ hiện nay chưa có kinh phí chi trả cho khoản đó.
Ông đưa ra dẫn chứng cụ thể, nếu công ty A giúp tiết kiệm điện cho một toà nhà, thì số tiền đó lại vào ngân sách của Nhà nước, thế nên không có động lực thúc đẩy các hoạt động như vậy cho doanh nghiệp.
Cũng trong buổi làm việc, nhắc tới vấn đề chính sách, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm đến việc hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Theo đó, chiến lược về vấn đề năng lượng là lĩnh vực ưu tiên, nằm trong định hướng hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Hay trong Dự thảo về chiến lược của Bộ KHCN đến năm 2030 thì lĩnh vực về năng lượng cũng được chú trọng và đưa làm mục tiêu chung.
Bộ KHCN đang là vai trò cầu nối với các thể chế, luật chuẩn sao cho vừa hỗ trợ doanh nghiệp vừa đưa ra những quy định về chuyển giao, đồng thời tháo gỡ nhiều vấn đề cho cộng đồng doanh nghiệp trong và cả ngoài nước trong giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, đại diện UNDP cũng chỉ ra một điểm nữa liên quan đến chính sách cơ cấu ngành: “Trong việc đánh giá chi tiêu chống BĐKH vừa qua chúng tôi làm với Bộ KHĐT, cho thấy, đầu tư cho năng lượng và giảm phát thải đến nay còn rất thấp”.
Do đó, trong thời gian tới, đầu tư theo cơ cấu ngành sẽ dịch chuyển, tới 90% đầu tư cho nông nghiệp và giao thông (đường xá, thuỷ lợi,...).
Bước trung gian quan trọng
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng ban Điện và Năng lượng tái tạo, PVN Tập đoàn dầu khí Việt Nam, dầu và khí là nguồn tài nguyên của quốc gia, tuy nhiên khí vẫn là nhiên liệu hóa thạch và cũng không phải năng lượng tái tạo mà chúng ta hướng tới.
Thế nhưng, khí tự nhiên và khí tự nhiên nhập khẩu hoá lỏng được coi là loại nhiên liệu trung gian quan trọng trong quá trình chuyển dịch hóa thạch sang năng lượng tái tạo sạch hoàn toàn.
Ông nhấn mạnh: “Nguồn nhiên liệu này đóng một vai trò hết sức quan trọng”, khi hiện nay EVN đang sở hữu một hệ thống sản xuất, phân phối, lưu trữ, vận chuyển khí trên cả nước. Hơn nữa, tài nguyên quốc gia đang tập trung ở những mỏ khí là rất lớn.
Từ phía Bộ KH&CN, Thứ trưởng cho biết thêm, Bộ đã và đang thực hiện rất nhiều chương trình nhằm hỗ trợ, tìm kiếm giải pháp nhằm ứng dụng KHCN vào sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nhờ có vậy nhất định chúng ta sẽ tìm ra phương án, giảm được tiêu thụ năng lượng, đồng thời đưa ra những giải pháp thông minh hơn trong việc sử dụng năng lượng của các doanh nghiệp.
Thứ trưởng cũng bày tỏ về phương pháp quản lý sẽ là lấy doanh nghiệp làm trung tâm, dùng các ý kiến của nhà khoa học, chuyên gia để giải quyết những bài toán của doanh nghiệp.
“Tôi tin, nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu về chuyển dịch năng lượng một cách thông minh và hiệu quả", Thứ trưởng Bộ KH&CN chia sẻ.