Sự lo lắng đột ngột có thể kích hoạt trạng thái muốn đi vệ sinh không thể kiểm soát được. Tại sao điều này xảy ra? Làm thế nào để chúng ta đối phó với nó?
Điều này là do lo lắng và căng thẳng có thể gây ra các vấn đề với hệ thống miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe. Ruột cũng bị ảnh hưởng bởi điều này do trục ruột - não.
Nicole Lindel, một chuyên gia dinh dưỡng tại Phòng khám Rocky Mountain Gastroenterology (Mỹ) giải thích rằng, trục ruột-não là sự tương tác vật lý và hóa học giữa ruột và não. Ngoài ra, chất dẫn truyền thần kinh serotonin được sản xuất trong ruột chiếm khoảng 90% tổng lượng cơ thể, có thể điều chỉnh cảm xúc và ảnh hưởng trực tiếp đến trạng thái tinh thần của con người.
Khi não ở trạng thái căng thẳng và rối loạn cao độ, hệ vi sinh vật trong ruột sẽ thay đổi theo những cách khác nhau. Ví dụ, những thay đổi về độ nhạy cảm của dạ dày có thể gây đau bụng, tăng axit dạ dày do căng thẳng có thể gây trào ngược axit hoặc buồn nôn, và những thay đổi về hệ vi sinh vật có thể gây táo bón, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy,…
Những thay đổi về cảm xúc khi căng thẳng và lo lắng cũng như những thay đổi trong hệ vi sinh vật có tác động hai chiều.
Đau bụng khi lo lắng không chỉ do thay đổi hệ vi sinh vật mà còn có thể do sự gia tăng hormone gây căng thẳng cortisol. Niket Sonpal, phó giáo sư y học lâm sàng tại Đại học Y khoa nắn xương Touro, Mỹ, giải thích rằng căng thẳng và lo lắng có thể làm tăng hormone gây căng thẳng cortisol, dẫn đến táo bón, tiêu chảy hoặc thậm chí kết hợp cả 2. Các triệu chứng đó không xuất hiện vào cuối tuần, ngày lễ hoặc các tình huống không căng thẳng khác.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn, nhưng căng thẳng và lo lắng có tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất. Nó có thể gây khó chịu cho dạ dày và các vấn đề về ruột, đồng thời ảnh hưởng đến sự thèm ăn và mức năng lượng của cơ thể.
Làm thế nào để đường ruột khỏe mạnh hơn?
Một trong những cách tốt nhất để giảm bớt các vấn đề về đường tiêu hóa trong thời gian căng thẳng là duy trì sức khỏe tổng thể của đường ruột.
Để duy trì sức khỏe đường ruột, bạn có thể:
1. Ăn ít bữa hơn;
2. Thưởng thức món ăn một cách chậm rãi trong một môi trường không có căng thẳng hoặc phiền nhiễu;
3. Bổ sung các thực phẩm chứa men vi sinh như kim chi, sữa chua giúp cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột;
4. Giúp đa dạng hóa hệ vi sinh vật đường ruột bằng cách bổ sung nhiều loại thực phẩm trong chế độ ăn uống của bạn và nhiều loại thực phẩm giàu chất xơ tự nhiên, chẳng hạn như trái cây, rau, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt;
5. Theo tình hình, bạn có thể uống một ít trà làm dịu dạ dày để giảm các triệu chứng;
6. Tránh ăn thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến, chẳng hạn như soda, bánh quy, bánh ngọt và khoai tây chiên.
Nếu bạn đang chuẩn bị cho sự kiện quan trọng như 1 cuộc phỏng vấn hoặc 1 buổi thuyết trình, bạn nên hít một hơi dài và chậm bằng mũi và thở ra bằng miệng. Trong tâm trạng lo lắng, đây có thể là một thử thách, nhưng kiểu thở này sẽ giúp giảm nhịp tim và huyết áp của bạn. Ngoài ra, hãy tập trung vào thực tế và đừng suy nghĩ quá nhiều.
Lo lắng có thể tăng lên theo thời gian, vì vậy hãy áp dụng các kỹ thuật sau đây hằng ngày để giúp giảm các triệu chứng lo âu:
1. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng;
2. Đi ngủ đều đặn và duy trì thói quen tốt;
3. Tập thể dục hằng ngày để giúp loại bỏ các hormone gây căng thẳng trong cơ thể và kết hợp các bài tập thư giãn vào cuộc sống.
Nếu nhận thấy sự lo lắng đã ảnh hưởng đến các hoạt động hằng ngày của bạn, hãy tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý kịp thời.
Thùy Trang (Theo Sohu)