Khi nền kinh tế thế giới phục hồi sau đại dịch, lạm phát đang gia tăng ở các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi. Nhu cầu tăng nhanh được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích kinh tế và những gián đoạn do đại dịch gây ra đang thổi bùng “ngọn lửa” lạm phát, khiến lạm phát như “cháy rừng” lan rộng khắp thế giới thông qua các yếu tố toàn cầu như giá thực phẩm và năng lượng cao hơn, và chi phí vận chuyển tăng vọt.
Mức độ lạm phát ở châu Á vừa phải hơn so với ở các khu vực khác trên thế giới, cho phép các Ngân hàng Trung ương khu vực giữ lãi suất ở mức thấp và tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, mức tăng giá trầm lắng của châu Á có thể sẽ thay đổi theo hướng được đẩy nhanh hơn trong năm tới. Triển vọng vẫn chưa chắc chắn và các Ngân hàng Trung ương vẫn nên sẵn sàng thắt chặt chính sách nếu áp lực và kỳ vọng lạm phát tăng lên.
Có một số yếu tố giải thích cho mức lạm phát thấp hơn ở Châu Á. Trong số các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, sự phục hồi chậm trễ đã khiến lạm phát lõi – không tính đến các yếu tố dễ biến động, gồm chi phí lương thực và năng lượng – chỉ bằng một nửa tỉ lệ của các nền kinh tế mới nổi ở các khu vực khác. Và chi phí thực phẩm ở châu Á – chiếm khoảng 1/3 giỏ chỉ số giá tiêu dùng – đã tăng 1,6% trong năm qua, so với 9,1% ở các khu vực khác.
Điều này là nhờ các yếu tố như mùa màng bội thu ở Ấn Độ, sự phục hồi của ngành chăn nuôi lợn sau dịch cúm lợn gần đây ở Trung Quốc, và giá gạo tăng.
Lạm phát thấp hơn ở các nền kinh tế tiên tiến của Châu Á phản ánh một loạt các yếu tố khác nhau. Châu Á có mức lạm phát năng lượng thấp hơn nhiều so với châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, một số quốc gia châu Á đã quản lý đại dịch theo cách giúp họ tránh được gián đoạn nguồn cung lớn và áp lực liên quan đến giá cả. Chẳng hạn, Hàn Quốc tiến hành truy vết dịch tễ và xét nghiệm toàn diện, trong khi Australia và Trung Quốc kiềm chế các ca lây nhiễm bằng cách đóng cửa biên giới và phong tỏa cục bộ.
Biểu đồ so sánh lạm phát toàn phần (headline), giá thực phẩm (food) và giá năng lượng (energy) ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển (EMDE) và các nền kinh tế tiên tiến (AE) ở châu Á và ở các khu vực khác trên thế giới, với số liệu lấy từ Haver Analytics Inc. và IMF, tính đến tháng 10/2021. Số liệu được tính toán bằng cách sử dụng trung bình đơn giản.
EMDE châu Á gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan. AE châu Á gồm: Australia, Đặc khu Hành chính Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Macao (Trung Quốc), Singapore, Đài Loan (Trung Quốc).
EMDE khác gồm: Brazil, Chile, Colombia, Hungary, Mexico, Peru, Nga, Nam Phi. AE khác gồm: Bỉ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, Mỹ.
Áp lực lạm phát tràn lan cuối cùng sẽ giảm bớt trên toàn cầu, khi sự mất cân đối cung - cầu dịu đi và các biện pháp kích thích kinh tế được rút lại dần.
Nhưng vào năm 2022, khi quá trình phục hồi trở nên mạnh mẽ hơn, tác động dai dẳng của việc chi phí vận chuyển ở mức cao có thể chấm dứt tình trạng lạm phát “lành tính” mà châu Á đã trải qua trong năm 2021.
Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (Baltic Dry Index), một thước đo tiêu chuẩn về chi phí vận chuyển toàn cầu, tính đến tháng 10, đã tăng gấp 3 lần trong năm nay.
Việc chi phí vận chuyển tăng cao như vậy sẽ thúc đẩy lạm phát trong 12 tháng, khiến nó có khả năng tăng thêm khoảng 1,5 điểm phần trăm vào tốc độ lạm phát của châu Á trong nửa cuối năm 2022.
Đến lúc đó, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực sẽ phải sẵn sàng hành động.
Minh Đức (Theo Eurasia Review)