Tần Thủy Hoàng, tên thật Doanh Chính, là vị hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa và là một trong những nhân vật bí ẩn nhất thế giới. Sau khi băng hà, vị vua này cũng được chôn cất trong một lăng mộ phức tạp nhất từng được xây dựng ở Trung Quốc.
Nằm ở khu vực chân núi Ly Sơn, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một khối kiến trúc chìm dưới đất đầy phức tạp, chứa mọi thứ hoàng đế cần cho “cuộc sống” ở thế giới bên kia.
Vào năm 1974, một số nông dân đào giếng gần Tây An đã vô tình tìm thấy một tượng binh sĩ bằng đất với kích thước như người thật. Sau đó, họ tiếp tục khám phá ra một đội quân với hàng ngàn tượng khác, mỗi bức tượng mang đặc điểm riêng, từ quần áo, tóc tai và nét mặt. Cho đến nay, các nhà khảo cổ đã tìm được khoảng 2.000 tượng binh sĩ, nhưng họ ước tính tổng cộng phải có hơn 8.000 tượng. Ngoài đội quân đất nung, một trong những bí ẩn xung quanh lăng mộ Tần Thủy Hoàng được các chuyên gia phát hiện đó là số lượng thủy ngân rất lớn.
Theo ghi chép của sử gia Tư Mã Thiên thời nhà Hán, có một dòng sông thủy ngân khổng lồ bên trong lăng mộ, ước tính khối lượng lên tới 100 tấn. Từ đó đến nay, hàng loạt nghi vấn được đặt ra, liệu chức năng thực sự của dòng sông thủy ngân này là gì?
Chúng ta đều biết thủy ngân là kim loại dạng lỏng có độc tính cao. Thủy ngân vừa có tác dụng cách nhiệt vừa có tác dụng diệt khuẩn, đồng thời là vũ khí kịch độc có thể đoạt mạng người. Vậy có phải người xưa dựa vào độc tính của thủy ngân để ngăn chặn những kẻ trộm mộ như nhiều người suy đoán?
Khi nghiên cứu về lịch sử Trung Quốc trước thời kỳ Tần Thủy Hoàng, các chuyên gia nhận thấy thủy ngân chỉ được dùng chủ yếu trong các loại hình ướp xác, bảo quản thi thể và được dùng như một chất chống ăn mòn.
Trở về lịch sử thời kỳ Tần Thủy Hoàng, công dụng cũng như tác hại của thủy ngân chưa được nhiều người biết đến. Mãi đến thời nhà Hán, mọi người mới bắt đầu biết rằng thủy ngân là chất độc hại.
Hơn nữa lượng thủy ngân khổng lồ trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng được cho là tạo thành một lớp cách nhiệt tương đối kín. Do đó, các chuyên gia tin rằng, dòng sông thủy ngân đóng vai trò chính là bảo quản thi thể, chống ăn mòn, nhưng với quy mô lớn hơn các ngôi mộ bình thường.
Về nguồn gốc của số thủy ngân, các nhà khoa học cho rằng có một mỏ khai thác kim loại này ở Tuần Dương, phía nam tỉnh Thiểm Tây. “Người Trung Quốc xưa có thể đã khai thác thủy ngân từ thơi Tiền Tần. Có một lượng lớn thủy ngân ở đây, chỉ cách lăng mộ Tần Thủy Hoàng khoảng 100km”, một nhà nghiên cứu nói. Tuần Dương từng là vùng đất nằm giữa nhà Tần và nhà Chu, có tuyến đường thủy vận chuyển hàng hóa qua nơi này. Sau khi nhà Chu diệt vong, nhà Tần chiếm trọn khu mỏ khai thác thủy ngân.
Nhờ lượng lớn thủy ngân trong lăng mộ, nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng nhiều khả năng vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 2.000 năm. Có vẻ như Tần Thủy Hoàng vẫn luôn ôm hy vọng một ngày nào đó sẽ tỉnh lại, điều này còn quan trọng hơn ý nghĩa đề phòng trộm cắp.
Minh Hoa (t/h)