Một tòa nhà ở Ukraine hư hỏng nặng do giao tranh (ảnh: DW)
Berlin khẳng định Hội nghị Tái thiết Ukraine tổ chức vào ngày 25/10 là sự kiện dành cho các chuyên gia, không phải cho các nhà tài trợ.
Đại diện từ các cường quốc kinh tế thuộc nhóm G7, G20 cùng lãnh đạo các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế quốc tế dự kiến sẽ tham gia sự kiện này. Mục tiêu chính của hội nghị là tìm giải pháp giúp Ukraine có tiền để khôi phục cơ sở hạ tầng, nền kinh tế sau xung đột, theo DW.
Trong khi các chuyên gia “bận bịu” thảo luận, chi phí khổng lồ để hỗ trợ Ukraine đang tăng lên từng ngày. Mỗi tháng, ngân sách của chính phủ Ukraine bị thiếu hụt khoảng 4 tỷ USD.
Ước tính, từ tháng 2 đến đầu tháng 10, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Anh, Canada cùng một số quốc gia khác đã cam kết ủng hộ Ukraine khoảng 93 tỷ USD. Số tiền này bao gồm cả các gói viện trợ về quân sự, nhân đạo và kinh tế. Ở một số nước như Mỹ, Đức, người dân đã bắt đầu phàn nàn về việc chính phủ viện trợ quá nhiều tiền cho Ukraine.
Hôm 23/10, Thủ tướng Ukraine Denis Schmyhal thông báo, thiệt hại do xung đột ở nước này đã lên tới hơn 750 tỷ USD.
Trong khi tình chính tài chính của Kiev ngày càng xấu đi, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã đề xuất thành lập “quỹ Marshall” cho Ukraine. Marshall là tên gọi kế hoạch tái thiết châu Âu của Mỹ sau Thế chiến II.
Trong một bài viết chung trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung (báo Đức) xuất bản hôm 24/10, bà Leyen và ông Scholz cho rằng, việc tái thiết Ukraine cần được tiến hành ngay lập tức.
“Chúng ta phải bắt đầu hỗ trợ Ukraine xây lại các tòa chung cư, trường học, đường xá, cầu… Những hạ tầng năng lượng bị phá hủy phải được khôi phục nhanh chóng”, 2 nhà lãnh đạo viết.
Trước đó, hôm 22/10, ông Scholz kêu gọi cộng đồng quốc tế cam kết hỗ trợ tài chính cho Ukraine trong “nhiều năm”, thậm chí là “nhiều thập kỷ”.
Kiev mất điện trong bối cảnh quân đội Nga tấn công vào hạ tầng năng lượng (ảnh: DW)
Hồi tháng 8, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, từ cuối tháng 2 đến 1/6, Ukraine đã thiệt hại 252 tỷ USD do xung đột. Số tiền cần để nước này khôi phục cơ sở hạ tầng là 348,5 tỷ USD.
Theo DW, số tiền để tái thiết luôn lớn hơn số thiệt hại.
Tuần trước, một bài viết trên Washington Post (báo Mỹ) cho rằng, Ukraine cần hơn 1.000 tỷ USD để khôi phục hạ tầng và vận hành lại nền kinh tế. Trong khi đó, các nước phương Tây – nhà tài trợ chính cho Kiev – đang phải “vật lộn” với suy thoái kinh tế, lạm phát và nợ công.
Theo DW, ngay cả khi phương Tây chịu “dốc hầu bao”, họ cũng lo ngại về tình trạng tham nhũng ở Ukraine. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) xếp Ukraine ở vị trí thứ 3 trong số những quốc gia có tỷ lệ tham nhũng cao nhất thế giới.
Washington Post cho hay, thông qua các công ty nhà nước, vài năm gần đây, giới tài phiệt và các quan chức Ukraine đã bòn rút hàng trăm triệu USD viện trợ nước ngoài.
Vương Nam – DW