Tài xế đánh bom sân bay Bắc Kinh vì bị công an ngược đãi

Tài xế đánh bom sân bay Bắc Kinh vì bị công an ngược đãi

Thứ 5, 25/07/2013 14:10

Những tiết lộ trên trang mạng xã hội của thủ phạm vụ đánh bom sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) đã gây sốc cho nhiều người dân Trung Quốc.

Tàn phế do bị "người thực thi công lý” hành hung

Mấy ngày nay, cả Trung Quốc đang xôn xao, tranh luận về vụ đánh bom tự sát tại nhà ga số 3, thuộc sân bay quốc tế Bắc Kinh - sân bay có số lượng du khách đông, đứng thứ sáu trên thế giới. Mặc dù không có thương vong nhưng vụ việc vẫn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi nguyên nhân dẫn đến hành động trên của thủ phạm cũng chính là bức xúc của nhiều người dân Trung Quốc lâu nay.

Tiêu điểm - Tài xế đánh bom sân bay Bắc Kinh vì bị công an ngược đãi

Hình ảnh Li Zhongxing tại sân bay quốc tế Bắc Kinh.

Theo thông tin ban đầu, thủ phạm đánh bom tự sát tên là Ji Zhongxing, sinh năm 1979, người Sơn Đông, hiện đang được điều trị trong bệnh viện. Zhongxing đã kích hoạt thiết bị nổ tự chế sau khi bị nhân viên bảo vệ tại sân bay ngăn phát tán các tờ rơi, thu hút những người có mặt tại sân bay chú ý đến khiếu nại của anh ta.

Báo Beijing News còn trích lời một số nhân chứng nói rằng, Zhongxing nhiều lần hô lên "Tôi mang theo một quả bom, hãy tránh xa tôi ra!" trước khi quả bom phát nổ. Ngay sau đó, lực lượng an ninh đã nhanh chóng tiếp cận anh ta. Một quan chức cảnh sát có mặt tại hiện trường cho biết, Zhongxing đã dùng thuốc nổ đen, tương tự loại dùng cho pháo hoa để chế bom và anh ta bị thương ở tay.

Ngay sau đó, cư dân mạng cũng chú ý đến một trang blog cá nhân, có thể là của Zhongxing. Trang mạng này có một số bài viết kể lại sự việc khi làm xe ôm (không phép) ở Quảng Đông. Một hôm, vì sợ bị công an Đông Quan kiểm tra giấy tờ hành nghề nên Zhongxing đã bỏ chạy, va chạm với xe công an nơi đây và ngã xuống đường. Theo Zhongxing, những người này đã đánh đập anh đến tàn phế hai chân.

Viết trên blog trước khi thực hiện vụ tấn công, Zhongxing nói rằng, muốn phản đối hành vi ngược đãi của công an ở thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông đối với mình vào năm 2005. Điều làm Zhongxing bức xúc hơn hết là những kiến nghị của anh yêu cầu bồi thường chấn thương và bắt những người đã đánh mình đều bị từ chối trong suốt 8 năm qua.

Wu Xiande, phóng viên từng phỏng vấn Ji vào năm 2005 cũng nói rằng: "Tôi thực sự sốc khi nghe tin về vụ nổ. Làm thế nào mà anh ta lại trở thành một người mất hết niềm tin như vậy được?". Theo phóng viên Wu, hai tháng sau khi vụ xô xát xảy ra, hông của Zhongxing bị mưng mủ nghiêm trọng vì gia đình không có đủ khả năng chữa trị.

Tuy nhiên, hành động "giải tỏa uất ức" của Zhongxing đã được giới truyền thông Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ vì thiếu suy nghĩ này.

Tiêu điểm - Tài xế đánh bom sân bay Bắc Kinh vì bị công an ngược đãi (Hình 2).

Các điều tra viên và nhân viên y tế tại hiện trường.

Những quan điểm trái chiều

Sau khi những cáo buộc của Zhongxing lan rộng, chính quyền thành phố Đông Quan đã mở một cuộc điều tra mới liên quan đến vụ xô xát của Zhongxing với nhân viên an ninh năm 2005. Song, cộng đồng mạng Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ về độ tin cậy của cuộc điều tra mới này và cho rằng, cần phải có bên thứ ba tham gia điều tra vụ việc.

Nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã lên các diễn đàn chung, lập chủ đề về Zhongxing và lên tiếng ủng hộ người đàn ông tàn tật sau khi biết người này hành động như vậy để tố cáo trước công luận những bạo hành của công an đối với anh và anh đã cảnh báo để tránh gây thương tích cho những người xung quanh. Luật gia Yuan Yulai khẳng định: "Việc báo động cho mọi người tránh đi như vậy chứng tỏ anh ấy là một người tử tế”.

Báo động nạn bạo hành người dân ở Trung Quốc

Theo các thống kê của Liên hiệp quốc tại Trung Quốc, tỷ lệ tội phạm rất thấp, nhưng ngược lại, nạn tham nhũng tràn lan và việc công an bạo hành dân chúng diễn ra hết sức thường xuyên. Các khiếu kiện của công dân về bạo hành của công an gần như không bao giờ được cơ quan tư pháp chú ý đến.  

Tường thuật về sự kiện này, Đài truyền hình Hồng Kông Phoenix TV nhận định, người đàn ông nổ bom ở sân bay Bắc Kinh đã "mất hết hy vọng vào xã hội", sau bao nhiêu nỗ lực đòi công lý không có kết quả. Cũng theo đài Phoenix TV Hồng Kông, Zhongxing đã bị cụt bàn tay trái sau vụ nổ. Đài Hồng Kông cũng cho biết, hiện tại, họ không liên lạc được với luật sư của Zhongxing. Trước đó, một trong các luật sư cho biết, không thể đưa ra bình luận, vì bị chính quyền thành phố Đông Quan "gây áp lực".

Như vậy, các nguồn tin đều nhận định, Zhongxing quá thất vọng với hệ thống khiếu kiện hiện hành tại Trung Quốc. Rất nhiều công dân Trung Quốc đã mất hàng chục năm trời đưa đơn khiếu kiện khắp nơi mà không được xem xét, giải quyết. Mất hết lòng tin, một số người đã phải sử dụng hành động bạo lực để gây chú ý. Vào giữa tháng trước, một người đàn ông thất nghiệp, tuyệt vọng vì khiếu kiện không có kết quả, đã cho nổ bom trong một chiếc xe buýt tại Hạ Môn (Phúc Kiến), khiến 47 người thiệt mạng và 34 người khác bị thương.

Cư dân mạng Trung Quốc có người lại ủng hộ hành động của Zhongxing, khi so sánh với vụ nổ bom tại Hạ Môn. Một người để lại nhận xét trên trang mạng xã hội Weibo: "Đây là một thay đổi lớn bởi vì Zhongxing đã chọn hành động ít gây tổn hại nhất".

An Mai (Theo Tân Hoa Xã/SCMP)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.