Tạm giữ nhóm thanh niên đến trụ sở đánh công an bị thương

Tạm giữ nhóm thanh niên đến trụ sở đánh công an bị thương

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 2, 16/11/2020 20:11

Thạch không chấp hành theo yêu cầu của công an xã, sau đó cùng nhóm bạn dùng mũ bảo hiểm, cây gỗ đánh hai công an bị thương.

Ngày 16/11, cơ quan Cảnh sát điều tra công an huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp tiến hành bắt khẩn cấp, triệu tập làm việc 14 đối tượng có hành vi “chống người thi hành công vụ” và gây thương tích cho hai công an xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh.

Các đối tượng gây án, gồm: Nguyễn Văn Thạch, sinh năm 1997; Nguyễn Văn Khanh, sinh năm 2000; Thái Văn Ngoan, sinh năm 2000; Nguyễn Đức Tài, sinh năm 1997; Nguyễn Văn Khá, sinh năm 2000; Nguyễn Quốc Trung, sinh năm 1994, cùng ngụ ấp 5, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp; Nguyễn Văn Dương, sinh năm 1992, ngụ ấp 4, xã Gáo Giồng; Đoàn Hoàng Long, sinh năm 1999, ngụ ấp 6, xã Gáo Giồng; Nguyễn Tấn Đạt, sinh năm 2004, ngụ: ấp 2, xã Gáo Giồng; Phan Tấn Phát, sinh năm 2003, ngụ ấp 3, xã Phương Trà; Dương Tấn Lộc, sinh năm 2001, ngụ ấp 1, xã Ba Sao, huyện Cao Lãnh; Nguyễn Văn Luân, sinh năm 2001, ngụ khóm 1, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười; Nguyễn Thành Trọng (tự là Bọng), sinh năm 2003, ngụ ấp 1, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh và Nguyễn Văn Nghe (tự là Tú), sinh năm 1998, ngụ khóm Mỹ Thiện, Phường 3, Tp. Cao Lãnh.

Theo kết quả điều tra, vào khoảng 22h30 ngày 9/11 xảy ra vụ cố ý gây thương tích tại nhà chị Nguyễn Thị Thanh K. (xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). Sau khi tiếp nhận được tin báo của người dân, lực lượng công an xã Gáo Giồng đã nhanh chóng đến hiện trường xác minh và mời Nguyễn Văn Thạch về trụ sở Công an xã Gáo Giồng để làm việc.

Khi đến trụ sở công an xã thì Thạch không chấp hành và bỏ chạy ra trước cổng trụ sở. Thấy vậy, trung úy Võ Huy Thành, công an viên xã Gáo Giồng đuổi theo yêu cầu vào làm việc.

Lúc này, các đối tượng Khanh, Đạt, Phát, Ngoan, Long, Lộc, Dương, Trọng, Tú, Luân, Tài, Khá, Trung (là bạn nhậu với Thạch trước đó) đang kéo đến trụ sở liền xông vào cùng Thạch cầm theo nón bảo hiểm, cây gỗ tấn công, đánh gây thương tích cho trung úy Thành.

Đại úy Trần Thanh Tài, phó trưởng công an xã Gáo Giồng ra can ngăn cũng bị các đối tượng tiếp tục đánh gây thương tích.

Sau khi gây án các đối tượng bỏ trốn khỏi hiện trường, đại úy Tài và trung úy Thành bị đa chấn thương.

Sau khi vụ việc xảy ra, công an Huyện đã nhanh chóng bắt giữ, triệu tập những người liên quan, tiến hành các bước điều tra. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận hành vi vi phạm của mình.

Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng Thạch, Khanh, Dương. Các đối tượng còn lại cho gia đình bảo lãnh và tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Hành vi chống người thi hành công vụ bị xử lý thế nào?

Hành vi chống người thi hành công vụ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự 2015.

Cụ thể, điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

- Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

- Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ

- Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

- Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ.

- Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ.

- Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính.

Điều 330 bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

- Có tổ chức.

- Phạm tội 2 lần trở lên.

- Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội.

- Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên.

- Tái phạm nguy hiểm.

Theo như các quy định trên có thể thấy hành vi chống người thi hành công vụ để xử phạt vi phạm hành chính hay để truy cứu trách nhiệm hình sự là tương tự nhau.

Điểm phân biệt giữa xử phạt hay truy cứu có lẽ chỉ nằm ở mức độ nguy hiểm của hành vi. Tuy nhiên, cả hai quy định đều không đưa ra được hành vi diễn ra ở mức độ nào sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và mức độ nào thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc xác định hành vi chống người thi hành công vụ đó đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa.

H.M

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.