Theo Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, Quan Vũ có quan hệ đặc biệt với 2 danh tướng nhà Ngụy là Trương Liêu và Từ Hoảng bởi cả ba đều sinh ra tại Sơn Tây, thuộc nhóm kỵ binh Tinh Châu nổi tiếng. Đội kỵ binh tới từ Tinh Châu gia nhập các thế lực khác nhau thời Tam quốc, mỗi cá nhân đều có khả năng thực chiến rất cao.
Đều sinh ra tại Sơn Tây và cùng là những danh tướng, bởi vậy dù không chung một chủ nhưng Quan Vũ rất coi trọng tài năng của Từ Hoảng và Trương Liêu. Họ là đối thủ nhưng cũng là những võ tướng và trên hết tất cả họ là đồng hương thân tình. Dù đánh nhau trên chiến trường, nhưng họ vẫn coi nhau là bạn.
Trương Liêu
Trương Liêu (169 – 222), tự là Văn Viễn, người huyện Mã Ấp, Nhạn Môn, nay thuộc thành phố Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Tổ tiên của ông vốn mang họ Nhiếp, là phú hộ ở Mã Ấp, vì tránh kẻ thù nên đổi sang họ Trương.
Thời trẻ tuổi, Trương Liêu chỉ là lính. Ông từng phò tá Đinh Nguyên, đi theo Đổng Trác, Lã Bố rồi cuối cùng mới tới "bến đỗ" Tào Tháo vào năm 198 khi Lã Bố bị chính Tào Tháo đánh bại và giết chết ở Hạ Bì.
Ông là danh tướng nhà Tào Ngụy thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc và là một trong những vị tướng giỏi nhất thời Tam quốc, từng tham gia nhiều trận đánh lớn và mang nhiều thắng lợi vẻ vang cho quân Tào.
Cùng với Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp, Từ Hoảng và Trương Liêu được xếp vào hàng "Ngũ hổ tướng nhà Ngụy". Sử sách ghi lại, Trương Liêu là một trong những mãnh tướng dùng giáo giỏi nhất Tam quốc.
Từ Hoảng
Từ Hoảng (169 - 227) tên chữ là Công Minh là vị tướng được đánh giá là xuất sắc nhất của nước Ngụy thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Trong sự nghiệp của mình, ông lập được vô số chiến công, nổi bật nhất là việc đánh thắng Quan Vũ trong trận chiến Phàn Thành. Ông được Trần Thọ, tác giả của Tam Quốc chí, xếp vào hàng năm võ tướng dũng mãnh nhất của nước Ngụy, cùng với Nhạc Tiến, Trương Cáp, Trương Liêu và Vu Cấm.
Ông sinh ra ở Dương Quận (nay thuộc Hồng Đồng, Sơn Tây) trong thời Đông Hán. Hồi còn trẻ, ông làm một chức quan nhỏ ở địa phương. Sau đó, ông gia nhập quân của Dương Phụng đánh quân Khăn Vàng được cho làm chỉ huy kị binh.
Năm 196, sau khi Đổng Trác chết, Từ Hoảng và Dương Phụng hộ tống Hán Hiến Đế từ Trường An về thủ đô Lạc Dương, lúc đó gần như đã bị phá hủy hoàn toàn. Cùng lúc đó, Tào Tháo cũng dẫn quân đến Lạc Dương để đổi kinh đô và đưa Hán Hiến đế về Hứa Xương. Từ Hoảng khuyên Dương Phụng nên hàng Tào Tháo nhưng Dương Phụng không nghe, thậm chí còn gửi quân đuổi theo để mang Hán Hiến đế về. Sau đó, Dương Phụng bị Tào Tháo đánh bại, và Từ Hoảng cũng đầu hàng quân Tào.
Từ đó, Từ Hoảng tham gia vào tất cả các trận đánh lớn của Tào Tháo, trong đó có những chiến dịch tấn công Đạp Đốn, Lã Bố, Lưu Bị, Mã Siêu, Viên Thiệu... Từ Hoảng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhờ tài năng quân sự và tháo vát của mình. Đặc biệt, trong trận Đồng Quan, Từ Hoảng đã tham mưu cho Tào Tháo phương án tác chiến đánh vào sườn của quân Tây Lương, đó là bước ngoặt lớn của trận chiến, tạo điều kiện cho quân Tào có thắng lợi quyết định.
Trong chiến dịch tấn công các con trai của Viên Thiệu, thái thú thành phố Nghi Dương thoạt tiên đầu hàng nhưng sau đó thay đổi quyết định. Từ Hoảng biết rằng địch thủ đang phân vân, nên đã cho viết một lá thư thuyết phục và cho lính bắn vào trong thành. Thái thú Nghi Dương đầu hàng một lần nữa, và Từ Hoảng chiếm được thành phố mà không thiệt hại gì.
Chiến tích huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Từ Hoảng là ở trận đánh Phàn Thành. Khi Phàn Thành bị Quan Vũ tấn công và quân tiếp viện do Vu Cấm chỉ huy bị đánh bại, Từ Hoảng dẫn quân đến Phàn Thành làm quân tiếp viện thứ hai. Từ Hoảng biết rằng phần lớn lính của mình không được tập luyện bài bản nên ông không giao chiến ngay mà lập trại đằng sau quân địch. Ông cho lính đào hầm xung quanh thành khác của địch là Nghiêm Thành, giả vờ như cắt đường vận lương của địch. Quân Quan Vũ bị lừa và rời bỏ vị trí, giúp Từ Hoảng từng bước giải vây Phàn Thành.
Sau khi quân tiếp viện đến, Từ Hoảng cho quân của mình tấn công trực tiếp vào trại Quan Vũ. Quan Vũ dẫn 5000 kị binh để để đẩy lùi quân Ngụy, nhưng thất bại. Không những vậy, phần lớn quân lính của Quan Vũ bị đẩy xuống sông Hán Thủy và chết đuối. Cuộc vây hãm Phàn Thành của quân Thục bị phá vỡ. Khi Tào Tháo biết tin, ông đã so sánh Từ Hoảng với Tôn Tử.
Khi Từ Hoảng dẫn quân về trại, đích thân Tào Tháo ra ngoài thành 7 dặm để đón tiếp Từ Hoảng. Thường thì quân của các tướng khác, vì muốn xem mặt Tào Tháo, nên đều mất hàng ngũ nhưng quân của Từ Hoảng vẫn hàng nào đội ấy, răm rắp một lượt. Thấy điều này, Tào Tháo khen rằng: "Từ tướng quân quả thật có dáng như Chu Á Phu ngày trước!".
Sau khi Ngụy vương chết năm 220, Từ Hoảng tiếp tục được Tào Phi tin tưởng. Ông được phong làm Hữu tướng quân và Dương bình hầu. Khi Tào Duệ lên ngôi nối dõi Tào Phi năm 227, Duệ cử Từ Hoảng đến bảo vệ Tương Dương khỏi quân Ngô. Không may là ông mất cùng năm vì lý do bệnh tật.
Video: Tào Tháo thu phục Trương Liêu.
Quốc Tiệp (t/h)