Gia Cát Lượng (181 - 234) tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự, và cũng là một nhà phát minh của Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người hình thành nên thế chân vạc giữa nhà Thục Hán, Đông Ngô và Tào Ngụy trong suốt 60 năm. Ông cũng là nhân vật rất quan trọng trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.

Gia Cát Lượng là Thừa tướng nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Trong đời cầm quân của mình, Gia Cát Lượng từng có nhiều chiến tích huy hoàng như mượn gió Đông Nam, hỏa thiêu Xích Bích, thuyền cỏ mượn tên, gảy đàn đuổi 15 vạn hùng binh của Trọng Đạt, hoả thiêu 10 vạn quân Tào, bảy lần bắt Mạnh Hoạch, lục xuất Kỳ Sơn… Ông còn là chủ nhân của những phát minh vô cùng độc đáo như: trâu gỗ ngựa máy, nỏ liên châu, bàn cờ Khổng Minh, đèn trời, chiến xa phá thành, bánh bao…
Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều tình tiết là do La Quán Trung hư cấu ra mà thôi, còn tình huống thực tế chắc không hẳn là như vậy. Duy chỉ có Mã Tiền Khóa là được đông đảo mọi người thừa nhận là do Gia Cát Lượng viết, cũng là quyển sách tiên tri vô cùng chuẩn xác.

Trâu gỗ ngựa máy để vận chuyển quân lương cho 10 vạn quân ngoài sa trường, và chiến xa phá thành vô cùng dũng mãnh của Khổng Minh.
Dự ngôn Mã Tiền Khóa là do Thừa tướng Gia Cát Lượng nhà Thục Hán thời Tam quốc sáng tác. Nhắc đến Gia Cát Lượng, có thể nói là nhà nhà đều biết, nhưng không nhiều người biết về Mã Tiền Khóa. Tương truyền Gia Cát Lượng vào lúc nhàn hạ trong quân đã sáng tác Mã Tiền Khóa (tên Mã Tiền Khóa có nghĩa là quẻ bói gieo trước ngựa).
Mã Tiền Khóa ngắn gọn súc tích phi thường, chỉ có 14 khóa, mỗi khóa dự ngôn một thời đại lịch sử, mà mỗi một khóa lại tuân theo một trật tự sắp xếp. Khi mỗi thời đại lịch sử qua đi rồi, người ta quay lại xem mới thấy Gia Cát Lượng dự ngôn chuẩn xác đến phi thường.
Quẻ đầu trong Mã Tiền Khóa:
“Vô lực hồi thiên
Cúc cung tận tụy
Âm cư dương phất
Bát thiên nữ quỷ”.
(Tạm dịch: Không sức đổi trời, còng mình gắng sức; âm tồn dương phất, tám nghìn nữ quỷ).
Điều này đã nói rõ một điều rằng Gia Cát Lượng quả thực đã biết phò tá Lưu Bị thống nhất giang sơn là điều không thể. Đây chính là thiên ý, bản thân chỉ có thể gắng sức cho đến lúc chết mà thôi. Cách nói này không khỏi khiến người ta có phần thương cảm nhưng đó lại là sự thật.
Trong hai câu: “Âm cư dương phất, Bát thiên nữ quỷ”, câu “Bát thiên nữ quỷ” được xem như một câu chơi chữ. Chữ “bát” thêm chữ “thiên” rồi thêm chữ “nữ” và chữ “quỷ”hợp lại thành chữ “Ngụy”. Điều ấy có nghĩa, nhà Thục Hán cuối cùng sẽ bị Ngụy Quốc tiêu diệt.
Còn ở khóa thứ hai:
“Hỏa thượng hữu hỏa
Quang chúc trung thổ
Xưng danh bất chính
Giang Đông hữu hổ”
là những dự ngôn của Khổng Minh về Tấn triều. Thực tế cho thấy, gia tộc Tư Mã nắm đại quyền trong triều đình nhà Ngụy thời Tam Quốc, trong đó, Tư Mã Chiêu trở thành kẻ thống trị thực quyền.

Tiên tri Mã Tiền Khoá của Gia Cát Lượng đã lưu truyền gần 2000 năm nay, chưa từng sai.
Tới năm 265, Chiêu qua đời, con là Tư Mã Viêm lập tức bắt Hoàng đế cuối cùng của Tào Ngụy là Tào Hoán thoái vị, giao lại triều đình cho mình. Viêm tức vị hoàng đế, lập ra triều Tây Tấn trong phong kiến Trung Quốc.
Nếu vận vào khóa thứ hai trong “Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Lượng, có thể thấy, nhà quân sư đại tài đã tiên đoán như thần. Câu: “Hỏa thượng hữu hỏa” tức hai chữ “hỏa” thành chữ “Viêm”, ý chỉ Tư Mã Viêm.
Tới năm 280, quân Tấn tiến đánh nhà Ngô, bắt sống Tôn Hạo và tiêu diệt nước Ngô, thống nhất thiên hạ. Nên câu thứ hai: “Quang chúc trung thổ” (ý chỉ soi sáng cả vùng trung thổ) là chỉ việc này. Nhưng vì Tư Mã Viêm lên ngôi, lập ra triều Tấn thực chất là cướp đoạt ngôi vị từ Tào Ngụy, nên đúng là “Xưng danh bất chính” như lời chiêm nghiệm trong khóa thứ hai này.
Tới năm 317, Tư Mã Duệ lên ngôi, đóng đô ở Kiến Khang mà sử sách gọi là Nguyên đế của triều Đông Tấn. Vùng Kiến Khang bấy giờ thuộc Giang Đông. Sự kiện ấy cũng trùng khớp với câu cuối: “Giang Đông hữu hổ”, ý chỉ Giang Đông có hổ và “hổ” ở đây chính là Tư Mã Duệ.
Các khóa tiếp theo đều linh ứng với những triều đại khác nhau của Trung Quốc, như khóa thứ ba là những dự ngôn về giai đoạn Bát Vương chi loạn, Ngũ hồ thập quốc và Nam Bắc Triều, khóa thứ tư tiên đoán về đại sự nhà Đường, khóa thứ năm là lời “sấm truyền” về thời Ngũ Đại, khóa sáu ứng với triều Tống, khóa bảy ứng với triều Nguyên, khóa tám ứng với triều Minh và khóa chín ứng với triều Thanh.
Khóa thứ 10:
“Thỉ hậu ngưu tiền
Thiên nhân nhất khẩu
Ngũ nhị đảo trí
Bằng lai vô cữu”
là những dự về sự ra đời của Trung Hoa Dân quốc. Ngày 13/2/1912, hoàng đế nhà Thanh chính thức thoái vị, vương triều Đại Thanh hoàn toàn sụp đổ. Câu: “Thỉ hậu ngưu tiền” (tức: Lợn sau trâu trước) chính là chỉ sự kiện này. Năm 1911 là năm Tân Hợi, tức năm lợn.
Còn năm 1913 là năm con trâu. Trong khi đó, sự thống trị của vương triều nhà Thanh kết thúc vào năm 1912, chính là năm ở giữa: “Thỉ hậu ngưu tiền” (Lợn sau trâu trước).
Riêng câu: “Thiên nhân nhất khẩu” (tức cả nghìn người một miệng) là một câu chơi chữ. Ba chữ “thiên”, “nhân”, “khẩu” khi hợp lại sẽ thành chữ “hòa” trong từ “Cộng hòa”.
“Ngũ nhị đảo trí” (tức năm và hai đảo ngược vị trí) ý chỉ chế độ và quốc thể của Trung Hoa Dân Quốc: mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân. Nguyên thủ quốc gia được gọi là Tổng thống và chức vụ này cũng là do dân bầu. Trước kia có câu: “Cửu ngũ chí tôn”, “ngũ” ở đây ý chỉ ngôi vua. Vì vậy, câu “Ngũ nhị đảo trí” là chỉ chế độ nhà nước do dân làm chủ, dân nắm quyền.

Tạo hình Gia Cát Lượng trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.
Từ khóa 11 là nói về những sự kiện sau thời Trung Hoa Dân Quốc, có thể nói mỗi khóa của Mã Tiền Khóa là nói về một triều đại trong lịch sử Trung Quốc, bắt đầu từ thời Thục Hán kéo dài đến về sau thời Trung Hoa Dân Quốc vô cùng chuẩn xác. Từ đó nhiều người nhận định Gia Cát Lượng đến là để tạo thành thế chân vạc thời Tam quốc, cùng diễn chữ “nghĩa” với các anh hùng hào kiệt, chứ không phải đến để thống nhất thiên hạ, đó chính là thiên ý. Nhờ tài năng xuất chúng Gia Cát Lượng đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình, nhờ đó mà vang danh thiên hạ, lưu danh thiên cổ.
Video: Gia Cát Lượng dùng thuyền cỏ mượn tên.

Quốc Tiệp (t/h)