Gia Cát Lượng (181 – 234), tự Khổng Minh, hiệu Ngọa Long tiên sinh, là Thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng là giúp Lưu Bị gây dựng nên nhà Thục Hán, hình thành thế chân vạc Tam quốc, liên minh Thục-Ngô chống Ngụy. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại của ông, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, năm chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng bệnh mất trong doanh trại. Xung quanh cuộc đời ông còn có rất nhiều điển cố, điển tích trong đó đáng kể đến là câu chuyện Gia Cát Lượng cầu học. Đây là bước ngoặt quan trọng tạo nên một Gia Cát Lượng anh tài kiệt xuất trong lịch sử.
Theo Bàng Thống truyện chép trong Tam quốc chí của Trần Thọ, Gia Cát Lượng là học trò của Bàng Đức Công, người Tương Dương. Gia Cát Lượng thường hay tới nhà, một mình lạy ở dưới giường, ban đầu Bàng Đức Công chẳng chỉ bảo gì sau mới dạy. Chính họ Bàng đặt các biệt danh Ngọa Long cho Gia Cát Lượng, Phượng Sồ cho Bàng Thống và Thủy Kính cho Tư Mã Huy. Bàng Đức Công có cháu là Bàng Thống, người sau này được Gia Cát Lượng tiến cử cho Lưu Bị.
Giai thoại về người thầy của Gia Cát Lượng
Giai thoại trong dân gian thì lưu truyền rằng, người thầy đầu tiên của Gia Cát Lượng là Thủy Kính tiên sinh. Ông sinh sống ở Thủy Kính trang thuộc phía nam của thành Tương Dương. Trong nhà ông có nuôi một con gà trống. Con gà trống này có thói quen đó là đúng vào buổi trưa hàng ngày đều gáy ba tiếng. Mỗi lần con gà trống vừa cất tiếng gáy thì Thủy Kính tiên sinh cũng bắt đầu cho học trò tan học.
Gia Cát Lượng bởi vì ham học nên trong lòng luôn mong muốn Thủy Kính tiên sinh dạy nhiều hơn nữa. Vì thế, mỗi lần nghe thấy tiếng con gà cất tiếng gáy thì cậu bé Gia Cát Lượng lại đưa mắt nhìn con gà với vẻ mặt buồn rầu.
Về sau, Gia Cát Lượng nghĩ ra một cách để kéo dài giờ học. Mỗi lần lên lớp, Gia Cát Lượng lại đem theo một túi thóc nhỏ. Đợi đến lúc gà trống sắp gáy, Gia Cát Lượng lẳng lặng rắc thóc ra bên ngoài cửa sổ cho gà ăn để nó không gáy nữa. Cứ như vậy, hàng ngày khi gà ăn hết thóc và cất tiếng gáy thì giờ học cũng kéo dài thêm được một canh giờ.
Một thời gian sau, Thủy Kính tiên sinh đã phát hiện ra bí mật này. Ông tức giận vì hiểu lầm rằng: “Tên tiểu tử này cố ý giễu cợt ta”. Thế là, ông đuổi Gia Cát Lượng về, không cho học nữa.
Sau khi Gia Cát Lượng trở về nhà, sư mẫu (vợ của Thủy Kính tiên sinh) đã thay học trò cầu xin: “Gia Cát Lượng làm như vậy, cũng là vì muốn học. Hay là tha cho cậu ấy một lần đi!”.
Thủy Kính tiên sinh biết rõ Gia Cát Lượng thông minh hơn người lại vô cùng ham học nên cũng rất yêu quý cậu. Cuối cùng, ông cân nhắc: “Có tha cho Gia Cát Lượng hay không còn tùy thuộc vào phẩm hạnh của cậu ta như thế nào?”.
Sau khi cử thư đồng đi quan sát và về thuật lại, Thủy Kính tiên sinh lúc này nhận định: “Gia Cát Lượng ngày sau nhất định sẽ là anh tài hào kiệt”. Ông cũng lập tức thúc giục thư đồng dẫn đường vì muốn đích thân đến nhà đón Gia Cát Lượng về học tiếp.
Truyền thuyết dân gian
Theo tương truyền, gia cảnh nhà Gia Cát Lượng vốn rất nghèo khổ. Ngay từ lúc còn nhỏ tuổi, ông đã phải chăn cừu trên núi. Trên núi có một đạo quán, trong đạo quán có một lão đạo sĩ tóc bạc. Lão đạo sĩ mỗi ngày đều ra ngoài du ngoạn. Một ngày nọ, ông trông thấy Gia Cát Lượng và thử trêu đùa cậu bé, thì cậu bé cũng đùa lại với ông. Từ đó Gia Cát Lượng và lão đạo sĩ thường trò chuyện với nhau bằng cách ra dấu tay. Lão đạo sĩ thấy Gia Cát Lượng thông minh khả ái nên đã tiện thể trị bệnh cho cậu. Không lâu sau, bệnh câm của Gia Cát Lượng đã được chữa khỏi.
Khi có thể nói được, Gia Cát Lượng vô cùng cao hứng; cậu hướng về lão đạo sĩ để bái tạ. Lão đạo sĩ nói: “Hãy về nhà nói với cha mẹ rằng ta sẽ thu con làm đồ đệ, dạy con biết đọc biết viết, học thiên văn địa lý, và phép dùng binh bằng Âm Dương Bát Quái. Nếu cha mẹ con đồng ý, thì hằng ngày con hãy đến đây học, không được bỏ buổi nào”.
Kể từ đó, Gia Cát Lượng bái lão đạo sĩ làm sư phụ. Bất chấp gió mưa, hàng ngày Gia Cát Lượng đều lên núi nghe giảng. Cậu thông minh hiếu học, chuyên tâm ghi nhớ, sách chỉ xem qua là đã hiểu, nghe giảng xong là đã nhớ. Vì thế lão đạo sĩ ngày càng thêm quý mến cậu học trò.
Một ngày nọ, khi Gia Cát Lượng đang xuống núi và đi qua một cái “am” bỏ hoang, thì gặp một cô gái xinh đẹp thực chất là một con hạc tiên phạm tội trời bị đày xuống trần. Tới nhân gian, nó hóa thành mỹ nữ, văn võ thì không, cày bừa chẳng biết, chỉ biết tầm hoan tác nhạc. Kể từ khi gặp người con gái do hạc tiên hóa thành Gia Cát Lượng không chú tâm vào việc học hành, may mà nhờ có lão đạo sĩ chỉ bảo Gia Cát Lượng đã tỉnh ngộ và lấy đó làm tấm gương để răn mình.
Dù là sử liệu hay giai thoại và truyền thuyết đều thấy được một Gia Cát Lượng ham học và không ngại gian khổ để cầu học, nhờ siêng năng học tập mà về sau, Gia Cát Lượng quả thực đã trở thành một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất. Nguyên nhân được cho là chủ yếu do ông học rộng tài cao nhưng điều quan trọng khiến người đời kính trọng ông lại chính là nhân phẩm và đạo đức làm người.
Video: Gia Cát Lượng đối đáp quần hùng Giang Đông.
Quốc Tiệp (t/h)