Số ca tử vong do ung thư tăng cao
Ngày 10/8, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột (viết tắt là BUH), tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Viện Di truyền học và đơn vị tài trợ tổ chức họp báo thông tin về dự án cộng đồng “Vì một Việt Nam không còn nỗi lo về ung thư”.
BS.CKII. Võ Minh Thành, Giám đốc BUH cho biết, ung thư là mối quan tâm hàng đầu của người dân. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng.
Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư.
Các loại ung thư phổ biến gồm: ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và trực tràng.
Trong đó, với nam giới, ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và ung thư tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư).
Ở nữ giới, các bệnh ung thư phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư).
Số ca tử vong do ung thư của Việt Nam còn cao, hiệu quả điều trị thấp do 80% bệnh nhân được phát hiện ở giai đoạn muộn. Do đó, để chủ động phòng chống ung thư, việc tầm soát và phát hiện sớm đóng vai trò vô cùng quan trọng.
BS.CKI. Trần Thành Sơn, Đơn vị Ung bướu BUH cho biết, tỉ lệ mắc ung thư hiện nay đang ở tình trạng báo động, tỉ lệ tử vong do mắc ung thư còn rất cao khi phát hiện đã ở giai đoạn muộn.
Khi được phát hiện muộn thì chưa đến 10% người bệnh có thể sống trên 5 năm. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm thì sẽ có 90% người mắc bệnh ung thư được chữa trị hiệu quả và kéo dài thời gian sống.
Nhiều lợi ích từ tầm soát, phát hiện sớm
Với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng và xã hội về ý nghĩa của việc dự phòng ung thư sớm, BUH đã phối hợp cùng đơn vị tài trợ là Viện Di Truyền Y Học và Công ty Gene Solutions thực hiện chương trình cộng đồng “Vì một Việt Nam không còn nỗi lo về ung thư”.
Qua đó, BUH phối hợp cùng đơn vị tài trợ là Viện Di truyền Y học và Công ty Gene Solutions cung cấp các xét nghiệm, các gói hỗ trợ và các hoạt động truyền thông về sự cần thiết của tầm soát, phát hiện sớm ung thư trong cộng đồng, nhất là cho những người có nguy cơ cao thông qua công nghệ SPOT-MAS (hay còn gọi là công nghệ sinh thiết lỏng).
Thông tin từ nhà tài trợ cho biết, chi phí cho một lần lấy máu để tầm soát 5 loại ung thư là khoảng 6,5 triệu đồng.
Từ ngày 15/8 đến hết ngày 15/9, dự án miễn phí 30 suất tầm soát 5 loại ung thư: Vú, phổi, dạ dày, đại trực tràng, gan cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao. Đồng thời, hỗ trợ lên đến 50% cho 20 mẫu trong vòng một tháng kể từ khi kết thúc chương trình.
Bên cạnh đó, hỗ trợ sau xét nghiệm khi bệnh nhân có kết quả dương tính (phát hiện ctDNA trong máu). Theo đó, người dân sẽ được hỗ trợ chi phí thực hiện việc xác định khối u tại BUH lên đến tối đa 5 triệu đồng dựa trên hóa đơn thực tế. Tổng chi phí cho dự án lên tới hơn 300 triệu đồng.
Bác sĩ Võ Minh Thành, Giám đốc BUH cho biết, thông qua chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng nói trên, BUH mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong khu vực trước thực trạng ung thư đáng báo động hiện nay.
Đồng thời, góp phần phát hiện sớm ung thư, giúp người dân sớm được điều trị hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho gia đình và xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
Theo bác sĩ Thành, công nghệ sinh thiết lỏng khác với các công nghệ tầm soát ung thư trước đây.
Theo đó, đối với các cách tầm soát ung thư trước đây thì khi nghi ngờ cơ quan nào bị bệnh sẽ sử dụng các biện pháp tầm soát riêng cơ quan đó, có thể là lấy máu để xác định, xa hơn nữa kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu như chụp XQ, CT, MRI, thậm chí là sinh thiết.
Còn đối với công nghệ sinh thiết lỏng, chỉ cần làm động tác lấy máu là có thể tầm soát được 5 loại ung thư phổ biến nhất với chính xác rất cao, lên đến 99%.
Do đó, không cần kỹ thuật xâm lấn như không cần nội soi, sinh thiết để lấy mẫu cơ quan trong cơ thể người bệnh, không cần phải làm nhiều cơ quan trên cơ thể.
Đồng thời, hạn chế thấp nhất mức độ xâm lấn đối với cơ thể người bệnh. Từ đó, đáp ứng mục tiêu hướng đến của ngành y tế là giảm thủ tục, giảm đau đớn, giảm chi phí cho bệnh nhân mà độ chính xác lại cao.
Để áp dụng kỹ thuật hiệu quả, BUH luôn chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh nhằm giảm tỉ lệ tử vong cho bệnh nhân.
Theo đó, đơn vị đã cử các bác sĩ chuyên khoa Ung bướu đi các trung tâm đào tạo lớn trực tiếp đào tạo.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng phối hợp với các chương trình của nhiều trung tâm y tế, các bệnh viện lớn nhằm hỗ trợ nâng cao tay nghề. Từ đó, giúp đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện dần dần tự lập triển khai tại địa phương, góp phần giảm bớt tình trạng bệnh nhân đỡ phải đi xa điều trị.
Đại diện nhà tài trợ, bà Võ Thị Kiều Chinh, Giám đốc kinh doanh Công ty Gene Solutions cho hay: “Không dừng lại ở việc tầm soát, chúng tôi còn hỗ trợ các bước chẩn đoán, điều trị nếu phát hiện dương tính – bằng hệ sinh thái các xét nghiệm gen, hệ thống bệnh viện ung bướu đang hợp tác nhằm đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất, giúp đẩy lùi nỗi lo về ung thư. Chúng tôi mong muốn đóng góp cho cộng đồng và các bệnh viện sự an tâm về nỗi lo ung thư cũng như giảm thiểu các thiệt hại về kinh tế và tinh thần”.
Khánh Ngọc