Tâm sự của giảng viên đại học trót bỏ nghề đi... buôn

Tâm sự của giảng viên đại học trót bỏ nghề đi... buôn

Thứ 5, 27/12/2012 23:55

Từng là giảng viên của trường đại học Y Thái Bình, Dương Minh Tâm muốn thay đổi cuộc sống của mình bằng con đường kinh doanh. Chính sự thay đổi này đã đưa Tâm đến kết cục buồn: Phải trả giá bằng 12 năm tù.

Điều đau buồn nhất khiến Tâm luôn day dứt là khi bị sa cơ lỡ bước, bạn bè quay lưng lại và người chồng mà Tâm nhất mực yêu thương cũng dứt áo ra đi vì không chịu nổi sức ép dư luận.

Một vốn bốn lời

Được sự đồng ý của cán bộ trại giam Thanh Xuân, tôi gặp phạm nhân Dương Minh Tâm (SN 1959, ở Cầu Diễn, Hà Nội). Dù biết tôi là người lạ nhưng Tâm vẫn hướng mắt nhìn thẳng vào người đối diện, một cử chỉ khá hiếm gặp ở một phạm nhân đang thụ án.

Ánh mắt Tâm đen huyền, sáng long lanh và ẩn chứa bao nỗi niềm trong đó, khiến tôi không khỏi xót xa, tiếc nuối cho người phụ nữ này.

Pháp luật - Tâm sự của giảng viên đại học trót bỏ nghề đi... buônDương Minh Tâm tại Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội.

Năm 1985, Dương Minh Tâm là giảng viên của trường Đại học Y Thái Bình. Thời kỳ bao cấp cuộc sống khó khăn, Tâm xin nghỉ dạy để ra ngoài làm kinh doanh. Với bản tính thông minh, ăn nói nhẹ nhàng, khúc triết, có sức thuyết phục, đặc biệt sự mô phạm của nhà giáo vẫn ẩn chứa trong Tâm khiến Tâm nhanh chóng lấy được niềm tin và cảm tình của bạn bè cũng như các đối tác làm ăn trong kinh doanh.

Tâm nhớ lại: "Hồi đó, chồng tôi đang công tác tại Cộng hòa liên bang Đức, một mình tôi nuôi hai con nhỏ. Cuộc sống không có bàn tay người chồng, cộng với đồng lương ít ỏi không đủ chi tiêu, nuôi các cháu ăn học. Tôi xin nghỉ dạy theo chế độ 176 rồi chuyển sang làm kinh doanh buôn bán.

Qua tìm hiểu tôi biết được thời kỳ đó buôn bán qua biên giới sẽ thu lời rất cao. Tôi bắt đầu mở cửa hàng kinh doanh một số mặt hàng Trung Quốc và buôn bán qua biên giới bằng con đường không chính ngạch. Con đường buôn bán này đã mang lại cho tôi lợi nhuận vô cùng lớn. Càng lãi tôi càng ham, càng khát vốn để kinh doanh vì to vốn thì lãi nhiều.

Bạn bè khi đó rất tốt với tôi, họ sẵn lòng hùn vốn cho tôi vay mà không một chút đắn đo. Tất cả những nguồn vốn có được tôi đều đổ dồn vào hàng hóa kinh doanh.

Sau khi đã có tên tuổi trong giới kinh doanh lúc bấy giờ, tôi đã vay thêm tiền ở quỹ tín dụng để mở mang thêm bạn hàng cũng như tăng thêm lợi nhuận. Lúc đó với uy tín và "cái thế" của mình, tôi đi vay ai cũng cho vay...".

Sau phút trải lòng ấy, Tâm thở dài như trách thầm chính bản thân mình. Mong muốn làm giàu là điều chính đáng của bất cứ ai, nhưng mong muốn giàu có dựa trên hoạt động kinh doanh không chính ngạch luôn có nguy cơ rủi ro cao và rất dễ bị lật kèo, vì không có hợp đồng thanh toán. Nói đúng hơn là "lậu thuế".

Biết vậy, nhưng Tâm vẫn chọn phương thức này, bởi nó mang lại lợi nhuận rất lớn. Tâm đâu có hiểu, không phải cứ có nhiều tiền đồng nghĩa việc khẳng định vị thế của mình trong xã hội, Tâm chia sẻ: "Trong khi chuyện làm ăn buôn bán của tôi đang phất như diều gặp gió thì một số bạn bè của tôi lại không thể nào vay nổi một đồng vốn để làm ăn.

Tôi đã ủng hộ và giúp đỡ bạn tôi chút vốn (dưới dạng hàng hóa - PV) để bạn tôi có điều kiện kinh doanh kiếm lời, thay đổi cuộc sống, ngay cả khi bản thân tôi vẫn phải đi vay thêm vốn. Tôi đã giúp nhiều người bạn thoát nghèo, những người này không chỉ trở thành những người bạn hàng mà còn là những người bạn thân thiết của tôi.

Sự nghiệp kinh doanh của tôi ngày càng phát đạt, có thể nói tôi đã có một thời kỳ "hoàng kim" từ hoạt động buôn bán không chính ngạch".

Nặng một chữ tình

Nhìn Tâm buồn bã kể lại con đường vướng vòng lao lý, tôi thấy nữ phạm nhân này già hơn nhiều so với tuổi. Có lẽ nhiều đêm Tâm đã mất ngủ, khuôn mặt héo mòn, nhưng ánh mắt đen láy vẫn rất sáng, giữ được nét của một giảng viên đại học với giọng nói nhẹ nhàng và tác phong mô phạm.

Tâm cho biết: "Chính vì giàu nhanh và tôi cũng chủ quan, cộng với quản lý không tốt do tôi rất tin tưởng bạn bè, dẫn đến nguồn vốn bị thất thoát quá nhiều. Năm 1997, khi đổ vỡ quỹ tín dụng, người ta ráo riết đòi nợ tôi.

Với sức ép xiết nợ như vậy, tiền vốn cạn kiệt, ngân hàng tăng lãi suất khiến tôi quá lo sợ và bỏ trốn. Sau 11 năm lẩn trốn, năm 2008, khi các con đã trưởng thành, tôi đã ra đầu thú.

Lúc đó chồng tôi đã trở về Việt Nam. Tôi mang đầu đuôi câu chuyện kể cho chồng nghe, anh ấy động viên tôi rất nhiều, chia sẻ và cảm thông cho tôi và đã trả được cho tôi một chút nợ (tổng nợ là 900 triệu đồng, đã trả được 200 triệu đồng - PV).

Hiện tại tôi còn phải trả là 1, 6 tỷ đồng do tính lãi 11 năm. Tôi bị tòa án kết tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau khi tòa tuyên án phạt tôi 12 năm tõ, chồng tôi rất sốc. Là một cán bộ trong cơ quan nhà nước và có địa vị, chồng tôi đã bị ảnh hưởng và mang tiếng xấu rất nhiều từ dư luận xã hội đến đồng nghiệp.

Họ cho rằng chồng tôi có một người vợ từng là nhà giáo phải đi tù. Những dư luận đó như ngàn lưỡi dao đâm xé tâm can khiến anh ấy trở nên trầm cảm. Tôi cũng vô cùng ân hận vì đã làm anh ấy bị tổn thương".

Giọng Tâm nghẹn lại trong tiếng nấc: "Tôi đã vào đây là kẻ có tội rồi, nhưng không phải kẻ phạm tội nào cũng xấu, buồn một nỗi không phải ai cũng hiểu đúng cho tôi". Nói đến đây hai hàng nước mắt của Tâm chảy giàn giụa trên gò má héo mòn khiến tôi cũng chạnh lòng.

Đưa tay lên gạt hai hàng nước mắt, Tâm tiếp: "Giá như lúc ấy tôi dám đương đầu, không bỏ trốn mà cam kết và có phương thức trả nợ rõ ràng thì chắc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, phải đi tù như thế này...".

Cuộc sống là một đường thẳng, nhưng lại nhiều ngã rẽ, tất cả đều do suy nghĩ của mỗi con người tạo nên. Qua giây phút buồn bã nhất tôi thấy Tâm gắng gượng nở nụ cười và ánh mắt nhìn trực diện. Trong ánh mắt ấy tôi nhận ra những điều đau xót xen lẫn niềm vui, như chờ xem tôi phản ứng gì.

Thấy tôi im lặng, Tâm lại chủ động: "Trong thời gian tôi ở trại, chồng tôi thay tôi yêu thương, chăm sóc và nuôi dạy các cháu nên người. Hiện tại con gái cả tôi đã bảo vệ xong thạc sĩ của Trường Đại học Quốc gia. Cháu thứ 2 đang học Đại học Ngoại thương. Đó là niềm vui lớn, xoa dịu đi nỗi đau ẩn chứa trong tâm hồn tôi...".

Vốn là một người đã từng tiếp xúc với nhiều loại phạm nhân với nhiều mức án phạt khác nhau, nhưng không hiểu sao câu chuyện của phạm nhân Dương Minh Tâm khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nó ẩn chứa nhiều nỗi nhân tình thế thái trong những năm quá độ, khi thời bao cấp đã khiến bao mảnh đời khốn khó muốn ngoi lên làm giàu...

Tâm bảo, tất cả những bạn bè thân thiết nhất đã được Tâm giúp đỡ làm giàu đều quay lưng lại khi Tâm sa cơ lỡ bước - âu cũng do cái gọi là "mặt trái của cơ chế thị trường", khi mà nhiều người đã coi trọng đồng tiền trên hết thảy?

Sự giàu có không thể làm nên hạnh phúc

Hướng mắt nhìn ra xa, Tâm đưa tay lên ngực như trấn an con tim để giảm đi nỗi day dứt bấy lâu. Tôi hiểu một cảm giác đau đớn và tiếc nuối của một người đã từng có một nghề cao quý phải trả giá bằng những tháng ngày tủi nhục - mất quyền công dân.

Tâm nói trong hơi thở nghẹn và đứt quãng: "Bây giờ tôi vẫn không hề trách anh ấy đã không thể vượt qua sức ép dư luận nên đã rời bỏ tôi. Dù thế nào tôi vẫn nghĩ chồng tôi là người tốt. Điều tôi buồn và day dứt nhất là khi tôi sa cơ lỡ bước, những người bạn mà tôi từng giúp đỡ họ nhiều nhất, thì nay họ quay lưng lại với tôi. Từ chỗ tôi có một gia đình yên ấm, hạnh phúc bỗng chốc trở thành ly tán, mất hết niềm tin với bạn bè. Giờ tôi cũng hiểu lắm, nhiều khi sự giàu có không thể làm nên hoặc giữ nổi hạnh phúc đơn sơ, bình dị".

Lương Liễu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.