Cho ý kiến về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) đồng tình với việc thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần phải quy định chi tiết về vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia.
"Tại khoản 1 Điều 24 của dự thảo luật quy định "Hội đồng Y khoa quốc gia là một tổ chức độc lập, có con dấu riêng, trụ sở riêng". Việc Chính phủ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia có phải là một đầu mối trực thuộc Chính phủ như các bộ, ngành và tương đương hay không?, liệu có phát sinh đầu mối tổ chức bộ máy, biên chế? và có đúng với tinh thần của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hay không?, cơ quan nào chịu trách nhiệm giúp Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước đối với Hội đồng Y khoa quốc gia?", đại biểu đoàn Vĩnh Phúc nêu một loạt băn khoăn.
Mặt khác, tại khoản 2 quy định nhiệm vụ của Hội đồng Y khoa quốc gia mặc dù là một tổ chức độc lập do Chính phủ thành lập, nhưng Hội đồng Y khoa học quốc gia lại phải xây dựng và trình Bộ Y tế ban hành chuẩn năng lực nghề nghiệp và tiêu chuẩn cơ sở đủ điều kiện để kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Vì vậy, trong giai đoạn thí điểm theo Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương, đại biểu đề xuất Hội đồng Y khoa Quốc gia nên giao cho Bộ Y tế thành lập cho phù hợp với nhiệm vụ tại khoản 2 điều này, phù hợp với công tác quản lý nhà nước và chuyên môn của Bộ Y tế, biên chế do Bộ Y tế sử dụng từ các chuyên gia, bác sĩ giỏi hiện có của ngành và đồng thời không phát sinh đầu mối và biên chế.
Thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự thảo Luật Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định các ý kiến của đại biểu thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này thực sự có đổi mới căn bản về chất. Đồng thời, giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành y tế đang gặp phải trong thực tiễn và khả thi theo đúng quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” với mục tiêu chất lượng, hiệu quả, phát triển trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ trưởng tham gia làm rõ thêm một số vấn đề lớn được ĐBQH quan tâm, cụ thể:
Về thiết chế Hội đồng Y khoa Quốc gia, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề.
Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm gia đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện. Mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia là đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề được nhiều nước áp dụng thực hiện như Hoa Kỳ, Anh, Canada, Úc, Hồng Kông...Vì vậy, việc tổ chức mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để tổ chức thi đánh giá năng lực hành nghề sẽ bảo đảm phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế trong khu vực và trên thế giới.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tổ chức hệ thống và công tác quản lý, đồng thời kế thừa Luật khám chữa bệnh hiện hành, dự thảo Luật lần này quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề; và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ căn cứ kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh để bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Việc quy định giao Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Theo Bộ trưởng, trên thực tế mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia này đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, vì vậy đã sẵn sàng cho việc đánh giá năng lực hành nghề theo lộ trình được xác định trong dự thảo Luật.
“Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc đánh giá năng lực hành nghề, nên dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, hiện tại, dự thảo luật đưa ra 3 cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này.
Phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật.
Trong dự thảo đã cụ thể đó là khám, chữa bệnh ban đầu, cơ bản và chuyên sâu theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về việc phân cấp này cũng như quy định các danh mục kỹ thuật tối thiểu mà mỗi cấp khám, chữa bệnh bắt buộc phải cung cấp dịch vụ.
"Việc phân thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ được thiết lập hệ thống chuyển tuyến theo cấp độ chuyên môn và bảo đảm sự kết nối trong cung ứng dịch vụ giữa các cấp chăm sóc.
Phương án này cũng tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển cơ sở y tế, đảm bảo tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện cũng như khắc phục được tính bất cập liên quan đến vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến", Bộ trưởng nói.
Cần có chương, mục riêng về cơ chế tự chủ bệnh viện
Tại phiên thảo luận, liên quan đến quy định về tự chủ ĐBQH Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho biết, trong 121 Điều nhưng cụm từ “tự chủ” chỉ được đề cập một lần tại Điều 106, đó là chi của ngân sách cho tự chủ, trong khi đó vấn đề này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến. Đại biểu cho rằng cần có một chương, một mục riêng về cơ chế tự chủ, bởi tự chủ giống như một dòng sông được khơi thông thì con thuyền là các bệnh viện công đi trên đó an toàn và tiện lợi, nếu không cẩn thận thì rất dễ bị đánh đắm con thuyền đó.
Góp ý về xã hội hóa, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng nội dung này cũng được nhiều ĐBQH quan tâm. Theo đó, trong Chương 10 về cơ chế bảo đảm có 9 Điều nhưng tới 5 Điều giao cho Chính phủ quy cụ thể. Đại biểu nhấn mạnh, cơ chế đảm bảo giống như công tác hậu cần kỹ thuật, đi trước và về sau, vì vậy cần rất quan tâm đến nội dung này.
Về xã hội hóa cần nêu các quy định cụ thể, không nên quy định như dự thảo luật chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc. Đại biểu chưa đồng tình với quy định về vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế, theo đại biểu nội dung này không phải là xã hội hóa, cần cân nhắc.