Tăng ni đổ mồ hôi giữ rừng trên thâm sơn

Tăng ni đổ mồ hôi giữ rừng trên thâm sơn

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:42
0
Các tăng ni đã hứa với chính quyền địa phương trong 50 năm không chặt dù chỉ một gốc cây của núi Dinh.

Tiên cảnh giữa trần gian

Dọc con đường dẫn đến chân núi Dinh (Tân Hoài, Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu), chùa chiền, thiền viện, tịnh xá không biết bao nhiêu mà kể, nhỏ lớn xen kẽ cũ mới, người đi viếng mùa nào cũng nhộn nhịp. Thế nhưng càng đi lên cao, số lượng chùa không hề giảm mà người viếng thì thưa thớt dần. Người viếng ngại đường xa, thêm phần khó đi, còn kẻ tu hành xem như một cách hành đạo, tìm chốn thanh tịnh dưỡng tâm hướng Phật.

Con đường mòn từ chân núi, đi xuyên qua Thiền viện Minh Đức dẫn lên đỉnh núi lởm chởm đá sỏi, gập ghềnh từng ụ đá tảng, pha lẫn lớp đất đỏ trơn trượt mỗi khi có cơn mưa nặng hạt kéo về. Bàn chân kẻ tu hành bỏng rát đạp lên những gập ghềnh, cùng tấm lưng oằn mình dưới cái nắng mặn mòi của miền biển. Họ đi, khiêng, vác, quét dọn, làm nhiều thứ chỉ để làm đẹp hơn chốn chùa chiền nơi thâm sơn cùng cốc.

Xã hội - Tăng ni đổ mồ hôi giữ rừng trên thâm sơn

Thiền viện Minh Đức

Chùa quê lại ở tít trên núi cao, đường sá khó đi nên chẳng mấy khi khách thập phương viếng thăm. Họa chăng, phật tử có lòng chạy xe đến hết đoạn đường vừa được lát bằng xi măng, gửi xe dạo quanh một vòng, hưởng cái mát mẻ từ cây cỏ , uống ngụm trà đá của sư thầy Như Thức, một tăng tu tập ở Thiền viện Minh Đức.

Theo lời sư thầy Như Thức, nhờ tiền phật tử và người dân trong vùng cúng dường, thiền viện Minh Đức mới có chi phí thuê nhân công làm đường bằng xi măng. Nhưng cũng chỉ được một đoạn ngắn và đường còn dốc và khúc khuỷu khó đi, ở phía trên, đoạn lên chùa Minh Tánh chỉ là đường đá sỏi.

Chú Tâm sống dưới chân núi Dinh (ngụ xã Phước Thành, huyện Tân Thành), một người dân mê mẩn lối sống nhà Phật, tự nguyện mặc áo nâu sồng, ngày ngày đi tìm cái thanh tao từ chốn rừng núi thiêng liêng. Chú kể: "Tôi thích cách sống của những bậc tăng ni ở nơi này, không tham sân si, mỗi người chọn một kiểu tu hành, có người đóng cửa kinh kệ, có kẻ bốc thuốc cứu người, có người đắp đường, xây chùa, nhưng chung quy lại đều chọn cách sống từ bi bác ái, có ích cho đời".

Mỗi ngày, chú Tâm lên xuống không biết bao nhiêu bận, khi thì trà nước, lúc bó rau, cân gạo, mấy tăng ni nhờ cậy mang lên. Cũng may, lúc lạc đường, chúng tôi đang hoang mang không biết đi đâu giữa nhiều ngả đường thì chú Tâm xuất hiện. Đường chia thành nhiều ngả, vòng nhiều hướng cốt là để các sư tỏa ra đều khắp rừng trong núi, mỗi sư mỗi ni trồng trọt xây dựng theo một cách khác nhau. Người tạo khung cảnh nên thơ, thần phật ngự khắp khuôn viên, dọc theo các lối đi, người chỉ làm túp lều nhỏ tạm bợ, ở tạm giữ rừng, chốn che mưa nắng đọc kinh phát nguyện.

Những người dân theo sư làm công quả không vì lòng mê muội tôn giáo mà tự thấy đó là công việc hữu ích, rèn tâm luyện tính. Mấy sư thầy, sư cô ở núi Dinh lao động không mệt mỏi, lúc nào tay cũng không ngơi nghỉ, cầm dao dọn dây leo, cầm cuốc xới đất trồng hoa màu, cầm bay xây chùa. Chúng tôi học được đức tính chăm chỉ cần cù và yêu lao động từ những ngày lên chùa làm công quả. Chú Tâm vừa dẫn đường vừa bộc bạch những suy nghĩ cá nhân về lối sống của tăng ni chùa núi Dinh.

Riêng sư thầy Như Thức, dù chỉ vừa bước qua tuổi 35, nhưng đã có hơn 10 năm theo Phật, sư thầy được sư trụ trì Thiền viện Minh Đức cho xuất gia khoảng 3 năm trở lại đây. Suốt 10 năm tu tập, làm công quả, sống cuộc đời khổ hạnh, sư thầy vẫn thấy mình thích hợp với cuộc sống này, từ khi trụ trì có lệnh các tăng lên núi cao tu tập để nhường Thiền viện được xây dựng khang trang dưới chân núi cho các ni trú ngụ, những tưởng sẽ làm mai một ý niệm chân tu nhưng không ngờ đường tu như ngày mở rộng vô biên.

Xã hội - Tăng ni đổ mồ hôi giữ rừng trên thâm sơn (Hình 2).

Sư thầy Như Thức bên túp lều tạm bợ ngày ngày trông chùa và giữ rừng

Mở núi, xây chùa,giữ rừng xanh

Núi Dinh, ngọn núi độc đáo bậc nhất về văn hóa lịch sử lẫn truyền thống cách mạng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tọa lạc ngay cửa ngõ vào thiên đường nghỉ dưỡng TP. Vũng Tàu. Núi Dinh có độ cao khoảng 500m với tổng diện tích toàn khu vực gần 60km2, trải dài trên 3 xã của huyện Tân Thành. Từ trên đỉnh núi, những dòng suối uốn lượn theo nhiều ngả, mang làn nước trong vắt mát lành, lách qua những khe đá, tạo âm vang núi rừng quyện vào tiếng kinh kệ trong buổi xế tà.

Một suối Tiên tuyệt đẹp gắn liền với huyền thoại tiên nữ giáng trần thưởng ngoạn cảnh trần gian, thấy dòng suối mát lành với những thác nước nhỏ róc rách, lúc phình ra thành hồ nước phẳng lặng, trong xanh. Cảnh đẹp, hữu tình, thanh vắng , tiên nữ liền hòa mình vào làn nước và rồi cứ mỗi năm vào ngày sáng trăng, dân gian thường tụ họp về đây ngắm nhìn tiên nữ.

Những sự tích thần tiên đã mờ dần trong tiềm thức nhưng những giá trị văn hóa, lịch sử, kinh tế, môi trường mà núi Dinh có được là tài sản vô giá của quốc gia và dân tộc. Ẩn hiện theo triền núi là những ngôi chùa, có ngôi đã là cổ tự, có ngôi chỉ mới được khai hoang, đắp đá. Hàng ngày, ngọn núi này đón hàng ngàn du khách đến tham quan, viếng Phật, mang lại những nguồn thu từ du lịch cho địa phương. Xét về mặt môi trường, rừng núi Dinh là nguồn sinh quyển phong phú với đa dạng động thực vật sinh sống.

Để gìn giữ khối tài sản tự nhiên rộng lớn, dàn trải này là việc làm hết sức khó khăn với sức người sức của còn hạn chế của dân ta, nhưng chính nhờ những bậc cao tăng chọn không gian núi Dinh dừng bước, cốt để tu đạo và cũng để giữ rừng.

Sư thầy Như Thức cho biết: "Chùa đã ký kết hợp đồng với chính quyền địa phương, chịu trách nhiệm trông coi rừng núi Dinh trong 50 năm, cam kết không được chặt dù chỉ một gốc cây rừng, đổi lại, tăng ni có thể dùng diện tích núi để sinh hoạt và tu hành nhưng không làm tổn hại núi rừng".

Giữa cái nắng chói chang, một không gian tĩnh lặng, tiếng kinh kệ vang đều đều vọng ra từ các am thất không tên, chùa chiền muôn tuổi. Vài ngôi chùa được xây dựng kiên cố với đá xanh được khoan cắt từ đá núi thành từng mảng lớn, được xếp chồng lên nhau kết dính bằng lớp xi măng trắng trộn với ít cát sỏi. Những ngôi chùa trên núi Dinh có những đặc điểm không hề giống hình mẫu sẵn có, mà là sản phẩm của tự nhiên và công sức tăng ni, công quả của người dân hướng đạo.

Đi để cảm, tìm xem để phục là điều chúng tôi có được từ những nhọc nhằn vượt đường sỏi lên núi cao. Lẫn trong cây rừng cổ thụ ngàn năm, những vườn chuối cây nhỏ tong teo bởi đất rừng cằn cỗi, mấy hàng đinh lăng sẫm màu xanh già cỗi thẳng tắp ghi dấu bằng bàn tay con người trên những lối mòn ngoằn ngoèo giữa rừng cây đá núi hoang sơ. Tượng Phật được lát bằng miểng chén trong tư thế nằm thư thái chống tay lên cằm nhìn ngắm thiên nhiên phần nào nói lên tâm ý của những con người chọn nghiệp tu hành nơi rừng thẳm.

Giữa hoang vu, một ni sư lặng lẽ mang từng mẩu gạch đã được cắt gọt tỉ mỉ, cẩn thận cất vào ngôi nhà đá nhỏ nép mình bên bóng cây cổ thụ. Ni sư này cho biết: "Khuôn viên đã được tạo hình, tượng phật cũng được xếp đặt đâu vào đó, trò (danh xưng của sư với PV) tự mày mò làm từ từ, cái nào không rành thì để thợ xây làm…".

Gieo vào lòng chúng tôi và ở ẩn trong tiềm thức thật lâu bền là hình ảnh tăng ni miệng nhoẻn cười trong khi tay không ngơi làm. Thầy Như Thức, cư sĩ Chơn Tịnh và hàng trăm tăng, ni sư khác, những con người chọn lao động làm cách hành đạo.

Ngọc Lài- Hà Nguyễn