Tăng tốc để bứt phá, “vẽ lại bản đồ” du lịch Việt Nam

Ma Thị Kim Thoa

Ma Thị Kim Thoa

Thứ 4, 09/07/2025 20:00

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, đã đến lúc cùng nhau “vẽ lại bản đồ” du lịch Việt Nam với không gian mở, sản phẩm đặc sắc có chiều sâu.

Ngành du lịch cần hợp lực, chọn điểm, bứt tốc

Chiều 9/7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 của ngành Du lịch.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đưa ra nhiều chỉ đạo nhằm tạo đà bứt phá, đưa du lịch Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu các địa phương "hợp lực, chọn điểm, bứt tốc" để cùng nhau vươn lên trên đường đua thu hút du khách.

"Chúng ta cần "vẽ lại bản đồ du lịch Việt Nam" như Thủ tướng đã nói. Nhưng "vẽ lại" không phải phủ nhận thành tựu đã có, mà để tạo ra những sản phẩm đậm đà bản sắc, có tính liên kết, nổi bật và đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh mới", Bộ trưởng nói.

Tăng tốc để bứt phá, “vẽ lại bản đồ” du lịch Việt Nam- Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị (Ảnh: X. Trường).

Theo Bộ trưởng, trước những biến động khó lường của tình hình thế giới và khu vực, ngành du lịch Việt Nam cần nâng cao năng lực thích ứng, sức chống chịu bằng việc xác lập lại tư duy phát triển, cơ chế vận hành và cấu trúc sản phẩm. 

Bộ trưởng đề nghị các địa phương chủ động kiến nghị, đề xuất để xác lập lại phân khu điểm đến, kết nối không gian du lịch liên vùng. Đây chính là cơ sở để phát triển sản phẩm mới có chiều sâu, mở rộng quy mô, khai thác hiệu quả hơn tài nguyên sẵn có.

"Chúng ta không thể chậm một nhịp. Lúc này cần làm mới, bổ sung kết nối, mở rộng các khu du lịch. Tôi mong các Sở, Cục liên quan cùng hoàn thiện, chậm nhất đến hết quý III/2025 phải định vị xong, góp phần vẽ lại bản đồ du lịch", Bộ trưởng yêu cầu.

Về thể chế, Bộ trưởng nhấn mạnh việc rà soát lại toàn bộ cơ chế, chính sách chiến lược, các đề án của cả Trung ương và địa phương. Bộ trưởng tin rằng điều này sẽ mở ra động lực mới cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người dân, những chủ thể trực tiếp tham gia vào chuỗi giá trị du lịch.

"Người mở cổng làng cũng là một đại sứ du lịch. Nếu không trân quý người dân, không có những nụ cười toả nắng thì khó lưu giữ hình ảnh đẹp về đất nước, con người Việt Nam", Bộ trưởng nói, đồng thời nhắc nhở những người làm du lịch không được vô cảm, phải lắng nghe và đồng hành cùng cộng đồng.

Ông cũng nêu rõ 10 thị trường chiến lược mà ngành cần tập trung gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Trung Đông, Nga, Ấn Độ… 

"Thị trường là trung tâm, thương hiệu là nền tảng. Nếu một nơi cảnh sắc đẹp, người dân thân thiện nhưng thiếu đường bay, thủ tục chưa thuận lợi thì sẽ khó giữ chân du khách", ông Hùng nói.

Tăng tốc để bứt phá, “vẽ lại bản đồ” du lịch Việt Nam- Ảnh 2.

Du khách thích thú khám vẻ đẹp quần thể danh thắng Tràng An, Ninh Bình.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác được Bộ trưởng chỉ đạo là tập trung xây dựng những sản phẩm du lịch Việt Nam đặc sắc, khác biệt, có chiều sâu và quy mô phù hợp. "Mỗi địa phương phải tự xác lập, đăng ký sản phẩm riêng, đóng góp vào chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá mà Chính phủ sẽ phê duyệt", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng đồng thời yêu cầu đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch nội địa, vốn là bệ đỡ quan trọng với thị trường gần 100 triệu dân và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh.

"Để có một sản phẩm du lịch 'không dấu chân', chúng ta phải bắt tay vào số hoá dữ liệu, điểm đến, song yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. 

Cần tăng cường quản lý, kiểm tra chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn, thân thiện, văn minh, chấm dứt tình trạng 'chặt chém' gây xấu xí hình ảnh du lịch Việt Nam", Bộ trưởng chỉ rõ, đồng thời kêu gọi báo chí, truyền thông tiếp tục lan toả những giá trị tốt đẹp, tấm gương phục vụ du khách tận tâm.

Tăng tốc để bứt phá, “vẽ lại bản đồ” du lịch Việt Nam- Ảnh 3.

Toàn cảnh hội nghị (Ảnh: X. Trường).

Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phối hợp liên ngành, liên vùng từ hàng không, đường sắt đến công an, tài chính để tạo ra chuỗi giá trị bền vững. 

Bộ trưởng đề nghị các tỉnh, thành ngồi lại để xác định rõ đâu là đầu vào, đâu là trung chuyển, địa phương nào đảm trách sản phẩm nào, tránh tình trạng sản phẩm na ná, trùng lặp. 

Ông kỳ vọng Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng sẽ là những địa phương tiên phong, dẫn dắt hệ sinh thái du lịch quốc gia, mở đường cho ngành du lịch Việt Nam bứt phá mạnh mẽ.

Triển khai giải pháp hướng tới hoàn thành mục tiêu

Theo thống kê của Cục Du lịch quốc gia, trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 48,6% kế hoạch năm 2025); Tổng lượng khách du lịch nội địa đạt 77,5 triệu lượt, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024 (đạt 64,5% kế hoạch năm). 

Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 518.000 tỷ đồng (đạt 52,8% với kế hoạch).

Mặc dù đạt được nhiều kết quả khả quan, ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ của du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh cho biết, du lịch Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức như: Sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực với chính sách thu hút khách linh hoạt đã ảnh hưởng đến lượng và chất lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Tăng tốc để bứt phá, “vẽ lại bản đồ” du lịch Việt Nam- Ảnh 4.

Tổng thu từ khách du lịch trong 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 518.000 tỷ đồng (đạt 52,8% với kế hoạch).

Sản phẩm du lịch dù đã đa dạng hơn nhưng chưa khai thác hết tiềm năng, giá trị gia tăng thấp, thiếu hấp dẫn; Công tác quảng bá còn thiếu điểm nhấn, thương hiệu du lịch quốc gia chưa nổi bật; Một số điểm đến chưa đáp ứng kỳ vọng về chất lượng dịch vụ, đặc biệt trong cao điểm do thiếu nhân lực chuyên nghiệp.

Hạ tầng du lịch còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận; Hành lang pháp lý cho phát triển sản phẩm mới như du lịch nông thôn hay du lịch đêm còn chưa thuận lợi; Các doanh nghiệp du lịch thiếu nguồn lực tài chính để phát triển sản phẩm, quảng bá và áp dụng chính sách ưu đãi; Giá vé máy bay tăng cao trong mùa cao điểm cũng là rào cản thu hút khách.

Để tạo bứt phá trong giai đoạn tới, ngành du lịch đã xác định tập trung thực hiện những nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. 

Trước hết là hoàn thiện thể chế theo hướng kiến tạo, sửa đổi Luật Du lịch và cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; Đồng thời, đề xuất các chính sách, cơ chế đột phá như mở rộng miễn thị thực, đơn giản hóa xuất nhập cảnh, ưu đãi thuế cho lĩnh vực du lịch, tăng kết nối hàng không và khai thác hiệu quả du lịch nông nghiệp, đường sắt.

Ngành cũng sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch theo chiều sâu, chất lượng, bền vững, gắn với bản sắc văn hóa và di sản; xây dựng sản phẩm cao cấp, đặc thù theo vùng miền, nâng tầm trải nghiệm du khách. 

Việc tăng cường liên kết vùng, phối hợp liên ngành cũng được chú trọng nhằm phát triển du lịch xanh, lấy trải nghiệm của du khách làm trung tâm. Cơ cấu lại thị trường du lịch phù hợp với xu thế toàn cầu và bối cảnh mới, tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới. Cùng với đó là thúc đẩy hợp tác công - tư, huy động nguồn lực xã hội đầu tư hạ tầng, cải thiện chi phí logistics và chất lượng nhân lực. 

Ngành cũng sẽ tăng cường bảo đảm an toàn cho du khách, gìn giữ môi trường du lịch văn hóa, văn minh, thân thiện. Về truyền thông, quảng bá, định vị thương hiệu quốc gia sẽ được thực hiện theo chiến dịch trọng điểm, kết hợp nguồn lực nhà nước và xã hội. 

Cuối cùng, ngành sẽ phát triển hệ thống dữ liệu, nền tảng số phục vụ quản lý, điều hành và trải nghiệm du khách, đồng thời đa dạng hóa hệ thống doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng du lịch toàn cầu.

"Du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội để khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế, vươn lên khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. 

Cơ hội đó bắt nguồn từ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cho hoạt động du lịch; thị trường khách du lịch quốc tế còn nhiều dư địa tăng trưởng trong điều kiện đã có các chính sách thuận lợi về thị thực và xuất nhập cảnh. Đây chính là cơ sở để đưa du lịch Việt Nam lên một tầm cao mới", Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.