Chị Vũ Thị Phượng (công nhân tại TP.Thủ Đức) chia sẻ dịp Tết vừa rồi gia đình chị đã không dám đi máy bay để về Hà Tĩnh vì giá vé quá đắt đỏ. Nhưng có lẽ từ nay không chỉ đắt đỏ trong các dịp Tết, lễ mà trong ngày thường, người thu nhập trung bình cũng khó dám đi. "Tăng trần giá vé máy bay, có nghĩa các hãng tự quyết định và đều tăng lên. Như vậy, người lao động ít tiền như chúng tôi lại càng khó có khả năng đi máy bay", chị Phượng nói.
Còn với anh Trung Anh (Hà Nội) thì cho rằng, giá vé các chặng bay Hà Nội – Phú Quốc, Hà Nội – TP HCM, Hà Nội – Cần Thơ đều tăng tối thiểu từ 200-250 nghìn/chặng. Giá vé máy bay nội địa quá cao, vào những thời điểm hè, ngày lễ tết thì mức tăng còn cao hơn nữa, trong khi vé đi nước ngoài nhiều nơi như Malaysia, Thái Lan còn rẻ hơn cả chặng nội địa Việt Nam. “Dịp lễ 30/4 có lẽ tôi sẽ lựa chọn đi Thái Lan hoặc Singapore, mức vé hợp lý, chi phí dịch vụ rẻ lại vừa được trải nghiệm đi du lịch nước ngoài” – Trung Anh bày tỏ.
Nhiều người dân lo ngại giá vé tăng cao, sẽ khó có cơ hội du lịch bằng đường hàng không vì đắt đỏ
Trong khi đó, rất nhiều người dân khác thì lại cho rằng dịp lễ năm nay, gia đình họ sẽ lựa chọn các điểm du lịch gần nhà và dùng xe gia đình hoặc các phương tiện khác phù hợp hơn.
Từ đầu tháng 3/2024, trần giá vé máy bay nội địa tăng khoảng 3,75% so với hiện hành, tương đương tăng 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều.
Cụ thể, đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều. Với đường bay có khoảng cách 850 km đến dưới 1.000 km, giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần 3,4 triệu đồng/vé/chiều. Đường bay có khoảng cách 1.280 km trở lên sẽ có giá trần 4 triệu đồng/vé/chiều.
Như vậy, với đường bay nội địa, vé máy bay có giá cao nhất lên đến 4 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí).
Theo một cán bộ Cục Hàng không Việt Nam, mức tăng này chỉ đủ để các hãng hàng không bù đắp phần nào chi phí trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua.
Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định các hãng đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa trong khung giá quy định, phù hợp nhu cầu của hành khách và thị trường từng giai đoạn. Chẳng hạn, trong giai đoạn cao điểm, các hãng sẽ tăng tỉ lệ bán vé, còn ở những giai đoạn thấp điểm hoặc với các chuyến bay lệch đầu thì giá vé sẽ hạ.
"Việc áp dụng chính sách giá linh hoạt, đa dạng đã mang lại cơ hội cho người dân tham gia vận chuyển bằng đường hàng không với mức giá phù hợp trong khi hãng có cơ hội lấp đầy chỗ trống, nhất là với giai đoạn thấp điểm, chuyến bay đêm. Qua đó, góp phần thúc đẩy thị trường hàng không nội địa phát triển với sự cạnh tranh khá sôi động về chính sách vận chuyển của các hãng" - cán bộ Cục Hàng không Việt Nam nói.
Các công ty lữ hành - du lịch cũng lo ngại đối diện những khó khăn vì giá vé tăng cao
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp lữ hành, việc tăng trần giá vé máy bay lại khiến họ như “ngồi trên đống lửa” vì khó chồng khó.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc truyền thông tại một công ty lữ hành, cho biết, việc điều chỉnh giá trần hàng không từ 1/3/2024 đã có tác động ngay tức thì đối với các đường tour trong nước. Bởi hiện nay, giá tour khai thác bằng hàng không đang được các công ty lữ hành điều chỉnh theo hướng tăng. Điều này cũng cho thấy, ngành du lịch nội địa sẽ thêm khó khi cạnh tranh với du lịch nước ngoài.
Theo ghi nhận, chặng bay từ TP HCM đi Hà Nội, Phú Quốc, Nha Trang... trong tháng 3-2024 đang có giá rất cao. Nghịch lý là chặng TP HCM - Hà Nội có giá vé khứ hồi khoảng 4,5 - 6 triệu đồng/người trong khi giá tour 4 ngày chỉ tầm 3,5 - 4 triệu đồng/người. "Nếu tổng chi phí tour - gồm cả vé máy bay - vào khoảng 7-10 triệu đồng/người thì du khách sẽ chọn đi Thái Lan, Singapore nhiều hơn. Cũng vì lý do đó, nhiều công ty du lịch không dám "ôm" nhiều vé máy bay như trước vì sợ giá biến động" thì cầm chắc “lỗ” - ông Mẫn nói.
Là đơn vị kinh doanh dịch vụ bán vé máy bay, chị Nguyễn Thị Hải Minh (Hà Nội), đại diện công ty cũng cho biết, khi thay đổi giá trần vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến giá một số tuyến du lịch trong nước và hoạt động kinh doanh sản phẩm trong nước. Vì vậy, để khách hàng không bị "sốc", doanh nghiệp sẽ cân nhắc kỹ trong các kế hoạch tăng giá vé hoặc chọn phương án giữ trước lượng vé lớn cho các mùa cao điểm.
“Năm 2023 đã là một năm khó khăn với các doanh nghiệp ngành vé – du lịch, trước tình hình tăng giá trần như hiện nay, dự định mùa du lịch cao điểm năm 2024 cũng chưa thể khả quan hơn” – chị Minh nói.
Một chuyên gia hàng không thì lưu ý, giá vé máy bay được mở bán dựa trên quy luật cung – cầu và theo dự báo thị trường. Vé sẽ được mở bán nhiều dải từ thấp đến cao và không vượt quá giá trần quy định. Việc tăng giá trần sẽ giúp các hãng linh động trong việc đưa ra các mức giá khác nhau. Có khả năng là trong giai đoạn cao điểm, giá vé sẽ được mở bán với giá cao do nhu cầu đi lại của người dân tăng.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có vé máy bay giá rẻ. Các hãng vẫn sẽ tung ra nhiều ưu đãi, chính sách khuyến mãi để kích cầu đi lại, du lịch mùa thấp điểm... Hành khách có kế hoạch đi lại sớm, mua vé từ xa sẽ có nhiều cơ hội tiết kiệm, càng gần ngày bay, giá vé càng cao do lượng vé rẻ thường được bán từ xa ngày và các đợt khuyến mại...
Quỳnh Chi