Thu ngân sách đạt gần 400.000 tỷ đồng
Sáng 8/7, báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025 tại kỳ họp thứ 25, ông Trương Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, bức tranh kinh tế Thủ đô tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực khi các chỉ tiêu trọng yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP trong 6 tháng đầu năm tăng 7,63% – cao hơn mức trung bình cả nước 7,52% và vượt kịch bản tăng trưởng của Thành phố 7,59%. Con số này cũng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2024 là 6,13% và được đánh giá là tiền đề quan trọng để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 8% trong cả năm 2025.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 6 tháng đầu năm 2025 là 392,2 nghìn tỷ đồng, đạt 77,6% dự toán, tăng 51,4% so với cùng kỳ (chiếm khoảng 29,4% tổng thu của cả nước 1.332,3 nghìn tỷ).
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 455.100 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng toàn chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 3,2% (cả nước 3,8%). Khách du lịch đạt 3,6 triệu lượt, tăng 22,1%, với 2,636 triệu lượt khách quốc tế (tăng 23,6%), vượt mức tăng trưởng du lịch quốc gia (23,8%).
Đáng chú ý, Hà Nội đã thu hút hơn 3,67 tỷ USD vốn FDI (tăng 216%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đầu năm); có 15.681 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 0,5%; số vốn đăng ký hơn 162.100 tỷ đồng, tăng 13%...

Ông Trương Việt Dũng – Phó Chủ tịch UBND Thành phố báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh những con số tích cực, ông Dũng cũng chỉ ra một số tồn tại đáng lưu tâm. Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ đạt mức tăng 5,9%, thấp hơn kịch bản đề ra (6,7%) và mức bình quân cả nước (8,8%).
Số doanh nghiệp giải thể tăng 33,7% và tạm ngừng hoạt động tăng 17,5%, cao hơn mức trung bình toàn quốc (12,2%); cùng với đó, 2.961 hộ kinh doanh ngừng nghỉ trong tháng 5-6/2025… phản ánh những thách thức trong bối cảnh siết chặt quản lý thuế và áp dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, công tác xử lý rác thải, nước thải và cải tạo ô nhiễm sông nội đô vẫn còn chậm so với yêu cầu.
Loạt nhiệm vụ để Hà Nội đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8%
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên và chuẩn bị cho các sự kiện trọng đại, đặc biệt là kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh, cũng như chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, Hà Nội đặt ra hàng loạt nhiệm vụ trọng tâm như hỗ trợ doanh nghiệp.
Tập trung hỗ trợ các ngành chế biến, chế tạo thông qua gói tín dụng lãi suất ưu đãi 3,9 - 4%. Phấn đấu giảm tỉ lệ doanh nghiệp giải thể xuống dưới 30%, tạm ngừng hoạt động dưới 15%. Hỗ trợ hơn 10.000 hộ kinh doanh lớn chuyển đổi thành doanh nghiệp theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, cam kết giải ngân 100% vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông lớn như Vành đai 4, đường sắt đô thị số 2, số 5, và 6 cây cầu vượt sông Hồng (Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc).
Bên cạnh đó, Thành phố cũng sẽ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại 100% bệnh viện công lập trong quý III/2025, mở rộng phong trào "bình dân học vụ số" đến 80% hộ gia đình đô thị; Đồng bộ 1.917 thủ tục hành chính, 4.400 tài khoản xã, phường, 13.000 tài khoản người dùng, đảm bảo liên thông dữ liệu thực chất. Hỗ trợ 50 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, thu hút thêm 500 triệu USD vốn FDI vào công nghệ cao.

Thành phố Hà Nội đặt ra hàng loạt nhiệm vụ để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP 8% trở lên.
Thử nghiệm kinh tế ban đêm, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và xây dựng 3 khu đô thị sáng tạo tại khu vực Bắc sông Hồng và khu vực Hòa Lạc, tăng tỉ lệ xe buýt điện lên 25% trong năm 2025. Ưu tiên quy hoạch không gian xanh, giao thông công cộng (TOD), năng lượng tái tạo, công trình xanh; tích hợp các công nghệ thông minh trong quản lý rác thải, môi trường và giám sát không khí, đảm bảo chất lượng sống đô thị.
Ngoài ra, Thành phố cũng sẽ đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong quý III/2025, đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải Việt Hưng, Nam An Khánh. Triển khai chương trình cải tạo sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, giảm 50% mức độ ô nhiễm vào cuối năm; Giảm 35% số vụ vi phạm môi trường, thu nộp ngân sách 20 tỷ đồng. Nâng công suất xử lý rác thải lên 8.000 tấn/ngày, đáp ứng 90% nhu cầu xử lý rác thải đô thị.
Phó Chủ tịch Hà Nội cũng khẳng định, thành phố sẽ đảm bảo hoạt động thông suốt của 126 xã, phường mới; đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng cán bộ nghỉ việc do sắp xếp; tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý III/2025, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ; sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo chất lượng và hiệu quả hoạt động của chính quyền hai cấp...