Tạo bước đột phá để nông nghiệp phát triển bền vững

Thứ 4, 12/10/2022 07:55

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường... là những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Để nông nghiệp phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu vực, ngành nông nghiệp, các địa phương đã, đang triển khai nhiều giải pháp “dài hơi” tạo bước đột phá trong nông nghiệp.

Tạo đột phá từ chính sách

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 21/1/2021 về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Với quan điểm “Thúc đẩy tăng trưởng xanh; xây dựng Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc". Thực hiện Nghị quyết số 08, UBND tỉnh ban hành 10 kế hoạch, 6 đề án; thành lập Tổ công tác theo dõi, triển khai thực hiện Nghị quyết; đồng thời khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, HTX, người dân tham gia đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

img

Chăm sóc hoa lan tại Công ty cổ phần hoa Nhiệt đới, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: Bám sát định hướng, ngành Nông nghiệp và PTNT đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển sản xuất nông nghiệp áp dụng VietGAP, ứng dụng công nghệ cao gắn với giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh như: thiếu đất sản xuất, việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Chuyển mạnh từ kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết số 08, cơ cấu ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và mang lại hiệu quả khả quan. Giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp và thủy sản đạt 14.800 tỷ đồng. Lĩnh vực trồng trọt đã có bước chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh hiện có trên 80.000 ha cây ăn quả; 736 HTX nông nghiệp; đã cấp được 241 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu; trên 1.200 ha ứng dụng mô hình tưới tiết kiệm nước; 53 ha sản xuất trong nhà kính, nhà lưới; hơn 17.500 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 11 mô hình thí điểm sản xuất sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ; xây dựng và duy trì 235 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; 83 sản phẩm OCOP; 21 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được cấp văn bằng bảo hộ; 17 mặt hàng nông sản xuất khẩu.

img

Nông dân xã Hát Lót, huyện Mai Sơn thu hái xoài

Trong chăn nuôi, ngành nông nghiệp đang thực hiện ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi giống bò sữa thuần chủng tại Mộc Châu; phối nhân tạo cho bò cái có kết quả bằng tinh của giống bò chất lượng cao Brahman; ứng dụng các mô hình chăn nuôi khép kín, an toàn sinh học, tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp như chăn nuôi lợn giống, lợn siêu nạc. Lĩnh vực thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn lọc; áp dụng công nghệ sản xuất cá giống bằng phương pháp vuốt đẻ và ấp trứng bằng bình vây; ứng dụng phương pháp lai xa hoặc sử dụng hóa chất để tạo giống đơn tính trong sản xuất cá giống...

Gia tăng giá trị nông sản

Phiêng Khoài là xã biên giới cách trung tâm huyện Yên Châu 30 km. Cũng như nhiều địa phương khác, người dân từng chật vật tìm hướng thoát nghèo. Từ chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc và các nghị quyết của HĐND tỉnh về hỗ trợ cải tạo vườn tạp, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn... Phiêng Khoài trở thành điểm sáng trong việc trồng và cải tạo vườn tạp, người dân có nguồn thu nhập cao từ cây ăn quả.

img

Lãnh đạo huyện Yên Châu thăm quan mô hình trồng mận hữu cơ của nông dân xã Phiêng Khoài.

Thăm mô hình trồng cây ăn quả của hộ anh Nguyễn Văn Cải, bản Hang Mon 1, xã Phiêng Khoài, vườn mận xanh ngút tầm mắt, quả to đều mọc từ thân và cành lớn. “Để sản xuất ra những trái mận hậu to, chất lượng cao, người nông dân phải kỳ công chăm sóc, thực hiện tỉa cành, tạo tán và đầu tư hệ thống tưới nước tự động, lưới chắn mưa đá đảm bảo cây mận phát triển tốt, tạo ra những trái mận hậu ngon và đạt giá trị kinh tế cao. Nếu như trước đây, mận hậu chỉ được bán xô cho thương lái giá trung bình chỉ từ 10.000 đồng/kg; nhưng giờ mận hậu được phân loại, giá bán tại vườn trung bình từ 50.000 đồng/kg, thu nhập trung bình đạt 400 triệu đồng/ha.” Anh Cải chia sẻ

Ông Vì Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, thông tin: "Toàn huyện hiện có trên 11.000 ha cây ăn quả các loại. Những năm gần đây, huyện đã vận động nhân dân áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, lựa chọn thời điểm khoanh cây, khoanh cành để thúc đẩy cây ra hoa sớm, ra muộn cho quả trái vụ. Nhờ vậy, các loại quả đều có thể rải vụ thành 3 trà, gồm: trà sớm, trà trung, trà muộn, kéo dài thời gian thu hoạch các loại cây ăn quả, là giải pháp hữu hiệu để giải bài toán “được mùa, mất giá”.

Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân cũng đã chủ động chuyển sang sản xuất cây trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Ông Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mường Bú, huyện Mường La, cho biết: Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của Mường Bú có thể phát triển các loại cây ăn quả, gia đình tôi đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, sắn sang trồng 5 ha cây ăn quả theo hướng VietGAP, hữu cơ. Nhờ đó, mỗi năm thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi khoảng 250 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi cùng 10 hộ khác đã thành lập HTX nông nghiệp Mường Bú với hơn 50 ha cây ăn quả các loại như: táo, ổi, mít, xoài, nhãn.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng của nông dân huyện Yên Châu hay cách người dân xã Mường Bú, huyện Mường La liên kết lại với nhau trồng cây theo hướng VietGAP, hữu cơ đã và đang phát triển ở nhiều xã, bản của tỉnh. Nhiều mô hình mới, cách làm hay được nhân lên, tạo nên phong trào rộng khắp.

Gỡ rào cản để phát huy nguồn lực

Không thể phủ nhận những kết quả trong việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, so với tiềm năng, lợi thế của tỉnh những kết quả trên vẫn còn rất khiêm tốn. Diện tích được cấp mã số vùng trồng chỉ chiếm 8,7% tổng diện tích cho cây ăn quả cho sản phẩm. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quy mô nhỏ, vừa chiếm gần 80% tổng số HTX nông nghiệp, năng lực quản trị còn hạn chế. Một số HTX nông nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi do không có tài sản thế chấp, quy hoạch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Sơn La vào năm 2030 chưa được tích hợp vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia...

img

Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Mai (Mai Sơn) thu mua, đóng gói xoài.

Tháo gỡ những khó khăn, thời gian qua tỉnh ta đã quan tâm chỉ đạo và ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ cho các doanh nghiệp và hộ nông dân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, việc thu hút đầu tư cho nông nghiệp đặc biệt nông nghiệp công nghệ cao được hưởng nhiều ưu đãi.

Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ. Đến nay, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh là 24.555 tỷ đồng, chiếm 65,4% tổng dư nợ; Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7/3/2017, dành ít nhất 100.000 tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường từ 0,5% -1,5% đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với dư nợ cho vay đến nay đạt 14 tỷ đồng; Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác năm 2021 đã hỗ trợ cho 711 lượt tổ chức, cá nhân xây dựng 25 kho bảo quản đông lạnh, lạnh; 19 công ten nơ đông lạnh, lạnh; 690 lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh...

Trao đổi về vấn đề này ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, cho biết thêm: Ngành tham mưu cho tỉnh tiếp tục thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, trong đó tập trung thu hút các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Tích cực chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản nhất là các quy trình sản xuất nông nghiệp tốt.

Tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách chính là “chìa khóa” mở cánh cửa nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, qua đó phát triển sản xuất nông nghiệp của Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.