Tạo đà cho tín dụng xanh phát triển vượt bậc

Lê Thanh Hồng

Lê Thanh Hồng

Thứ 5, 13/08/2020 15:00

Theo Phó Tổng Giám đốc OCB Trương Đình Long, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại các ngân hàng Việt Nam nói chung đang tăng mạnh về cả chất và lượng.

Tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 03 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Đã hơn 7 năm kể từ khi được ban hành, chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Trương Đình Long – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đánh giá tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại các ngân hàng Việt Nam nói chung đang tăng mạnh về cả chất và lượng.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, không phải TCTD nào cũng có những chiến lược triển khai tín dụng xanh từ sớm do không có những quy định cụ thể về phát triển kinh tế xanh trong pháp luật cấp tín dụng hiện hành, dẫn tới hệ quả là TCTD có thể nói không đối với các dự án đầu tư kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh.

NĐT: Sau 7 năm triển khai, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại OCB nói riêng và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung đã có bước chuyển mình ra sao, thưa ông?

Ông Trương Đình Long: Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh trên thị trường tăng đều và mạnh trong thời gian gần đây, có thể thấy rõ qua nhận thức sâu sắc hơn của xã hội về đổi mới phát triển kinh tế, tác động của môi trường ở nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp…

Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều chủ đầu tư đã nghiên cứu, phát triển các dự án thân thiện hơn với môi trường, không chỉ trong dân dụng mà còn với cả các tòa nhà thương mại. Theo dự báo của chúng tôi, nhu cầu tín dụng xanh sẽ tăng trưởng mạnh trong 3-5 năm tới.

Với riêng OCB, ngân hàng đã có chủ trương phát triển tín dụng xanh từ sớm. Các dự án tín dụng xanh đã được triển khai từ năm 2015 và bắt đầu đẩy mạnh từ cuối năm 2019. Đến năm 2021, tăng trưởng tín dụng xanh tại OCB tăng trên 13 lần so với cuối năm 2020. Tỉ trọng tín dụng xanh cũng đạt khoảng 11% tổng dư nợ cho vay và tỉ lệ này tiếp tục được duy trì trong nửa đầu năm 2022 là khoảng 12%.

Tài chính - Ngân hàng - Tạo đà cho tín dụng xanh phát triển vượt bậc

Ông Trương Đình Long – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

NĐT:Dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới mọi mặt của nền kinh tế. OCB đã có những giải pháp gì để cân đối giữa việc đẩy mạnh tín dụng xanh song song với ngân hàng vẫn phải hoạt động hiệu quả?

Ông Trương Đình Long: Từ 2012 OCB đã ban hành Chính sách quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội với sự tư vấn của IFC và OCB đã đưa nội dung này trở thành một trong những hoạt động của OCB.

Tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế thế nhưng với hướng đi đúng đắn này, con số giải ngân tín dụng xanh của OCB từ năm 2020 đến 2021 vẫn tăng hơn 10 lần và liên tục tăng lên trong các năm.

Điều này nhờ việc chúng tôi đã triển khai các quy trình, sản phẩm định hướng đến đối tượng tín dụng xanh là năng lượng tái tạo và nông lâm nghiệp bền vững.

NĐT: Dư nợ tín dụng xanh có xu hướng tăng nhanh theo từng năm, nhưng quy mô dư nợ vẫn tương đối nhỏ so với tổng tín dụng hệ thống ngân hàng tại Việt Nam. Cụ thể, tổng dư nợ tín dụng xanh ước đạt trên 451.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của nền kinh tế. Ông đánh giá như thế nào về con số này? Chúng ta có đang gặp khó khăn, rào cản nào về chính sách không, thưa ông?

Ông Trương Đình Long: Con số 5% trên còn khá khiêm tốn. Giải pháp cần thiết để thúc đẩy tín dụng xanh là Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn về danh mục và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam.

Cùng với đó, nhanh chóng xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường đến quy hoạch, chiến lược phát triển) của từng ngành, lĩnh vực đồng bộ. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức tín dụng được tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi để có các khoản tín dụng có thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho ngành, lĩnh vực xanh.

Tài chính - Ngân hàng - Tạo đà cho tín dụng xanh phát triển vượt bậc  (Hình 2).

Từ 2012 OCB đã ban hành Chính sách quản lý rủi ro Môi trường và Xã hội với sự tư vấn của IFC và OCB đã đưa nội dung này trở thành một trong những hoạt động của OCB.

NĐT: Với riêng OCB, ngân hàng đang làm thế nào để tăng trưởng tín dụng xanh, đóng góp cho nền kinh tế phát triển bền vững?

Ông Trương Đình Long: Về phía OCB, chúng tôi đẩy mạnh hoạt động tăng trưởng tín dụng xanh trên nhiều phương diện như: Phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng có lợi về mặt môi trường và xã hội (MT&XH); Đẩy mạnh các hoạt động cấp tín dụng xanh trên cơ sở triển khai hệ thống quản lý rủi ro MT&XH…

Đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn thế nhưng OCB đã phát huy vai trò quan trọng của mình trong việc tạo nguồn vốn cho các dự án đầu tư xanh.

Có 3 nhóm khách hàng mà OCB đang tập trung đẩy mạnh. Thứ nhất là nhóm ngành năng lượng tái tạo; Nhóm thứ hai là nhóm ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả; Nhóm thứ ba là nhóm ngành nông nghiệp bền vững.

Tỉ trọng lớn nhất nằm nằm ở nhóm năng lượng tái tạo và nhóm nông nghiệp bền vững. Đối với nhóm sản xuất kinh doanh, thân thiện với môi trường và sử dụng năng lượng hiệu quả thì chưa nhiều do nhóm này mới đang ở giai đoạn đầu phát triển, các chủ đầu tư vẫn đang nghiên cứu triển khai.

Tuy nhiên, chúng tôi dự báo số lượng, cũng như quy mô các dự án sẽ tăng mạnh trong thời gian tới và ngân hàng sẽ luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp ở lĩnh vực này.

OCB tập trung đẩy mạnh tín dụng xanh với 3 nhóm ngành: năng lượng tái tạo; ngành công nghiệp sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và ngành nông nghiệp bền vững.

Người Đưa Tin: Thực tế, các doanh nghiệp hiện có thêm cách huy động dòng vốn đổ vào tín dụng xanh như phát hành trái phiếu xanh. Tuy nhiên, thống kê cho thấy 60% lượng trái phiếu trên thị trường cũng là do ngân hàng mua lại. Việc các dự án xanh phụ thuộc quá lớn vào dòng vốn từ các tổ chức tín dụng có tiềm tàng mối nguy nào không, thưa ông?

Ông Trương Đình Long: Việc không quy định về phát triển kinh tế xanh trong pháp luật cấp tín dụng hiện hành sẽ dẫn tới hệ quả là TCTD có thể nói không đối với các dự án đầu tư kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xanh. Và thực tế là không phải TCTD nào cũng có chiến lược triển khai tín dụng xanh từ rất sớm như OCB đã làm trong thời gian qua.

Việc các dự án phụ thuộc lớn vào kênh vốn vay tín dụng sẽ dẫn để rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng. Đầu tiên, khả năng đáp ứng nguồn vốn cho đầu tư vào các dự án xanh bị hạn chế, theo đó, tốc độ phát triển của các lĩnh vực xanh sẽ bị chậm hơn.

Thứ hai, các TCTD cũng đối mặt với những rủi ro về tín dụng trong trường hợp các dự án bị hụt nguồn vốn trong giai đoạn đầu tư. Ví dụ như hiện tại, tăng trưởng tín dụng bị hạn chế sẽ dẫn tới việc giải ngân vốn cho các dự án xanh phần nào bị đình trệ và có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thực hiện dự án cũng như tính an toàn của các khoản cấp tín dụng.

Ngoài ra, các dự án xanh thường là những dự án có vòng đời và thời gian thu hồi vốn kéo dài nên thời gian cho vay cũng phải dài. Điều này kéo theo tính rủi ro của các khoản cấp tín dụng cho dự án xanh cũng sẽ cao hơn tương đối so với các khoản tín dụng khác.

NĐT: Ông đánh giá ra sao về bức tranh tín dụng xanh tại Việt Nam trong 10 năm tới?

Ông Trương Đình Long: 10 năm tới sẽ có những bước tiến vượt bậc. Sự quan tâm của nhóm Ngân hàng thế giới cùng các tổ chức tài chính quốc tế lớn về kinh tế xanh đối với Việt Nam đã mạnh mẽ hơn nhiều so với thời gian trước đây. Từ đó dẫn đến triển vọng dòng vốn quốc tế tài trợ cho tín dụng xanh sẽ trở nên lớn mạnh hơn rất nhiều trong thời gian tới.

Tại Hội thảo tham vấn “Tiêu chí môi trường đối với các dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh”, đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nêu về việc đang triển khai soạn thảo “Sổ tay tín dụng xanh tiêu chuẩn” theo tư vấn của IFC và “Thông tư quy định các điều kiện tín dụng xanh áp dụng vào hoạt động cấp tín dụng của các TCTD”.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.