Trong lịch sử thương nghiệp Việt Nam hiện đại, Nam Cường là một doanh nghiệp rất đặc biệt. Họ vững vàng đi qua những thăng trầm của thị trường BĐS từ thuở sơ khai cho đến ngày nay, với tiềm lực tài chính ngày càng vững chắc. Đó là vị thế tiên phong của một doanh nghiệp tư nhân có lịch sử 40 năm hình thành và phát triển.
Dấu ấn tiên phong
Ở thị trường phía Bắc, Nam Cường (Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Cường Hà Nội, đổi tên năm 2009) ghi dấu ấn bởi những khu đô thị quy mô có quy hoạch hạ tầng đồng bộ, hiện đại và tầm nhìn đi trước thời đại. Các dự án của Nam Cường đã góp phần không nhỏ vào sự thay đổi diện mạo của các địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Nhìn lại 40 năm hình thành phát triển, Nam Cường đã đặt những bước chân tiên phong trong nhiều lĩnh vực hoạt động. Khởi đầu từ Tổ hợp Dịch vụ Vận tải Nông nghiệp Xuân Thủy, được thành lập năm 1984, sau đó khách sạn Tray Hải Phòng – là biểu tượng của Hải Phòng khi ấy, cho đến các đô thị tiêu chuẩn sau này.
Thời điểm thành lập Tổ hợp Dịch vụ Vận tải Nông nghiệp Xuân Thủy - tiền thân của Tập đoàn Nam Cường sau này, người sáng lập Tập đoàn - Cố Chủ tịch Trần Văn Cường mới 26 tuổi với gia tài là hơn 10 năm kinh nghiệm sông nước. Đáng nói, bối cảnh kinh tế - xã hội lúc bấy giờ rất khó khăn, phải đến Đại hội 8 khóa V-1986, đất nước mới chính thức đổi mới theo cơ chế thị trường.
Có thể nói, Tổ hợp Dịch vụ Vận tải Nông nghiệp Xuân Thủy là tổ chức kinh tế tư nhân hiếm hoi của Việt Nam được sinh ra trong bối cảnh kinh tế - xã hội đặc biệt như thế. Do đó, Tổ hợp này đứng trước nhiều thách thức khó vượt qua.
Vượt lên tất cả, đến năm 1989 - trước vận hội mới, người sáng lập giải thể Tổ hợp Dịch vụ Vận tải Nông nghiệp Xuân Thủy và thành lập Tổ hợp Vật tư Nông nghiệp Xây dựng Xuân Thuỷ, cùng với đó, mở chi nhánh tại số 83 Bạch Đằng, Hải Phòng để xuất nhập khẩu, kinh doanh vật tư nông nghiệp. Việc lựa chọn đặt chi nhánh tại một trong những trọng điểm cảng biển lớn nhất cả nước đã cho thấy tầm vóc tư tưởng lớn của doanh nhân Trần Văn Cường.
Đến năm 1993, đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng với tinh thần chủ động, tích cực đã thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư lớn. Thời điểm này mới thực sự chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tư nhân. Cố Chủ tịch Trần Văn Cường thực hiện giải thể Tổ hợp Vật tư Nông nghiệp Xây dựng Xuân Thuỷ và thành lập Công ty TNHH Nam Cường vào năm 1993. Công ty hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng tiều dùng, vải sợi may mặc, kim khí điện máy, vật tư nông nghiệp và vật liệu xây dựng. Năm 1994, ông xây dựng khách sạn đầu tiên - Thúy Quỳnh Hà Nội, đánh dấu bước chân đầu tiên trong lĩnh vực lưu trú. Năm 1997, ông cho khởi công xây dựng khách sạn Tray Hải Phòng - là khách sạn tư nhân 4 sao đầu tiên ở Hải Phòng.
Những năm 2000, đón đầu chủ trương BOT, Cố Chủ tịch Trần Văn Cường trở thành một trong số ít nhà quy hoạch, phát triển BĐS phía Bắc bằng việc triển khai dự án Khu đô thị tại Hải Dương, Nam Định, Hà Nội và Hà Tây (cũ). Hiện nay, có thể có rất nhiều tên tuổi nhà phát triển BĐS lớn mạnh tại Việt Nam, nhưng thị trường sẽ vẫn luôn nhớ đến Nam Cường với vị thế người “anh cả” trong ngành và là doanh nghiệp có những khu đô thị lớn được quy hoạch đồng bộ, xứng tầm.
Đột phá
Trong gần 20 năm đầu, quá trình phát triển doanh nghiệp có thể xem là nền tảng tích lũy kinh nghiệm để tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ của Nam Cường sau này. Từ một doanh nghiệp vận tải, thương mại, chuyển đổi trở thành đơn vị tiên phong trong quy hoạch, phát triển BĐS. Trong bối cảnh thị trường còn sơ khai, người sáng lập Tập đoàn Nam Cường đã đặt mục tiêu quy hoạch, xây dựng những khu đô thị góp phần vào sự phát triển đô thị của cả nước và nâng cao chất lượng sống của cư dân.
Lựa chọn Hải Dương và Nam Định là lựa chọn mang tầm nhìn chiến lược. Hai thành phố này đều gần với Hà Nội, sẽ trở thành những thành phố quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế Thủ đô. Nếu Nam Định là thành phố quê hương - nơi có trục đường sắt Bắc – Nam đi qua thì Hải Dương là điểm trung chuyển của “tam giác vàng” Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng, vùng kinh tế trọng điểm của Bắc Bộ gắn liền với vận tải biển. Lựa chọn được vị trí chiến lược này là nhờ kinh nghiệm tích lũy và sự nhạy bén bản năng của người sáng lập gắn bó sâu nặng với ngành vận tải.
Bằng việc tham gia vào lĩnh vực quy hoạch, phát triển BĐS, Cố Chủ tịch Trần Văn Cường đã đóng góp không nhỏ vào quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương. Trong đó, Nam Cường đã góp phần đưa Hải Dương từ “thành phố đi qua” trở thành một trong những thủ phủ có hạ tầng quy hoạch đồng bộ, hiện đại ở phía Bắc thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, khai thác phát triển kinh tế. Với công trình khách sạn 4 sao đầu tiên tại địa phương đã giúp Hải Dương trở thành “nơi ở lại” của nhiều chuyên gia, “nơi đến” của các sự kiện quy mô trong khu vực.
Khát vọng quy hoạch, phát triển các khu đô thị có tiêu chuẩn vươn tầm khu vực và quốc tế, ông đã triển khai các dự án đầu tiên tại hai địa phương là Hải Dương và Nam Định: Tại Hải Dương gồm: Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại - Du lịch và đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương và Dự án đầu tư xây dựng Khu thương mại - Du lịch và đô thị mới phía Đông thành phố Hải Dương; tại Nam Định gồm: Khu đô thị mới Hòa Vượng, Khu đô thị mới Thống Nhất, Khu đô thị mới Mỹ Trung.
Sau thành công ở Hải Dương và Nam Định, Cố Chủ tịch tiếp tục quy hoạch, phát triển đại đô thị ở phía Tây Hà Nội. Ông trở thành một trong những nhà quy hoạch, phát triển dự án lớn tại khu vực "Hà Nội mới". Mở đầu là dự án xây dựng đường trục phát triển phía Bắc Hà Đông, nối vành đai 4 với đường Lê Văn Lương của "Hà Nội cũ". Quy hoạch đồng bộ tại Khu đô thị mới Dương Nội, Khu đô thị mới Phùng Khoang gồm nhiều chung cư, biệt thự, khách sạn, văn phòng, bệnh viện, công viên, trường học…
Lựa chọn Hà Tây thay vì Hà Nội, ông cho rằng, để phát triển một khu đô thị chuẩn mực quốc tế cần sự phát triển đồng bộ về hạ tầng, phù hợp cho tầm nhìn hàng chục năm sau. Nội đô Hà Nội quá chật hẹp để phát triển một khu đô thị chuẩn mực như thế. Chính vì lẽ đó, Khu đô thị mới Dương Nội trở thành dự án kiểu mẫu hiện nay.
Bằng tầm nhìn vượt thời đại và khát vọng vươn tầm khu vực, người sáng lập đã đưa Nam Cường trở thành doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị mới. Với những đóng góp to lớn, Cố Chủ tịch Trần Văn Cường đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý, Nam Cường cũng trở thành một đơn vị uy tín, được vinh dự đón nhận rất nhiều danh hiệu, bằng khen, giấy khen, huân chương, huy chương từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ/Ban, Ngành…
Tiếp nối
Tiếp nối những giá trị đã được tạo lập từ thời Cố Chủ tịch Trần Văn Cường, Nam Cường ngày nay không đẩy mạnh sự phát triển về chiều rộng, mà tập trung kiện toàn tổ chức, tiếp tục duy trì các giá trị đã có, lựa chọn phát triển các dự án tạo giá trị thực cho cộng đồng. Trong bối cảnh mới, chiến lược phát triển Nam Cường được Chủ tịch HĐQT Lê Thị Thúy Ngà đưa ra phù hợp với sự vận động của thị trường cũng như đặc thù của doanh nghiêp. Chiến lược ấy một lần nữa giúp Nam Cường vượt qua thách thức, tiếp tục vững bước trong tương lai.
Nhắc đến Nam Cường ngày hôm nay, người ta không nói đến các đô thị mới liên tục được phát triển mà là một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững bền, với những dự án là điểm nhấn của khu vực. Nam Cường của giai đoạn Chủ tịch Lê Thị Thúy Ngà là những công trình thực sự được bảo chứng về chất lượng xây dựng như các dự án nhà ở, hạ tầng đô thị được bảo đảm thoáng đãng, các công trình tiện ích công cộng được đầu tư thẩm mỹ cao, mật độ xây dựng thấp, đảm bảo môi trường sống chất lượng cho cư dân.
Trong những thành quả của Tập đoàn dưới thời Chủ tịch Lê Thị Thúy Ngà không thể không nhắc đến những công trình biểu tượng như: Khách sạn 4 sao hiện đại ở Nam Định, Công viên Thiên văn học - công viên chủ đề Thiên văn học đầu tiên tại Đông Nam Á, những trục đường khai mở, hiện đại.
Trong đó, Công viên Thiên văn học - công trình cộng đồng phi lợi nhuận, được Nam Cường đầu tư trở thành địa điểm tham quan, vui chơi có giá trị cao cả về mặt tri thức lẫn giải trí của khu vực Hà Đông nói riêng, Hà Nội nói chung. Điều mà như tinh thần cốt lõi khi xây dựng các khu đô thị đáng sống mà Cố Chủ tịch mong muốn - nơi người dân thực sự sống, tận hưởng và phát triển.
40 năm là một chặng đường dài và đặc biệt với một doanh nghiệp tư nhân. Có thể có rất nhiều quan điểm và kỳ vọng về sự phát triển của Nam Cường sau những thành tựu vượt bậc của Cố Chủ tịch. Nhưng đi qua những thăng trầm, Nam Cường luôn là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam có một nền tảng vững chắc, có chiến lược phát triển phù hợp và sáng suốt, hướng tới sự bền vững.
Tác giả: T.H