Tập đoàn vũ khí Norinco đang mở rộng thị trường ở khu vực Tây Phi. Ảnh minh họa: Military Africa
SCMP ngày 21/8 đưa tin, các nhà phân tích cho rằng Tập đoàn Công nghiệp Bắc Trung Quốc (Norinco) sẽ sử dụng văn phòng mới để mở rộng hoạt động mua bán vũ khí quân sự ở Tây Phi, nơi Bắc Kinh có lợi ích kinh tế to lớn ở các quốc gia như Niger, Mali, Burkina Faso và Guinea.
Theo ấn phẩm quốc phòng Military Africa, Norinco cũng đặt mục tiêu mở văn phòng kinh doanh ở Mali và Bờ Biển Ngà - nơi mà tập đoàn vũ khí này đã có mặt trên thị trường thông qua việc bán vũ khí. Norinco cũng có kế hoạch thành lập các trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu các phương tiện và trang thiết bị quân sự ở 2 nước Tây Phi này. Tập đoàn vũ khí Trung Quốc đã có các văn phòng khu vực ở Nigeria, Angola và Nam Phi.
Đầu năm nay, Norinco đã cung cấp cho Senegal các xe chiến đấu bộ binh bọc thép VN2 và một số phương tiện trinh sát, theo ấn phẩm quốc phòng Military Africa. Tập đoàn vũ khí Trung Quốc cũng được cho là đang thảo luận với chính phủ Senegal về việc cung cấp vũ khí hạng nhẹ và đạn dược cho Bộ Môi trường Senegal.
Theo một số nhà quan sát, các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc, trong đó có Norinco, muốn tăng thị phần vào thời điểm khả năng cung cấp vũ khí của Nga cho các nước châu Phi bị giảm đáng kể do xung đột ở Ukraine.
Pháp cũng mất dần ảnh hưởng kể từ khi rút quân khỏi Mali và Burkina Faso sau các cuộc đảo chính ở 2 quốc gia Tây Phi này.
Paul Nantulya, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi (có trụ sở ở Washington), cho biết, ban đầu, Trung Quốc tỏ ra dè dặt khi đặt vào vị thế "thách thức" ảnh hưởng quân sự của Pháp ở Tây Phi, nhất là ở các thuộc địa cũ của Paris. Rào cản ngôn ngữ cũng là trở ngại với Trung Quốc ở khu vực này.
Tuy nhiên, sau đó, các trở ngại này dần được khắc phục. Norinco đã đi đầu trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng và mở rộng quan hệ quân sự, an ninh ở Tây Phi, theo chuyên gia Nantulya.
"Động thái thành lập văn phòng kinh doanh của Norinco tại Dakar về cơ bản nhằm tận dụng và mở rộng hoạt động kinh doanh vũ khí, đặc biệt là trong bối cảnh các công ty quốc phòng Nga phải hứng chịu loạt lệnh trừng phạt nặng nề và ác cảm với người Pháp ngày càng tăng trong khu vực có thể gây khó khăn cho Paris với tư cách là đối tác quân sự của nhiều quốc gia Tây Phi", ông Nantulya nhận định.
Vị chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Châu Phi còn cho rằng, có sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Trung Quốc và châu Phi, cũng như việc các công ty quốc phòng Trung Quốc ngày càng sẵn sàng thách thức các đối tác phương Tây về kinh doanh vũ khí, ảnh hưởng và quan hệ đối tác.
Theo ông Nantulya, Trung Quốc đã cung cấp cho Tây Phi nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự như tàu chiến, tàu tuần tra xa bờ, tên lửa vác vai, trực thăng, máy bay không người lái, xe bọc thép, xe tăng chiến đấu, chiến đấu cơ, pháo lớn và máy bay vận tải.
Hai xe chiến đấu bộ binh mà Norinco bán cho quân đội Senegal. Ảnh: Military Africa
David Shinn, một chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc và châu Phi tại trường Quan hệ Quốc tế Elliott, thuộc Đại học George Washington (Mỹ), cho biết, Norinco đã là nhà cung cấp vũ khí lớn cho các nước châu Phi trong nhiều năm và không ngừng nỗ lực để tăng doanh số bán hàng trên khắp châu lục này.
Theo ông Shinn, Nga từng là nhà cung cấp vũ khí chính cho châu Phi nhưng xung đột ở Ukraine đã làm suy giảm tương đối khả năng cung cấp vũ khí của Moscow. Điều này mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc, bao gồm cả Norinco, tăng thị phần trong khu vực.
"Trung Quốc đang cố gắng tăng cả số lượng và độ tinh vi của vũ khí mà họ bán cho các nước châu Phi", ông Shinn nói. "Các thỏa thuận mua bán này đôi khi dẫn đến sự hợp tác về cung cấp và đào tạo dài hạn, dẫn đến tăng cường hợp tác an ninh giữa quân đội Trung Quốc và quân đội các nước châu Phi".
Luke Patey, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho biết, Trung Quốc đã tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong lĩnh vực vũ khí ở châu Phi và Norinco đi đầu trong nỗ lực đó.
"Sự gia tăng các cuộc xung đột và nổi dậy mới ở châu Phi tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các nhà sản xuất vũ khí Trung Quốc", ông Patey nói.
Theo nhà nghiên cứu này, vũ khí cần phụ tùng thay thế và bảo dưỡng cũng như hướng dẫn, đào tạo sử dụng. Vì vậy, các hợp đồng vũ khí mới không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế, mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận của Trung Quốc ở Tây Phi và các khu vực khác ở châu Phi trong nhiều năm tới.
Nguyễn Thái - SCMP