Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế

Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế

Thứ 5, 16/09/2021 | 17:09
0
Chính phủ tập trung tháo gỡ các “nút thắt” về thể chế trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu

Sáng ngày 16/9, Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Hội nghị thống nhất xác định rõ xây dựng, hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu, là một trong ba đột phá chiến lược theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch, khả thi, lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm giúp khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng; tạo lập được khuôn khổ pháp lý thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Thủ tướng nêu rõ: “Việc này chúng ta không chỉ làm trong năm nay mà định hướng cho cả nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ sau để sắp xếp, bố trí nguồn lực phù hợp, thời gian và nguồn lực có hạn nhưng làm sao hiệu quả nhất”.

Thời gian tới, sẽ tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, đang được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm; kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: pháp luật về môi trường, đất đai, an sinh xã hội, tài chính, hợp tác công - tư; hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng hệ thống pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới.

Các đại biểu cũng đề ra định hướng, xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật cho nhiệm kỳ 2021-2026, định hướng đến năm 2030.

Tiêu điểm - Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP).

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu ra những yêu cầu đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế giai đoạn 2021-2025 và định hướng tới năm 2030. Bộ Tư pháp đề xuất giai đoạn tới, cần tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật trong các lĩnh vực phòng chống Covid-19 và khắc phục hậu quả đại dịch; chú trọng tháo gỡ những điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; hoàn thiện pháp luật về an sinh xã hội; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xây dựng Chính phủ số; tiếp tục hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước; bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật; tăng cường hiệu quả, hiệu lực tổ chức thi hành pháp luật…

Theo yêu cầu của Thủ tướng, Hội nghị dành nhiều thời gian nghe lãnh đạo các tỉnh, thành phố báo cáo, kiến nghị, đề xuất về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật tại các địa phương. Lãnh đạo nhiều địa phương thống nhất rất cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể hơn.

Báo cáo tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng lấy ví dụ ngay trong phòng chống dịch, gần đây, Thủ tướng đã chỉ đạo chuyển hướng chiến lược, kết hợp giữa tập trung, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo với phân công, phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát trong tổ chức thực hiện đến tận cấp cơ sở, lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ. Điều này đã mang lại hiệu quả rất rõ nét trong thực tế.

Bí thư Đà Nẵng kiến nghị, cần đề cao hơn nữa trách nhiệm của địa phương khi được phân cấp, phân quyền; các địa phương cũng phải đẩy mạnh phân cấp, chủ tịch tỉnh phân cấp cho các giám đốc sở và các quận, huyện; quan tâm cơ chế bảo đảm nguồn lực cho phân cấp phân quyền, nhất là nguồn lực con người và cơ sở vật chất…

Trao đổi với các địa phương, Thủ tướng nhắc lại quan điểm Chính phủ và các bộ ngành Trung ương phải tập trung vào 5 nhiệm vụ chính: Xây dựng chiến lược, quy hoạch; xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng công cụ để huy động các nguồn lực; hướng dẫn kiểm tra, giám sát; thanh tra, kiểm tra; khen thưởng, kỷ luật. Các nhiệm vụ còn lại sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. “Chỗ  chưa phân cấp phân quyền thì đề nghị các địa phương cứ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tiêu điểm - Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế (Hình 2).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh: VGP).

Chủ tịch UBND tỉnh Quang Ninh Nguyễn Tường Văn nêu một số kinh nghiệm vận dụng thể chế pháp luật để khai thác nguồn lực phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, tỉnh đã thuê  tư vấn nước ngoài lập các quy hoạch chiến lược trên tinh thần có quy hoạch tốt thì sẽ có dự án tốt, nhà đầu tư tốt, đây là yếu tố đột phá để thu hút các nguồn lực; chủ động đề xuất với các cơ quan Trung ương các cơ chế thí điểm đột phá thông qua các đề án lớn; xây dựng và vận dụng sáng tạo các hình thức hợp tác công tư trong đầu tư hạ tầng, nhờ đó những năm gần đây đã huy động nguồn vốn khoảng 47 nghìn tỷ đồng, trong đó cứ 1 đồng ngân sách đầu bỏ ra có thể huy động được 8 đến 9 đồng ngoài ngân sách…

Tiếp tục và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có chất lượng, đề xuất được nhiều giải pháp khả thi; giao Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ, sớm hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Kết luận về cuộc họp.

Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung được các đại biểu quan tâm đề cập tại Hội nghị để các bộ ngành, địa phương quán triệt, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế trong thời gian tới.

Trước hết, phải nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm về công tác này, chưa thấy rõ đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển, thể chế chất lượng cao, sát thực tế, khả thi, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Từ đó, lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư vẫn chưa xứng tầm với một khâu đột phá chiến lược.

Thủ tướng nêu thực tế có Bộ chỉ phân công Thứ trưởng, thậm chí Vụ trưởng, địa phương chỉ phân công Phó Chủ tịch UBND phụ trách công tác này. Vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh, sau Hội nghị này, những bộ ngành, địa phương nào chưa điều chỉnh phải điều chỉnh ngay; Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, với quy chế, quy định làm việc đúng tầm, bảo đảm lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu. Cùng với đó, tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, kinh phí, quan tâm chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật.

Tiêu điểm - Tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế (Hình 3).

Các đại biểu đề ra định hướng, xác định nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật cho nhiệm kỳ 2021-2026, định hướng đến năm 2030 (Ảnh: VGP).

Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trên tinh thần Nhà nước pháp quyền. Sau khi luật được ban hành thì Chính phủ xây dựng các nghị định, các bộ hướng dẫn bảo đảm đồng bộ, nhịp nhàng để đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống. Các địa phương cũng phải cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, đường lối trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực sự là “đòn bẩy” kiến tạo phát triển, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực, trong đó nguồn lực con người là quyết định (con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực và mục tiêu của sự phát triển), cùng với nguồn lực tài nguyên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.

Thứ tư, rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế. Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, để người dân và doanh nghiệp phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế, phải quan tâm lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, người dân và doanh nghiệp phải được tham gia. “Lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ năm, Thủ tướng cho rằng, việc tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật còn yếu; phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật để biết chính sách đúng sai thế nào, nguyên nhân do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi? Thủ tướng yêu cầu trong tổ chức thi hành pháp luật, phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, doanh nghiệp, tới đối tượng điều chỉnh. Tổ chức thực hiện phải quan tâm tới cơ sở, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân.

Thủ tướng lấy ví dụ, vừa qua ông đã chỉ đạo Bộ trưởng Y tế có ngay hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, rõ ràng về công tác xét nghiệm phòng chống dịch Covid-19 tới tận xã phường, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu. Thực tế kiểm tra công tác phòng chống dịch vừa qua cũng cho thấy, những nơi nào mà lãnh đạo nắm chắc tình hình, quan điểm, giải pháp, thì tổ chức thực hiện tốt và ngược lại. “Nghe báo cáo chỗ nào cũng tốt, nhưng kiểm tra mới biết chỗ nào tốt hay không tốt”, Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ.

Thứ sáu, việc đẩy mạnh phân cấp phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm, thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, bố trí nguồn lực và cắt giảm các thủ tục hành chính.

Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình ban hành và sửa đổi luật. Tình hình thực tế diễn biến rất nhanh chóng, khó lường, bất ngờ, liên tục, trong khi yêu cầu của Nhà nước pháp quyền là phải làm theo luật, do đó, nếu không kịp điều chỉnh quy định thì hoặc là bị lạc hậu so với tình hình, gây ách tắc nguồn lực xã hội, hoặc là vi phạm các quy định.

Về các đề xuất cụ thể tại Hội nghị, Thủ tướng giao các bộ ngành liên quan tổng hợp, xử lý, báo cáo, đề xuất Chính phủ hoặc tham mưu Chính phủ báo cáo, đề xuất Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Chí Công

 

Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi sẽ tăng nặng trách nhiệm hình sự

Thứ 5, 16/09/2021 | 12:00
Về vụ bắt giữ hơn 60.000 viên thuốc điều trị Covid được ngụy trang là “quà biếu”, nếu pháp nhân thương mại vi phạm cũng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: “VUSTA phát huy tốt vai trò hạt nhân tập hợp, tư vấn, phản biện…”

Thứ 4, 15/09/2021 | 21:44
VUSTA đã phát huy tối đa vai trò hạt nhân tập hợp, đoàn kết, có nhiều tư vấn, phản biện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các dự án đầu tư trọng điểm trong nước, thu hút đông đảo đội ngũ trí thức người Việt Nam, người nước ngoài tham gia công cuộc phát triển đất nước.

Tăng cường phòng, chống dịch tại các cơ sở giam giữ

Thứ 4, 15/09/2021 | 05:00
Người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân, trước khi đưa vào cơ sở giam giữ đều phải khai báo y tế, được xét nghiệm Covid và được giam riêng tại khu cách ly 21 ngày.

Phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ

Thứ 3, 07/09/2021 | 10:41
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 6/9/2021 phân công công tác của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ.
Cùng tác giả

Thống nhất chuyển trạng thái mục tiêu trong chống dịch Covid-19

Thứ 7, 25/09/2021 | 19:38
Sẽ chuyển trạng thái từ mục tiêu “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công an lý giải về 58 thí sinh đạt từ 29,25 điểm vẫn trượt NV1

Thứ 7, 25/09/2021 | 18:07
Ngày 25/9, Cục Đào tạo (Bộ Công an) đã lý giải về việc 55/58 thí sinh đạt 29,5 điểm trở lên vẫn trượt nguyện vọng vào trường công an.

Thủ tướng yêu cầu Công an xử lý nghiêm vi phạm về phòng, chống dịch

Thứ 5, 23/09/2021 | 13:28
Thủ tướng yêu cầu chấn chỉnh, không để tụ tập đông người nơi công cộng, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm dịch.

Nóng: Khởi tố, bắt giam Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên

Thứ 5, 23/09/2021 | 12:59
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên khởi tố, bắt giam Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cùng đồng phạm.

Cục Cảnh sát Hình sự rà soát đơn tố cáo bà Phương Hằng

Thứ 5, 23/09/2021 | 10:57
Luật sư đại diện pháp lý cho vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên xác nhận, đã nộp đơn tố cáo bà Nguyễn Phương Hằng.
Cùng chuyên mục

Samsung sẽ đầu tư thêm 1 tỷ USD mỗi năm tại Việt Nam

Thứ 5, 09/05/2024 | 20:05
Mong muốn và tin tưởng Việt Nam sẽ liên tục cải thiện môi trường kinh doanh, phía Samsung cho biết sẽ đầu tư thêm khoảng 1 tỷ USD mỗi năm thời gian tới.

Thủ tướng chỉ rõ 12 "từ khóa" trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng

Thứ 5, 09/05/2024 | 14:50
12 chữ mang tính chất "từ khóa" trong phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng được Thủ tướng chỉ rõ là truyền thống, liên kết, bứt phá, bao trùm, toàn diện và bền vững.

Thủ tướng chủ trì hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng

Thứ 5, 09/05/2024 | 10:38
Sáng 9/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị lần thứ 3 của Hội đồng để công bố Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Biểu đồ “thăng” dần lên của quan hệ Việt Nam - Brazil sau 35 năm

Thứ 4, 08/05/2024 | 07:00
Trong 35 năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Brazil đã và đang phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Dự án còn 1 hộ dân chưa di dời, Bí thư tỉnh phải trực tiếp làm việc

Thứ 3, 07/05/2024 | 18:40
Đây là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thị sát dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang và vấn đề GPMB chưa được giải quyết dứt điểm vì 1 hộ dân chưa di dời.