Tất bật sửa đường dịp cuối năm
Câu chuyện những tuyến đường, vỉa vè ở các đô thị nói chung và TP. Hà Nội nói riêng bị đào bới, sửa chữa vào thời điểm những tháng cuối năm chắc hẳn đã không còn xa lạ với những người dân sinh sống tại Thủ đô. Và năm nay, điệp khúc sửa đường ngày cuối năm một lần nữa lại xuất hiện khiến cuộc sống của người dân “đảo lộn”.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Người Đưa Tin ngày 7/1, hàng loạt tuyến đường, phố như Hàng Chuối, Trần Xuân Soạn, Thi Sách, Ngô Thì Nhậm, Kim Mã, Nguyễn Thái Học,… trên địa bàn TP. Hà Nội, việc di chuyển, sinh hoạt của người dân đang gặp nhiều khó khăn do vỉa hè được lật lên để lát đá.
Theo những người dân tại đây, việc sửa chữa đường, vỉa hè không chỉ gây phiền toái cho người tham gia giao thông mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên đường. Nhiều người dân cũng đặt câu hỏi, công việc này làm cho vỉa hè đẹp hơn, đường khang trang hơn nhưng tại sao cả năm không triển khai mà lại đúng dịp cuối năm, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao.
Tại đây, do lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông cao cộng thêm tình trạng thi công chậm tiến độ, việc hoàn trả lại mặt đường, vỉa hè qua loa đã ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Một số hộ do không chịu nổi đành phải đóng cửa hàng, nghỉ bán do bụi bẩn.
Trong 3 tháng cuối năm 2019, sở GTVT Hà Nội đã tiến hành cấp 75 giấy phép cho các đơn vị thi công lát lại vỉa hè, dải phân cách, lắp đặt đường dây cáp đi nổi, hạ ngầm cáp viễn thông trên các tuyến phố. Việc này khiến tình trạng ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng.
Theo sở GTVT, các công trình cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội nhưng vô hình trung những nỗ lực của cơ quan chức năng vẫn chưa thể đạt được hiệu quả như đã đề ra.
Sửa đường cuối năm để giải ngân?
Trước thực trạng cơ quan chức năng “tấp nập” cấp phép cho hàng loạt dự án sửa chữa lòng đường, hè phố vào những tháng cuối cùng trong năm, đã có nhiều ý kiến cho rằng những tháng cuối năm là “cuộc chạy đua” giải ngân và đây là dịp lý tưởng cho các đơn vị có thể cân đối lại khoản tiền mà đầu năm hoặc giữa năm họ đã huy động để thực hiện dự án khác?
Để giải đáp được những thắc mắc trên của người dân, chiều 7/1, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Giang – Phó Giám đốc ban Quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông (sở GTVT Hà Nội).
Tại đây, ông Nguyễn Đức Giang chia sẻ: “Dù có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng việc duy tu các tuyến đường phải thực hiện theo đúng tiến độ quy trình. Do đó, để đảm bảo việc đi lại cho người dân được thuận tiện nhất cũng như giảm thiểu tối đa những hệ luỵ xấu đến đời sống của người dân tại khu vực công trường, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu huy động 200% nhân lực và tăng cường các thiết bị, máy móc để rút ngắn thời gian duy tu, sửa chữa”.
Theo lý giải của ông Giang, ngày 18/4/2019 đơn vị mới nhận được Quyết định số 1866/QĐ-UBND về việc thực hiện các công trình cải tạo, sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội sử dụng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ Hà Nội năm 2019.
Ngay sau đó, đơn vị đã tiến hành đấu thầu tại các dự án và có văn bản xin ý kiến của TP. Hà Nội và đến thời điểm đầu tháng 11 cơ bản các dự án mới được khởi công.
Ông Giang cho biết thêm: “Nhận thức được những khó khăn của dự án, tính chất thi công phức tạp của dự án và hệ luỵ mà dự án gây ra đối với những hộ dân sinh sống gần khu vực sửa chữa, sở GTVT đã yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời chủ động thi công bắt đầu từ 22h tối đến 5h sáng hôm sau.
Tuy nhiên, do đặc thù của Thành phố, thời điểm 22-23h tối nhiều tuyến phố vẫn đông người qua lại, và 4-5h sáng đã xuất hiện nhiều phương tiện giao thông khiến tiến độ làm việc của công nhân bị chậm lại.
Hơn nữa, trạm cấp vật liệu thảm đường ở xa trung tâm (cách 20-30km), mà thời gian lưu hành hạn chế (từ 21h đến 6h ngày hôm sau) cũng ảnh hưởng đến việc tập kết nguyên vật liệu. Các đơn vị thiếu máy cào bóc mặt đường; nhiều hố ga, cống thoát nước lại cao hoặc thấp hơn mặt đường nên công nhân phải sửa chữa rồi mới tiến hành duy tu làm tiến độ thi công chậm chạp, chưa kể có khi công nhân đang trải thảm thì trời mưa nên buộc phải dừng”.
Trước đó, ngày 3/1/2020, sở GTVT Hà Nội đã có công văn đề nghị các Chủ đầu tư, các Ban Quản lý dự án, các Nhà thầu thi công trên các tuyến đường, phố thuộc địa bàn Hà Nội phải hoàn trả mặt đường trước ngày 10/01/2020.
Cụ thể, đối với các công trình đào hè, đào đường trên địa bàn TP (cấp nước, thoát nước, hạ ngầm điện lực, viễn thông…), sở đề nghị các chủ đầu tư giám sát chặt chẽ tiến độ, chất lượng và chỉ đạo đơn vị thi công.
Ngoài ra, các công trình đã thi công xong (còn trong thời gian bảo hành) phải thường xuyên rà soát kiểm tra, xử lý hiện tượng lún sụt trên bề mặt hoàn trả, các vệt rạn nứt tại vị trí mặt đường cũ tiếp giáp với phía hoàn trả, đồng thời, bù lún phần mặt đường đã hoàn trả theo quy định để đảm bảo an toàn giao thông.
Thanh tra sở GTVT cũng chỉ đạo các đội Thanh tra Giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về đào đường không có giấy phép, thi công không đảm bảo an toàn giao thông, không đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông kiểm tra toàn bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn Thành phố, kịp thời sửa chữa các hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông; Chỉ đạo các đơn vị quản lý đường tăng cường công tác tuần đường, rà soát, kiểm tra việc hoàn trả mặt đường, công tác bảo hành của các đơn vị thi công đào đường trên tuyến đường được giao quản lý; Giám sát chặt chẽ khối lượng, chất lượng trong quá trình triển khai thi công các dự án, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường.