Sau gần 2 tháng lênh đênh trên biển và một cú “quay đầu” ngoạn mục gần quần đảo Hawaii, một tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) xuất phát từ Mỹ đã cập cảng của Vương quốc Anh, theo Bloomberg.
Tàu Hellas Diana, đăng ký ở Malta, đã rời nhà máy LNG Corpus Christi ở Texas của công ty Cheniere Energy Inc. vào ngày 28/11. Sau khi băng qua Kênh đào Panama để đến châu Á và đang ở gần quần đảo Hawaii, con tàu này bất ngờ quay đầu vào ngày 20/12. Nó đã băng qua Kênh đào Panama lần thứ hai và vượt Đại Tây Dương để đến vùng biển châu Âu. Dự kiến, Hellas Diana cập cảng Milford Haven (Vương quốc Anh) vào ngày 19/1.
Con tàu đã trải qua chuyến đi kéo dài 7 tuần – khoảng thời gian gần như đủ cho cả lượt đi và lượt về giữa châu Á và bờ biển vùng Vịnh của Mỹ. Tàu chở LNG xuất phát từ Mỹ thường mất khoảng 4 tuần để đến một số cảng ở châu Á và 2 tuần để cập bến hầu hết các cảng ở châu Âu.
Hellas Diana không phải là tàu chở LNG duy nhất giữa đường chuyển hướng.
Theo công ty nghiên cứu và tư vấn Wood Mackenzie, khoảng 20 tàu chở LNG từ Mỹ hiện đang trên đường đến châu Âu. Giá khí đốt tự nhiên ở Anh và EU đã tăng vọt vào tháng trước lên trên 65 USD/triệu Đơn vị nhiệt của Anh (mmBtu). Alex Munton, nhà phân tích chính về LNG Mỹ tại Wood Mackenzie, cho biết các nhà xuất khẩu LNG của Mỹ đã chuyển đi khoảng 100 chuyến hàng vào tháng trước. “Các nhà ga của Mỹ đang hoạt động rất nhộn nhịp ngay lúc này đây”, Munton cho biết. “Họ đang cố gắng hết sức có thể”.
Các chuyến tàu chở LNG bổ sung của Mỹ sẽ không chấm dứt áp lực lên giá khí đốt của châu Âu, vốn đang được thúc đẩy bởi một số yếu tố bao gồm thời tiết và lo ngại về nguồn cung từ Nga. Nhưng điều này nhấn mạnh sự nổi lên của Mỹ với tư cách là nhà xuất khẩu LNG hàng đầu toàn cầu, với nguồn cung linh hoạt có thể được chuyển hướng đến bất kỳ nơi nào có giá hấp dẫn nhất.
Quay trở lại hồi tháng 2/2021, khi giá LNG ở Nhật Bản và Hàn Quốc cao hơn ở châu Âu, hầu hết các tàu hàng của Mỹ đã thẳng hướng đến châu Á, Wood Mackenzie cho biết. Bây giờ châu Âu đang có sức hấp dẫn nhiều hơn. Trong tuần đầu tháng 1/2022, xuất khẩu LNG của Mỹ vào châu Âu đã đạt trung bình hơn 250 triệu m3 mỗi ngày, mức cao nhất được ghi nhận và tương đương với khoảng 80% tổng công suất xuất khẩu LNG của Mỹ.
Năm nay, Mỹ sẽ giữ vị trí nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, khi công suất mới được bổ sung.
Với ngày càng nhiều dự án xuất khẩu LNG đi vào hoạt động, đến cuối năm 2022, công suất danh nghĩa của Mỹ sẽ tăng lên 11,4 tỷ feet khối mỗi ngày (Bcf/d) và công suất cao nhất sẽ lên tới 13,9 Bcf/d, EIA cho biết hồi tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, việc duy trì vị trí này khá mong manh. Lượng xuất khẩu LNG của Mỹ chỉ cao hơn 2 đối thủ hàng đầu là Qatar và Australia một chút, và bất kỳ vấn đề sản xuất nào cũng có thể ngay lập tức ảnh hưởng đến thứ hạng.
Các cơ sở xuất khẩu LNG của Mỹ đã lập kỷ lục vận chuyển 1.043 chuyến hàng trong năm 2021, với gần 1/2 số chuyến hàng cập cảng các quốc gia châu Á, và 1/3 tới châu Âu, dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp cho thấy.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Wood Mackenzie)