Tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự, để lại nhiều hậu quả đau lòng cho gia đình và xã hội. Cùng với xu hướng gia tăng về số vụ thì mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này cũng tăng lên. Nguy hiểm hơn, những hành vi vi phạm pháp luật này còn được đăng tải trên các trang mạng xã hội mà các đối tượng xem đó là những chiến tích để khoe khoang, thách thức pháp luật.
Trẻ hóa độ tuổi vi phạm pháp luật
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xảy ra một số vụ thanh thiếu niên từ 15 đến 20 tuổi tụ tập thành các băng nhóm gây rối, đánh nhau gây thương tích, thậm chí dẫn đến chết người. Tất cả các vụ việc đều xảy ra vào đêm khuya, xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ, thậm chí mâu thuẫn trên mạng xã hội, các nhóm hẹn gặp nhau mang theo hung khí (dao, kiếm, mã tâu, gây, gộc...) để "giải quyết".

Nhóm thanh thiếu hẹn nhau hỗn chiến để giải quyết mâu thuẫn.
Điển hình, 04/5/2025, do mâu thuẫn cá nhân, nhóm D.T.T (SN 2009); P.Đ.T (SN 2006); T.A.K (SN 2009); N.H.T (SN2008 cùng ngụ tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu) và nhóm P.M.T, (SN 2005); T.N.H.M (SN 2006); N.C.M (SN 2007); N.Đ.H (SN 2006); N.V.T (SN 2002 cùng ngụ xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) cả hai nhóm trên đã chuẩn bị hung khí và điện thoại hẹn nhau để giải quyết mâu thuẫn. Khi hai nhóm đang trên đường đi đến điểm hẹn ở xã Suối Ngô thì bị Công an xã Suối Ngô, đang trên đường tuần tra đảm bảo an ninh trật tự địa bàn phát hiện bắt giữ.
Trước đó, vào khoảng 2h24 ngày 25/4/2025, nhóm 21 thanh niên từ 15 đến 20 tuổi điều khiển 10 xe mô tô mang theo hung khí (rựa, kiếm, dao..) đi tìm nhóm đã đánh mình trước đó để trả thù, khi đi đến khu vực ngã tư Bình Minh gặp 03 thanh niên (tuổi từ 16 đến 18 tuối) đi xe mô tô ngược chiều. Tưởng là nhóm đối tượng hẹn chém nhau nên cả nhóm quay xe đuổi theo, khi đuổi kịp, 1 đối tượng trong nhóm đã dùng rựa chém gần đứt lìa chân trái em điều khiển xe, làm xe đụng vào đuôi xe ô tô đậu sát lề đường, em ngồi sau cũng bị thương nặng và chết sau đó, em ngồi giữa bị thương nhẹ.
Trước đó, vào lúc 15h ngày 16/3, Công an xã Tân Thành nhận được thông tin về việc hai nhóm thanh thiếu niên (khoảng 20 người) có mâu thuẫn qua mạng xã hội và hẹn nhau ra khu vực vắng vẻ thuộc ấp Đồng Rùm, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh để giải quyết. Cả hai nhóm mang theo các hung khí như chai bia, gậy gộc... với mục đích đánh nhau.
Ngay khi nhận được tin báo, lực lượng Công an xã Tân Thành nhanh chóng có mặt, kịp thời ngăn chặn vụ việc và đưa nhóm thanh niên về trụ sở làm việc. Qua kiểm tra nhanh, lực lượng chức năng xác định không có ai sử dụng ma túy. Công an xã đã mời phụ huynh cùng giáo viên của các thanh thiếu niên đến chứng kiến và yêu cầu các em cam kết không tái phạm.
Quyết liệt ngăn chặn tội phạm vị thành niên
Sự trẻ hóa tội phạm không chỉ phản ánh một thực trạng đáng lo ngại về đạo đức và giáo dục mà còn đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống pháp luật và an ninh trật tự. Những đối tượng phạm tội ở độ tuổi vị thành niên thường có những hành vi bộc phát, thiếu suy nghĩ, chín chắn và dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động tội phạm. Điều đáng lo ngại hơn là các hành vi phạm tội ngày càng có tổ chức và nguy hiểm hơn. Đây là một thách thức lớn cho công tác phòng chống tội phạm, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác từ nhiều phía.

Công an thu giữ nhiều hung khí trong vụ nhóm thanh niên hẹn đánh nhau
Hiện nay, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm nói chung, tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến trẻ em, người dưới 18 tuổi nói riêng là một trong những nội dung, giải pháp quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan quan tâm chỉ đạo, thực hiện thường xuyên. Để hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên; tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên, trong đó quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, thi hành án phạt tù, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, gia đình trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Trao đổi với PV, luật sư Đỗ Mạnh Hùng, Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội cho biết: "Ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên theo quan điểm của tôi, là rất cần thiết. Luật này sẽ phát triển những quy phạm pháp luật đã có ở nhiều văn bản pháp luật trước đó. Ví dụ như là một phần ở trong Bộ luật Hình sự về người dưới 18 tuổi phạm tội; Liên quan đến một phần quy định về Luật Trẻ em: Liên quan đến các biện pháp giáo dục tại cộng đồng hoặc là giáo dục tại cơ sở giáo dưỡng.
Luật Tư pháp người chưa thành niên là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng ta quản lý, kiểm soát, xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội cũng như là có chính sách về chuyển hướng xử lý đối với người chưa thành niên, có thể sử dụng biện pháp khác chứ không nhất thiết là phải áp dụng chế tài hình sự".
Thạc sỹ Lê Minh Nam, chuyên gia tâm lý Trường ĐHQG Tp.HCM cho hay, việc thiếu sự quan tâm và giáo dục đúng đắn, trước tiên là từ phía gia đình cũng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, dẫn đến việc trẻ em rơi vào tình trạng lạc lối và tham gia vào các hành vi phạm tội. Trước thực tế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, gia đình và cộng đồng để kịp thời ngăn chặn và giải quyết, tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Thông tin với Người Đưa Tin, lãnh đạo Phòng tham mưu, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, các vụ việc trên nếu Công an xã không phát hiện kịp thời thì có thể xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng. Qua điều tra, xác minh, cơ quan công an nhận thấy tuyệt đại đa số cha mẹ, người thân các cháu đều không quan tâm, không quản lý được giờ giấc sinh hoạt, hoạt động, quan hệ của con em mình; giao phương tiện (xe gắn máy) cho con cháu nhưng không quản lý được việc sử dụng của các cháu. Sau khi xảy ra vụ việc, hậu quả pháp lý các cháu phải chịu là rất lớn, trong khi tuổi đời của các cháu còn rất trẻ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai sau này.
Trước tình hình trên, Công an tinh Tây Ninh đề nghị: Cha, mẹ, người thân, gia đình quan tâm quản lý con, em trong quan hệ sinh hoạt, giờ giấc. Không để các em tụ tập đêm khuya, không giao phương tiện cho con em khi chưa đủ điều kiện để điều khiển.
"Gia đình cần phối hợp chặt chẽ với Công an xã, phường, thị trấn, chính quyền địa phương trong quản lý, giáo dục con, em, ngăn ngừa vi phạm pháp luật. Mọi người dân khi phát hiện những hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho chính quyền địa phương, lực lượng Công an gần nhất để ngăn chặn kip thời, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra", lãnh đạo Phòng tham mưu, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết thêm.