Việc phát triển Tên lửa đánh chặn tầm ngắn thế hệ mới (NGSRI) của Lục quân Mỹ đánh dấu bước chuyển công nghệ quan trọng trong lĩnh vực phòng không cơ động tầm ngắn, mang đến hiệu suất và năng lực vượt trội so với hệ thống tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger. Là một phần trong sáng kiến hiện đại hóa M-SHORAD Increment 3, NGSRI được thiết kế để đối phó với nhiều loại mối đe dọa trên không tiên tiến, bao gồm trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và vũ khí siêu vượt âm tầm ngắn. Với những cải tiến tích hợp về tốc độ, tầm bắn, khả năng tìm kiếm và động cơ, NGSRI hứa hẹn trở thành thành phần cốt lõi trong chiến lược phòng không nhiều tầng của Lục quân Mỹ trong tương lai.
Stinger - "xương sống" của phòng không tầm ngắn trong hơn 40 năm
FIM-92 Stinger là tên lửa phòng không dẫn đường hồng ngoại vác vai, được sử dụng làm lực lượng chủ lực trong phòng không tầm ngắn của Lục quân Mỹ từ năm 1981. Được phát triển bởi General Dynamics và sau đó sản xuất bởi Raytheon, Stinger nhanh chóng trở thành biểu tượng trên chiến trường, được triển khai rộng rãi bởi quân đội Mỹ và hơn 30 quốc gia đồng minh.
Nó từng được sử dụng trong nhiều cuộc xung đột, từ thời Chiến tranh Lạnh cho đến Chiến tranh Chống khủng bố toàn cầu, nhằm tiêu diệt các máy bay bay thấp và trực thăng. Tuy nhiên, do giới hạn về tầm bắn, tốc độ và khả năng chống lại các biện pháp đối phó hiện đại, Stinger dần trở nên kém phù hợp với môi trường tác chiến hiện nay.
Chương trình NGSRI được khởi động nhằm thay thế Stinger bằng một tên lửa có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa hiện đại và cơ động hơn trong điều kiện tác chiến phức tạp.
NGSRI có tốc độ vượt Mach 3, tầm bắn 9 km, công nghệ động cơ tiên tiến

Tên lửa đánh chặn tầm ngắn thế hệ mới NGSRI của Raytheon Hoa Kỳ hoàn thành chuyến bay thử nghiệm tên lửa đạn đạo thành công vào tháng 6 năm 2025. (Ảnh: Raytheon)
Được Raytheon phát triển để thay thế hệ thống MANPADS Stinger, NGSRI là dòng tên lửa phòng không thế hệ mới, được thiết kế nhằm đáp ứng yêu cầu đánh chặn nhanh, chính xác các mối đe dọa trên không hiện đại. Với chiều dài chưa đến 1,5 mét, NGSRI đạt tốc độ vượt Mach 3 chỉ trong vài giây sau khi phóng, mở rộng vùng tiêu diệt ngay lập tức. Hệ thống động cơ của NGSRI sử dụng công nghệ nhiên liệu rắn HLG, tạo ra lực đẩy mạnh và duy trì lâu hơn so với động cơ thông thường. Nhờ vậy, NGSRI có thể đạt tầm bắn tới 9 km, vượt xa mức 4,8 km của Stinger, đồng thời duy trì độ chính xác cao trong toàn bộ quãng đường bay - một lợi thế chiến lược cho các đơn vị phòng không cơ động.
Ngày 5/6/2025, Raytheon (một đơn vị của RTX) và Northrop Grumman thông báo đã hoàn tất thành công bốn cuộc thử nghiệm động cơ tên lửa HLG cho NGSRI, trong khuôn khổ chương trình hoàn thiện hệ thống của Lục quân Mỹ. Các thử nghiệm này xác nhận khả năng tạo lực đẩy lâu dài và năng lượng lớn, giúp tên lửa mở rộng tầm đánh chặn và tăng độ tin cậy trong các tình huống cơ động gấp, thời gian phản ứng ngắn. Việc ứng dụng công nghệ nhiên liệu HLG được coi là đổi mới quan trọng, cho phép NGSRI đối phó hiệu quả với các mối đe dọa ngày càng phức tạp như tên lửa hành trình và hệ thống siêu vượt âm tầm thấp.
Trước đó, ngày 18/2/2025, Raytheon xác nhận đã hoàn tất mười cuộc trình diễn các phân hệ quan trọng của NGSRI, bao gồm đầu dò, đầu đạn, động cơ và cụm phóng CLA. Kết quả cho thấy đầu dò tiên tiến với khả năng cảm biến đa chế độ vượt trội so với Stinger, duy trì khóa mục tiêu ngay cả trong môi trường bị gây nhiễu mạnh. Đầu đạn được thử nghiệm trên nhiều loại mục tiêu, từ UAV nhỏ đến máy bay cơ động, cho thấy khả năng sát thương cao hơn rõ rệt so với các hệ thống trước đây.
Tương thích với hệ thống hiện có, linh hoạt triển khai
Một lợi thế lớn của NGSRI là khả năng tích hợp trực tiếp vào bệ phóng Stinger và các tổ hợp di động mà không cần cải tiến cấu hình, giúp triển khai nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, cấu hình nâng cấp M-SHORAD loại bỏ nhu cầu tích hợp tên lửa Hellfire, cho phép mỗi xe chiến đấu tăng gấp đôi số lượng tên lửa đánh chặn từ 4 lên 8, cải thiện đáng kể khả năng chống lại các đợt tấn công dồn dập như bầy UAV hoặc loạt tên lửa tập kích.
Thiết kế kỹ thuật số của NGSRI hỗ trợ cập nhật phần mềm và điều chỉnh nhiệm vụ theo mối đe dọa, đảm bảo tính thích ứng với chiến trường tương lai. Lục quân Mỹ dự kiến chọn thiết kế cuối cùng giữa Raytheon và Lockheed Martin trong thời gian tới, với mục tiêu bắt đầu sản xuất loạt nhỏ vào năm tài chính 2027 và triển khai ngay sau đó.
NGSRI mang đến một bước tiến vượt bậc so với FIM-92 Stinger trên mọi phương diện: tầm bắn, tốc độ, khả năng tìm kiếm, độ chính xác và tính linh hoạt tích hợp. Đây sẽ là giải pháp phòng không cơ động, phản ứng nhanh, có khả năng mở rộng, giúp Lục quân Mỹ đối phó với phổ rộng các mối đe dọa bay thấp trong các kịch bản xung đột hiện đại.
Thế Hải (Theo Armyrecognition, Army.mil)