Tết của 4 người sống trong căn nhà 6m2
Giáp Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi đến ngõ 241 La Thành, phường ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội thăm bà Phạm Thị Tuyết (70 tuổi), cô giáo về hưu sống trong căn nhà 6m2, một mình nuôi 4 miệng ăn.
Bà Tuyết với gian hàng tạp hoá nhỏ
Cuối năm, không khí Tết tràn ngập phố phường, nhà nào cũng tất bật để chuẩn bị chào đón năm mới. Thế nhưng, dưới con dốc La Thành, ngôi nhà nhỏ của bà Tuyết vẫn như mọi ngày. Bà vẫn ngồi bán hàng tạp hóa dưới tầng 1 và trò chuyện với vài người trong xóm.
Thấy chúng tôi đi vào, bà Tuyết đon đả đón khách rồi mời lên gác xép nói chuyện. Bà nói cuộc sống của mấy bà cháu cũng có ít nhiều thay đổi kể từ khi báo chí viết về gia đình.
“Năm ngoái con trai và 2 cháu của tôi được xét duyệt vào hộ nghèo nên cũng được chính quyền quan tâm. Có người tài trợ học phí cho cháu trai đến khi học xong nên tôi cũng đỡ gánh nặng”, bà Tuyết cười nói.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Tuyết cho biết, năm nay gia đình bà vẫn đón Tết như mọi năm, không sắm sửa gì nhiều, có gì dùng nấy. Nhà chật không cắm được cành đào nhưng bà sẽ vẫn mua mấy bông hoa nhỏ cắm cho có không khí.
“Tết tôi cũng sắm cho hai cháu bộ quần áo mới để các cháu vui xuân”, bà Tuyết nói.
Bà Tuyết bảo, do nhà chật không cắm được cành đào nhưng Tết bà vẫn sẽ mua mấy bông hoa nhỏ cắm cho có không khí
Hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên gia đình bà Tuyết sẽ đón Tết đơn giản mà ấm cúng. Bà cũng mua cặp bánh chưng, khoanh giò, cân thịt để đón Tết như mọi nhà.
Cuối năm, chính quyền, các mạnh thường quân cũng có chút quà gửi cho gia đình, đó là điều an ủi cho mấy mẹ con, bà cháu.
Đối với bà Tuyết, Tết bà được nghỉ ngơi ít hôm vì không phải đưa các cháu đi học và bán hàng. Căn nhà chật chội nên bà cũng không làm cơm tất niên mời anh em, họ hàng đến chung vui. Có chăng cũng chỉ 4 bà cháu và gia đình cô con gái quây quần ăn cơm.
Nói xong bà Tuyết thở dài, phía trước là cả gánh nặng khi bà đến tuổi “gần đất xa trời”, 2 đứa cháu cũng cần nhiều thời gian để khôn lớn, trưởng thành. Bà chỉ mong rằng có sức khỏe để lo cho con cháu những Tết sau được trọn vẹn hơn.
“Tôi mong cả gia đình khỏe mạnh, cuộc sống êm đềm trôi qua mỗi ngày. Mấy năm nữa khi hai đứa trẻ lớn lên tự lo được cuộc sống riêng, nếu phải ra đi, tôi cũng không còn điều gì ân hận", bà Tuyết chia sẻ.
Gian hàng tạp hoá nhỏ cũng đủ cho gia đình bà Tuyết rau dưa qua ngày
“Tôi thấy mình như 6 cấp lãnh đạo”
Gia đình bà Tuyết từng “nổi tiếng” vì ba thế hệ (4 người) sống trong căn nhà 6m2. Tầng 1 là bếp nấu ăn, nhà tắm và gian hàng tạp hóa nhỏ, tầng 2 trở lên là khu vực ngủ, thờ cúng và phòng chứa đồ.
Bốn thành viên trong gia đình bà Tuyết gồm: Bà, anh Nam con trai cả (bị tai biến từ năm 2014, mất khả năng lao động) và 2 cháu Nguyễn Trung Hiếu (17 tuổi) và Nguyễn Thị Huyền Trang (15 tuổi) đang còn đi học.
Bà Tuyết là giảng viên trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện đã về hưu. Trước đó, cuộc sống của gia đình bà vốn rất khấm khá, chồng bà là bộ đội, sau khi phục viên thì làm lái xe.
Hai ông bà sinh được 2 người con: 1 trai, 1 gái (con gái lập gia đình ra ở riêng). Trước đây cả gia đình bà sống trong căn nhà khang trang 70m2. Nhưng biến cố bắt đầu ập đến khi chồng bà Tuyết gặp sự cố trong một lần lái xe khiến 6 công nhân bị thương.
Để khắc phục hậu quả, gia đình bà đã phải bán đi căn nhà 70m2. Sau khi đền bù, kinh tế gia đình kiệt quệ, cả nhà phải chuyển đến khu bếp hai tầng 6m2 để sinh sống. Từ năm 1999, vợ chồng bà Tuyết đã cải tạo, chắp vá ngôi nhà thành 5 tầng sống đến nay.
Khu vực ăn ngủ và nơi tiếp khách của gia đình bà Tuyết trong những ngày Tết
Bên trong căn nhà, mọi không gian đều được bà Tuyết tận dụng để chứa đồ đạc, từ hốc cầu thang đến ô cửa nhỏ. Duy chỉ có khoảng trống ở tầng 2 và tầng 3 là chỗ ngủ của gia đình bà.
Giữa các tầng được ngăn bằng chiếc cầu thang gỗ hẹp, dựng thẳng đứng. Bà Tuyết không thể nhớ nổi mình đã vấp ngã bao nhiêu lần ở chiếc cầu thang này suốt 22 năm qua.
Không gian chật hẹp nên mỗi mùa hè cả gia đình đều cảm thấy nóng bức và ngột ngạt. Còn mùa đông thì lại lạnh thấu xương.
Bà Tuyết kể, sau khi về hưu, bà mở cửa hàng tạp hóa nhỏ mưu sinh dưới tầng một. Còn con trai cả kết hôn sinh được hai người con. Thế nhưng, đến năm 2011, vợ anh Nam ôm theo hai con 4 và 6 tuổi bỏ đi biệt tích.
Bỗng một ngày, bà Tuyết nhận điện thoại, báo hai cháu đang ở Trà Vinh. Một mình bà lặn lội vào Nam, đón hai đứa trẻ ra Bắc.
"Mẹ hai đứa trẻ thỉnh thoảng gọi điện, nhưng chưa một lần về thăm con. Tôi động viên nhưng nó bảo không có tiền cho các con nên ngại về", bà Tuyết nói.
“Lắm lúc tôi nghĩ, nếu mình không còn nữa, 3 bố con nó biết sống thế nào khi không có đồng lương"
Đến năm 2014, tai họa lại ập đến khi anh Nam, vốn là lái xe cho ngân hàng, bị tai biến và mất khả năng lao động. Dù chạy chữa khắp các bệnh viện lớn nhỏ, tốn kém tiền bạc nhưng bệnh tình của anh không chuyển biến.
Từ một trụ cột gia đình, anh Nam dần mặc cảm và tự ti, hạn chế giao tiếp, khép mình một góc trong căn phòng tối trên tầng ba.
Bất hạnh chưa dừng lại, năm 2021, chồng bà Tuyết qua đời sau khi phát hiện mắc ung thư phổi. Mọi gánh nặng dồn lên đôi vai bà. Hằng ngày, người phụ nữ tảo tần vẫn một mình gồng gánh nuôi 4 miệng ăn.
Cuộc sống vốn khó khăn, nghèo khổ nhưng bà Tuyết không dựa dẫm vào tình thương của mọi người. Bà luôn tính toán chi tiêu từ đồng lương hưu ít ỏi và thu nhập từ gian hàng tạp hóa.
“Tôi thấy mình như 6 cấp lãnh đạo nào là ông bà, bố mẹ, ô sin và chủ quán”, bà Tuyết cười nói.
Đối với bà Tuyết, hai cháu chính là hy vọng, là tương lai và động lực sống của bà. Dù có khó khăn, vất vả hơn bà vẫn luôn muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho các cháu. Ở cái tuổi gần đất xa trời nhưng bà vẫn còn rất nhiều nỗi lo, đặc biệt là tương lai của các cháu.
“Lắm lúc tôi nghĩ, nếu mình không còn nữa, 3 bố con nó biết sống thế nào khi không có đồng lương. Tôi giờ chỉ mong sức khỏe, sợ nhất ốm đau nằm viện sẽ không giúp được con và các cháu", bà Tuyết lo lắng.
Quỳnh An