Thách thức hàng đầu đón đợi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen nhiệm kỳ 2

Thứ 7, 30/11/2024 06:00

Xung đột Nga-Ukraine, sự trở lại của ông Donald Trump và “sức khỏe” nền kinh tế EU nằm trong số những vấn đề hàng đầu ở nhiệm kỳ 2 của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Các nhà lập pháp Liên minh châu Âu (EU) cuối cùng đã "bật đèn xanh" cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen bắt đầu nhiệm kỳ 2 với đội ngũ mới của mình vào ngày 1/12.

"Tìm cách để làm việc với nhau và vượt qua sự chia rẽ. Đây là điều mà tôi và tất cả 26 thành viên trong nhóm sẽ phấn đấu mỗi ngày. Chúng tôi đã sẵn sàng bắt tay vào làm việc ngay lập tức", bà Von der Leyen cho biết hôm 27/11 sau cuộc bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg.

Nhiệm kỳ đầu tiên của nữ chính trị gia người Đức tại Brussels chứng kiến khối này vượt qua các cuộc khủng hoảng ở quy mô chưa từng có, buộc cơ quan điều hành liên minh do bà đứng đầu phải đưa ra các đề xuất mang tính quyết định.

Thách thức hàng đầu đón đợi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen nhiệm kỳ 2- Ảnh 1.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Getty Images

Cách tiếp cận thực tế của bà Von der Leyen khi đó đã cải thiện đáng kể hồ sơ chính trị của bà, giúp bà giành được thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa. Lần này, người đứng đầu Ủy ban điều hành EU sẽ phải đối phó với cả tác động kéo dài của các cuộc khủng hoảng cũ và những thách thức mới nảy sinh.

Xung đột Nga-Ukraine

Cuộc xung đột lớn nhất trên đất châu Âu kể từ Thế chiến II đã định hình nhiệm kỳ Chủ tịch đầu tiên của bà Von der Leyen và cũng sẽ chiếm vị trí hàng đầu trong nhiệm kỳ thứ hai của bà.

Nhiệm kỳ mới của bà Von der Leyen bắt đầu vào thời điểm quan trọng đối với Ukraine, khi quân đội Nga đang đạt được những bước tiến đáng kể trên thực địa và xuất hiện nhiều diễn biến mới khiến nguy cơ leo thang xung đột đang ở mức cao hơn bao giờ hết.

Bà Von der Leyen, người đã nhiều lần tuyên bố sẽ sát cánh cùng Ukraine "cho đến khi nào còn cần thiết", sẽ phải đảm bảo viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cho quốc gia Đông Âu tiếp tục chảy, ngay cả sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào tháng 1 năm sau.

Ngoài ra, siết chặt các lệnh trừng phạt của EU đối với Điện Kremlin và đóng các "lỗ hổng" trong các cơ chế này cũng sẽ là những việc quan trọng trong danh sách việc cần làm của bà Von der Leyen.

Đầu năm nay, các quốc gia thành viên đã thông qua đề xuất của EC nhằm cung cấp hỗ trợ tài chính lên tới 50 tỷ Euro cho Ukraine cho đến năm 2027.

Tháng trước, họ đã phê duyệt một kế hoạch mang tính đột phá cho phép các đồng minh G7 cấp khoản vay 45 tỷ Euro cho Kiev bằng cách sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga làm tài sản thế chấp.

Mặc dù cả 2 khoản này đều rất cần thiết, nhưng chúng có thể không đủ nếu giao tranh kéo dài hơn và tình hình ngân sách của Ukraine trở nên tồi tệ hơn.

Khi xét đến vị thế của Ukraine với tư cách một quốc gia ứng cử viên EU, bà Von der Leyen có thể đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái thiết quốc gia Đông Âu thời hậu chiến.

Theo đó, trong nhiệm kỳ Chủ tịch này của mình, "người phụ nữ quyền lực nhất châu Âu" sẽ phải đối mặt với những câu hỏi khó và những quyết định quan trọng về tương lai của Ukraine.

Quan hệ thương mại

Một trong những nguyên tắc tư tưởng cốt lõi của bà Von der Leyen là niềm tin mạnh mẽ vào liên minh xuyên Đại Tây Dương. Mối quan hệ chặt chẽ của bà với Tổng thống Mỹ Joe Biden là minh chứng cho điều này.

Niềm tin này sẽ sớm bị thử thách khi ông Trump trở lại Nhà Trắng và nếu vị chính trị gia tỷ phú Mỹ hiện thực hóa lời đe dọa áp thuế toàn diện đối với tất cả hàng hóa nước ngoài, kể cả từ châu Âu.

Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của EU. Năm ngoái, EU đã xuất khẩu 502 tỷ Euro hàng hóa sang Mỹ và nhập khẩu 344 tỷ Euro từ "xứ cờ hoa", tạo ra thặng dư 158 tỷ Euro. Ông Trump rất không vui về sự mất cân bằng này, và nói rằng khối này phải trả "giá đắt" để đổi lại.

Đối với EU, biện pháp thuế quan có thể sẽ đến vào thời điểm tồi tệ nhất, khi nhu cầu tiêu dùng chậm chạp, giá năng lượng neo ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tình trạng thiếu hụt lao động và đầu tư không hiệu quả vào công nghệ mới.

Thách thức hàng đầu đón đợi Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen nhiệm kỳ 2- Ảnh 3.

Bà Von der Leyen đã đề xuất thay LNG của Nga bằng LNG của Mỹ. Ảnh: Newssky

Khi tất cả những điều trên đang đẩy khối 27 quốc gia này vào vòng xoáy suy thoái công nghiệp nguy hiểm, xuất khẩu là một trong số ít các lựa chọn mà các công ty châu Âu có để giảm bớt tác động và duy trì hoạt động của mình.

Nếu thị trường khổng lồ của Mỹ đột nhiên bị bủa vây bởi các hạn chế thương mại, tác động đối với các doanh nghiệp từ "cựu lục địa" sẽ là ngay lập tức và tàn khốc.

Tệ hơn, trong khi chưa biết chính quyền mới ở Mỹ sẽ làm gì, EU vẫn đang phải đối mặt với căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng với Trung Quốc.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà Von der Leyen, Ủy ban châu Âu đã trang bị cho mình các công cụ pháp lý mới để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Chúng sẽ hữu ích trong nhiệm kỳ thứ 2 của bà ấy, nhà lập pháp Bernd Lange, người đứng đầu Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu, cho biết.

"Chúng tôi phải đối phó với 2 đối tác thương mại là Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi phải mài giũa vũ khí của mình để chống lại những điều không công bằng, và chúng tôi đã có sẵn một số biện pháp phòng thủ", ông Lange nói với Euronews.

Theo đó, dự kiến ban lãnh đạo Ủy ban châu Âu trong nhiệm kỳ 2 của bà Von der Leyen sẽ phải duy trì một tư thế "phòng ngự", với con mắt lo lắng hướng đến Nhà Trắng.

Vấn đề là tiền sẽ đến từ đâu?

Trong nhiệm kỳ tiếp theo, Ủy ban châu Âu sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề cùng lúc: Hỗ trợ tái thiết Ukraine, tăng cường năng lực quốc phòng, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, thúc đẩy công nghệ tiên tiến, ứng phó với các cuộc trả đũa thương mại tiềm tàng, vấn đề người di cư… Không có vấn đề nào trong số này là tiêu tốn ít tiền.

Câu hỏi đặt ra là: Tiền sẽ đến từ đâu? Bà Von der Leyen sẽ là người phải trả lời câu hỏi và trình bày bản đề xuất ngân sách dài hạn cho giai đoạn 2028-2034, dự kiến sẽ được công bố trước kỳ nghỉ hè năm sau.

Ngân sách sẽ phải đảm bảo sự cân bằng giữa một bên là các vấn đề truyền thống như Chính sách Nông nghiệp Chung (CAP), Quỹ Gắn kết, và các khoản đầu tư chiến lược vào khí hậu, đổi mới, nghiên cứu, quốc phòng… đồng thời phải tính đến các yếu tố bên ngoài không thể lường trước được bao gồm xung đột ở Ukraine, khủng hoảng nhân đạo, thiên tai, dòng người di cư, thay đổi nhân khẩu học…

Những khoản chi tiêu khổng lồ này sẽ đưa cuộc tranh luận ở EU quay trở lại với vấn đề nợ công, điều mà cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi coi là "không thể tránh khỏi" để giải quyết vô số thách thức.

Bà Von der Leyen, người hoàn toàn ủng hộ các khoản vay công để thành lập Quỹ phục hồi kinh tế hậu Covid-19 trị giá 750 tỷ Euro, cho đến nay vẫn thận trọng trong vấn đề gây tranh cãi này, vì lo sợ bị các quốc gia nổi tiếng "thắt lưng buộc bụng" như Đức và Hà Lan khiển trách.

Tuy nhiên, nếu tình trạng suy thoái công nghiệp của EU vẫn tiếp diễn, nếu xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn ngày càng phức tạp, nếu cuộc khủng hoảng khí hậu leo thang, người đứng đầu cơ quan điều hành EU sẽ phải đưa ra những lựa chọn cực kỳ khó khăn.

Minh Đức (Theo Euronews, Politico EU)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.