Ngày 15/12, tại Cảng PTSC Dung Quất, Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, Tập đoàn THACO đã tổ chức lễ xuất khẩu 870 sơmi rơmoóc đầu tiên sang Mỹ.
Đây là sự kiện quan trọng không chỉ riêng tập đoàn này mà còn đối với ngành công nghiệp cơ khí nước nhà. Qua đó, khẳng định khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo THACO, sau gần 2 năm nghiên cứu, phát triển và giới thiệu sản phẩm tại thị trường Hoa Kỳ, sơ mi rơ moóc Thaco đã được đánh giá phù hợp với nhu cầu khách hàng và có năng lực cạnh tranh cao. Đến nay PITTS Enterprises và THACO đã ký hợp đồng xuất khẩu 15.500 sơ mi rơ moóc trong năm 2022 với giá trị 215 triệu USD và đối tác đã chuyển tiền đặt cọc trước 30% giá trị, tương đương 64,5 triệu USD.
Tại lễ ký kết, THACO và PITTS Enterprises chính thức thỏa thuận độc quyền phân phối sơ mi rơ moóc tại thị trường Mỹ, doanh số 25.000 sơ mi rơ moóc trong năm 2023, với giá trị hơn 350 triệu USD.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc Thaco tìm kiếm được đối tác và ký kết hợp tác chiến lược với một trong những tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ trong bối cảnh nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy do đại dịch Covid-19 gây ra là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực vượt bậc, sự năng động, sáng tạo và sức bật ngoạn mục.
Theo Bộ trưởng điều này khẳng định năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp có đủ khả năng tham gia và khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là tại Mỹ - một trong những thị trường có tiêu chuẩn rất cao về chất lượng hàng hoá; đồng thời, cũng thể hiện mối quan hệ hợp tác, đối tác toàn diện tốt đẹp, có tính bổ trợ lẫn nhau giữa 2 nền kinh tế Việt Nam và Mỹ.
Với chức năng là cơ quan chủ trì thực hiện quản lý Nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ trưởng bộ Công thương cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. Bộ sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời tháo gỡ, tham mưu với cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời, nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp, nhất là các ngành có tính nền tảng, góp phần thực hiện thắng lợi, toàn diện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.