Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quan tâm đến việc đảm bảo cho công chúng thấy rằng ông không trốn tránh trong tủi hổ. Ảnh: AP
New York Times ngày 21/3 đưa tin, ông Trump tuyên bố sẵn sàng cho một cuộc “perp walk” - tiếng lóng chỉ thông lệ của cảnh sát khi áp giải nghi can ra trước công chúng để giới truyền thông ghi nhận sự kiện.
Tại dinh thự Mar-a-Lago, cựu Tổng thống Mỹ nói với bạn bè và cộng sự rằng ông hoan nghênh ý tưởng được chính quyền cho "diễu hành" trước đám đông phóng viên và máy quay. Thậm chí, ông Trump còn cho biết đã cân nhắc về việc có nên mỉm cười trước ống kính truyền thông hay không và tưởng tượng phản ứng của công chúng khi đó ra sao. Cựu Tổng thống Mỹ xem đây là "một trải nghiệm thú vị".
Không ai chắc chắn tuyên bố trên của ông Trump là dũng cảm hay cam chịu về điều có thể xảy ra trong vài ngày tới. Nhưng nếu thực sự mong chờ "perp walk”, ông Trump có thể sẽ thất vọng.
Theo New York Times, ngay cả khi ông Trump bị buộc tội, không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền sẽ yêu cầu ông phải thực hiện "perp walk” - một truyền thống thực thi pháp luật ở thành phố New York. Nếu ông Trump bị truy tố và tự nguyện đầu thú, cơ quan mật vụ và cơ quan thực thi pháp luật có thể bố trí để tránh "làm trò hề" trước truyền thông.
Một người thân cận với ông Trump tiết lộ, cựu Tổng thống Mỹ quan tâm đến việc đảm bảo cho công chúng thấy rằng ông không trốn tránh trong tủi hổ hơn là bận tâm về việc ông sẽ bị đưa đi đâu nếu bị bắt.
Trong lúc chờ đợi điều sắp xảy ra với mình, ông Trump thường tỏ ra rất thờ ơ với mức độ nghiêm trọng từ các rắc rối tiềm ẩn của mình, theo một số người tiếp xúc với ông Trump thời gian gần đây.
Cựu Tổng thống Mỹ được trông thấy đi chơi golf quanh khu nghỉ dưỡng Palm Beach và giữ vai trò như một DJ tại một bữa tiệc gần đây.
Khi bắt đầu chú ý tới rắc rối của mình, ông Trump tập trung vào việc thể hiện sức mạnh, tránh bất kỳ dấu hiệu tủi hổ nào về trường hợp của mình. Theo New York Times, điều này phản ánh cách ông Trump từng làm khi xử lý các cuộc khủng hoảng chính trị trước đây.
Một số người thường xuyên trò chuyện với ông Trump cho biết, cựu Tổng thống Mỹ vừa phấn khích, vừa tức giận trước viễn cảnh bị bắt.
Theo hãng tin AP, thái độ thờ ơ của ông Trump trước các rắc rối tiềm ẩn liên quan đến pháp lý có thể lý giải được phần nào khi 40 năm qua, ông Trump phải đối mặt với vô số cuộc điều tra pháp lý nhưng chưa bao giờ bị cáo buộc hình sự.
"Trong suốt cuộc đời, ông Trump đã làm những việc khiến chính mình có thể bị điều tra và truy tố. Rút kinh nghiệm từ những lần như thế, ông ấy có thể khôn khéo hành động mà không đi theo vết xe đổ trước đó", nhà viết tiểu sử Michael D’Antonio nói.
Ông Trump lần đầu tiên phải đối mặt với giám sát pháp lý vào thập niên 70 khi Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra vụ kiện phân biệt chủng tộc với hoạt động kinh doanh bất động sản của gia đình ông Trump.
Ông Trump và cha của mình đấu tranh quyết liệt với vụ kiện về việc từ chối cho người da đen thuê căn hộ trong các tòa nhà thuộc sở hữu của gia đình ông. Bằng chứng được đưa ra là các đơn đăng ký thuê nhà của người da màu thường được đánh dấu bằng chữ C (viết tắt của từ da màu trong tiếng Anh). Ông Trump đã kiện ngược, đòi 100 triệu USD, cáo buộc chính phủ phỉ báng.
Vụ việc kết thúc bằng một thỏa thuận dàn xếp mở đường cho một số người da màu thuê nhà nhưng không buộc gia đình ông Trump phải thừa nhận rõ ràng rằng họ đã "không đảm bảo và lơ là" trong việc tuân thủ Đạo luật Công bằng Nhà ở.
Kể từ đó, ông Trump và các doanh nghiệp đã trở thành trung tâm của hàng nghìn vụ kiện dân sự và nhiều cuộc điều tra. Theo CREW, một nhóm giám sát chính phủ ở Washington, tính đến tháng 11/2022, ông Trump bị cáo buộc vi phạm ít nhất 56 tội hình sự kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử năm 2015. Tuy nhiên, ông Trump chưa bao giờ bị truy tố chính thức.
"Ông Trump là bậc thầy của nghệ thuật trì hoãn. Ông ấy sẽ tìm mọi cách trì hoãn với hy vọng cuộc điều tra hoặc vụ kiện sẽ qua đi. Và phần lớn ông ấy đã thành công", Noah Bookbinder, chủ tịch CREW, nói.
Tuy nhiên, theo hãng tin AP, kỷ lục 40 năm không bị truy tố của ông Trump có thể kết thúc trong vài ngày tới. Cựu Tổng thống Mỹ có thể bị đại bồi thẩm đoàn Manhattan truy tố trong tuần này, dính tới cáo buộc làm sai lệch hồ sơ kinh doanh - liên quan đến khoản thanh toán tiền trong chiến dịch tranh cử năm 2016 để "bịt miệng" một số phụ nữ cáo buộc ông Trump có "quan hệ tình ái" với họ.
Đây là một trong số các cuộc điều tra được thực hiện khi ông Trump bắt đầu tranh cử tổng thống lần 3. Ông Trump phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi sai trái, đồng thời cáo buộc các công tố viên có động cơ chính trị nhằm vào chiến dịch tranh cử của ông.
Nếu ông Trump bị truy tố ở New York, lịch sử Mỹ sẽ ghi nhận lần đầu tiên có một cựu Tổng thống Mỹ đối mặt với cáo buộc hình sự.
Nguyễn Thái - New York Times, AP