Được thông qua tại cuộc họp do Ủy ban Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm (NCDC) tổ chức, mục tiêu của kế hoạch là dần kiểm soát các đợt gia tăng số ca mắc và tử vong do biến thể Omicron gây ra, đồng thời đảm bảo đất nước sẵn sàng coi Covid-19 như một bệnh đặc hữu.
Kế hoạch trên nhằm hỗ trợ nền kinh tế Thái Lan phục hồi sau đại dịch cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng bằng cách thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt phù hợp.
Các quan chức y tế Thái Lan dự báo, số ca mắc Covid-19 ở nước này sẽ tiếp tục gia tăng trong giai đoạn từ ngày 12/3 đến đầu tháng 4 và sẽ bắt đầu giảm trong khoảng từ tháng 4 đến tháng 5, dù số ca bệnh vẫn sẽ ở mức cao.
Giai đoạn thứ ba, từ cuối tháng 5 đến tháng 6, số ca mắc mới hàng ngày được dự báo sẽ giảm đáng kể xuống còn khoảng 1.000 đến 2.000 ca trước khi đất nước bước vào giai đoạn xem Covid-19 là bệnh đặc hữu từ ngày 1/7 trở đi.
Giới chức Thái Lan nhấn mạnh, để đạt được đến giai đoạn xem Covid-19 là bệnh đặc hữu, tỉ lệ tử vong vì bệnh này phải không được vượt quá 0,1%. Hiện tại, tỉ lệ này là gần 0,2%.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ Y tế Thái Lan cũng đã lên kế hoạch bỏ Covid-19 ra khỏi danh sách các bệnh được chương trình Bảo hiểm toàn diện cho bệnh nhân cấp cứu chi trả từ đầu tháng 3.
Thay đổi này có nghĩa là những người có kết quả xét nghiệm dương tính nếu phải tới bệnh viện thì phải tới đúng nơi đã đăng ký theo chương trình phúc lợi thay vì có thể tới bất cứ đâu. Chỉ những người bệnh nặng mới được chương trình bảo hiểm cấp cứu chi trả, nhưng Thái Lan cũng chỉ điều trị miễn phí trong 3 ngày đầu tiên, sau đó họ sẽ được chuyển tới bệnh viện đã đăng ký.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết, sự thay đổi này dựa trên chính sách của ngành Y tế với kế hoạch hạ cấp Covid-19 từ một dịch bệnh thành bệnh dịch đặc hữu.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VOV)