Động lực từ FDI...
Yếu tố giúp Thái Nguyên bật nhanh trên đường đua thu hút FDI là sẵn có nền tảng 1 thành phố phát triển công nghiệp.
Đồng thời Thái Nguyên là vành đai của khu vực Đông Bắc, được xác định là hành lang kinh tế phát triển Đông – Tây, nối Quảng Đông – Quảng Tây (Trung Quốc) về các cảng biển Việt Nam.
Trên cơ sở "vốn liếng" sẵn có này cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, Thái Nguyên tập trung kêu gọi đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển các hệ thống hạ tầng công nghiệp. Điển hình là việc kêu gọi Samsung đầu tư nhà máy tại Thái Nguyên.
Thời gian qua, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng nhờ tích cực cải cách hành chính, mời gọi đầu tư và khuyến khích các doanh nghiệp tăng quy mô sản xuất, nên từ đầu năm đến nay có 18 dự án đầu tư mới, nâng tổng mức đầu tư với số vốn 44,5 triệu USD và 1.400 tỷ đồng đầu tư vào các khu công nghiệp tỉnh Thái Nguyên.
Ông Trần Văn Long, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi cấp Giấy chứng nhận đầu tư tám dự án FDI, với tổng vốn đầu tư gần 29 triệu USD và một dự án có vốn đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng. Đây đều là những dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với chín dự án, tổng vốn đầu tư tăng thêm hơn 16 triệu USD và 1.382 tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút 233 dự án, trong đó có 117 dự án FDI với tổng số vốn hơn 8,4 tỷ USD và 116 dự án trong nước, với tổng số vốn 15,3 nghìn tỷ đồng đầu tư vào các KCN, giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn công nhân, tạo giá giá trị xuất khẩu hơn 27 tỷ USD.”
Tạo động lực phát triển nhờ thu hút dự án FDI
Nhiều nhà đầu tư có năng lực về tài chính trong nước tích cực nghiên cứu đầu tư vào tỉnh, như: Công ty cổ phần (CP) Tập đoàn T&T, Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, tập đoàn TMS, Phúc Lộc, Xuân Trường… So với khoảng những năm 2005 – 2006, khu đô thị mới tại Thái Nguyên chỉ là 2 con số thì nay đã vượt lên 3 con số với rất nhiều dự án "khủng".
Chia sẻ về về vấn đề thu hút đầu tư và ưu thế của Thái Nguyên , ông Vũ Văn Trường - CTHĐQT - TGĐ Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thiên Lộc cho biết: “Chúng tôi rất yên tâm khi lựa chọn Thái Nguyên làm “điểm đến” đầu tư. Bởi bên cạnh những chính sách ưu đãi, linh hoạt, cầu thị của lãnh đạo địa phương dành cho nhà đầu tư thì Thái Nguyên có rất nhiều tiềm năng sẵn có như: điều kiện tự nhiên, giao thông thuận lợi, là trung tâm của khu vực Đông Bắc, cùng nhiều tiềm năng về khí hậu, khoáng sản, du lịch, giáo dục.... Thái Nguyên có đầy đủ yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa để trở thành một trong những vùng kinh tế phát triển.”
Được biết, hiện nay các dự án của Thiên Lộc ở Thái Nguyên đang được hoàn thành từng giai đoạn theo đúng kế hoạch tiến độ của các dự án: Sông Công 1, Sông Công 2, Sông Công 3, Mỏ Bạch 1, Mỏ Bạch 2,...; Dự án Sông Công 1 đã hoàn thiện hơn 80% của dự án và đang triển khai hoàn thiện nốt những hạng mục còn lại trong tháng 7/2020.
Đây là những dự án được giới đầu tư đang săn đón bởi cơ sở pháp lý đầy đủ cũng như khả năng sinh lời đảm bảo. Ngoài việc sở hữu nhiều ưu thế như gần trường học, bệnh viện, công viên, trung tâm thể thao sân vận động, hồ điều hòa…
Về xu hướng thu hút đầu tư trong thời gian tới, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh sẽ tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhằm tạo lập môi trường kinh doanh thân thiện, thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn; tạo động lực, sự đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh. Đối với các dự án đang triển khai theo kế hoạch, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền cấp huyện làm việc trực tiếp với nhà đầu tư để thống nhất những nội dung liên quan về trách nhiệm, thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai.”
Thu Hà