Trước đó, nữ bệnh nhân P.T.H. (30 tuổi, ngụ tại Ninh Thuận) từng đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không chẩn đoán được nguyên nhân và triệu chứng không thuyên giảm.
Ngày 8/10, bác sĩ chuyên khoa II Lê Vi Anh, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM, cho biết qua thăm khám và kiểm tra, bệnh nhân được chẩn đoán ban đầu là u hạt viêm đa mạch vùng mũi.
Chị H. đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật nạo vét mô viêm, sưng nề khối u hốc mũi trái. Nghi ngờ bệnh nhân bị nhiễm một loại nấm, bác sĩ chỉ định cho chị làm sinh thiết mô viêm, kết quả phát hiện bệnh nhân nhiễm nấm mốc đen.
Nấm mốc còn xâm lấn sâu vào hốc mắt trái của bệnh nhân khiến tình trạng trở nên vô cùng nguy kịch. Nếu không can thiệp ngay, tính mạng của cả hai mẹ con sẽ gặp nguy hiểm.
Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa, các bác sĩ quyết định chờ thai nhi tròn 30 tuần tuổi lập tức mổ lấy thai và nuôi em bé trong lồng kính. Sau đó, các bác sĩ phẫu thuật nạo bỏ hết u mô hạt trong mũi cho chị H. Bác sĩ phải loại bỏ luôn mắt bên trái của bệnh nhân đã bị tổn thương nặng nề mới có thể xử lý triệt để loại nấm mốc này. Người bệnh sau đó tiếp tục được theo dõi và điều trị trong khoảng 6 tháng để hồi phục hoàn toàn.
Nấm đen hay còn gọi là Mucormycosis, là bệnh nhiễm trùng hiếm gặp nhưng nguy hiểm do nhóm nấm mốc có tên Mucormycetes gây ra. Những nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh nấm đen là người từng mắc Covid-19; người mắc bệnh đái tháo đường type 2, đặc biệt là có tình trạng nhiễm toan ceton; người mắc bệnh ung thư, cấy ghép tạng, cấy ghép tế bào, sử dụng Corticosteroid kéo dài; người có tình trạng suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV; người bị chấn thương da do phẫu thuật, bỏng; trẻ sinh non, nhẹ cân và suy dinh dưỡng.
Bệnh nấm đen gây ra 5 dạng bệnh như sau:
- Nhiễm trùng xoang và não: Nhóm nguy cơ cao dễ nhiễm nấm nhất là bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát, người ghép thận.
Các dấu hiệu của dạng bệnh này như sốt, đau đầu, đau xoang hoặc nghẹt mũi; sưng mặt một bên; tổn thương màu đen ở phía trên bên trong miệng hoặc trên sống mũi.
- Viêm phổi với các dấu hiệu: Khó thở hoặc thở gấp; tức ngực; sốt cao trên 38 độ C, ho ra máu.
- Nhiễm trùng da và niêm mạc: Thường gặp ở người không bị suy giảm miễn dịch với các dấu hiệu đau vùng mặt, sau đó xuất hiện một nốt phỏng trên da, dần dẫn tới loét da hoặc nhiễm trùng da.
Sau đó, nấm xâm lấn vào mũi xoang, quanh gò má, giữa mắt và môi. Lâu dần tổn thương da bị nhiễm bệnh chuyển sang màu đen, sưng tấy, hoại tử.
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Thường ở trẻ em, đặc biệt trẻ sinh non và nhẹ cân dưới một tháng tuổi với các dấu hiệu: buồn nôn và nôn, đau bụng hoặc đau dạ dày, xuất huyết dạ dày.
- Nhiễm nấm đen Nucormycosis lan tỏa: Bệnh thường xảy ra ở những bệnh nhân đã mắc bệnh mạn tính.
Nhiễm trùng lan tỏa thường ảnh hưởng nhất đến não, hệ thần kinh trung ương gây tình trạng như hôn mê hoặc rối loạn ý thức.
Các dấu hiệu có thể gặp là sưng mí mắt dưới hoặc trên (hoặc cả hai), chảy mủ ra khỏi mắt; tê liệt các cơ mí mắt, bệnh diễn tiến nặng hoặc kéo dài, toàn thân suy sụp.
Đối phó với nấm mốc đen vô cùng phức tạp, nhiều bệnh nhân phải hứng chịu những biến chứng nặng nề do không thể dùng thuốc điều trị bảo tồn như đối với những loại nấm khác.
Ở những loại nấm khác, bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc theo đường uống hoặc tiêm là đạt được hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, đối với nấm mốc đen, chỉ dùng thuốc thì chưa đủ bởi thuốc không thể ngấm sâu vào trong các mô bị viêm, nhân của khối u hạt. Bệnh nhân phải được can thiệp phẫu thuật, nạo vét các mô tổn thương mới xử lý triệt để loại nấm này. Điều đó cho thấy, dù có điều trị khỏi, bệnh nhân nhiễm nấm mốc đen vẫn phải hứng chịu những di chứng gây tổn hại sức khỏe, không thể lành lặn như trước đó.
Minh Hoa (t/h)