Thâm nhập lãnh địa vàng ở Nam Trà My

Thứ 6, 28/12/2012 00:04

Trong đêm Mùng Một, giữa cái lạnh và hơi thở giận dữ của núi rừng Nam Trà My (Quảng Nam), họ ngồi sát lại bên nhau, lầm rầm cầu khấn một ngày bình yên, ổn định, được về đoàn tụ bên gia đình.

Cách không xa, mâm cúng cho cô hồn, thần núi và những phu vàng không may bỏ mình ở những mỏ vàng nơi rừng thiêng nước độc này vẫn nghi ngút khói hương. Ngồi bên họ, được nghe kể những câu chuyện về làm vàng, chuyện về đời vàng, chợt thấy xót xa. Họ từ những miền đất khác, thậm chí ở rất xa, về đây với hy vọng đổi đời. Nhưng đâu dễ như vậy.

Chúng tôi gặp họ tại bãi vàng nằm sâu trong núi của Nam Trà My, tồn tại gần như cô lập giữa vùng núi, nên những phu vàng trở nên hoạt bát, chân tình và trút cả nỗi lòng khi có người dưới xuôi lên, khi được sẻ chia và được nghe những thông tin từ bên ngoài bãi vàng.

Theo lời của người cao tuổi nhất thì ngoại trừ những tình huống khẩn cấp, khoảng hơn nửa tháng họ mới cử người ra ngoài mua các thức cần thiết. Còn thường ngày, cứ hết làm thay ca nhau, tối lại về làm vài ly rượu, ăn vài thứ qua loa gì đó rồi ngủ.

Lá lốt, cải tàu bay ở đại ngàn Trường Sơn này không thiếu. Đó là thức ăn để những con người mưu sinh bằng nghiệp phu vàng này tồn tại và hy vọng vào một ngày mai sáng sủa hơn. Chỉ có gạo và mỳ tôm cùng các gia vị khác như nước mắm, vị tinh, muối. v…v. là phải mua từ cách đó khoảng hơn 20 km rồi chở vào lâu lâu một đợt. Họ cũng nuôi vài con gà để cải thiện cuộc sống.

Không có sóng điện thoại, điện từ một tua bin nhỏ tự phát chỉ đủ sáng một cái bóng con con nên hầu như sinh hoạt ban đêm sau bữa ăn chỉ là nói chuyện phiếm, trao đổi công việc trong ngày rồi thôi. May mà có chúng tôi, câu chuyện dài hơn ra một chút. Sáu người tranh nhau kể về chuyện làm vàng cho khách nghe. Chen giữa câu chuyện, họ tranh thủ bày mâm lễ vật hương đèn tiền giấy hoa quả ra cúng vì đêm nay là Mùng Một.

Trong cái oai linh hùng vĩ của rừng núi đêm, những ngày này lại càng linh thiêng và ý nghĩa với họ. Cả sáu người đều quê ở Tam Kỳ và huyện Phú Ninh. Là nông dân nhưng rồi ruộng đất hoặc trúng vào diện giải tỏa đền bù hoặc ngày càng kém năng suất bởi sâu bệnh, dịch hại, nghề nghiệp mới không có, những người đàn ông mang nặng trên vai gánh gia đình này đã lên bãi vàng để tìm một đường mưu sinh mới. Trầy trật qua ngày, bữa đói bữa no, đôi lúc họ đã nghĩ đến chuyện quay về nhưng rồi lại động viên nhau bằng cụm từ quen thuộc "biết đâu...".

Anh Toàn, một trong 6 người phu vàng, cho biết do máy móc thiết bị của chủ bãi vàng này gần như hỏng, làm việc rất tốn sức và tốn thời gian. Nhưng được cái chủ bãi này trước kia cũng là một phu vàng nên sống và đối xử với anh em làm thuê khá tử tế.

Anh Toàn bảo ở đây nhiều bãi chủ vàng rất nghiệt, lại tính toán với anh em làm thuê từng li từng tí. Làm đã khổ, họ còn kiểm tra từng li từng tí xem có giấu vàng làm được đem riêng về không. Nhiều lúc bực mình nhưng biết làm sao được. Ai bảo mình chọn nghiệp phu vàng làm chi!

Khi tôi hỏi mỗi tháng thu nhập của mỗi người là bao nhiêu, họ lặng yên, kẻ mỉm cười, người thì trầm tư nhìn ra màn đêm núi rừng đang vây phủ. Người cao tuổi nhất trong nhóm phu vàng chuyển chủ đề: "ăn lộc của rừng không dễ đâu mấy chú à. Đêm ni là Mùng Một, tôi lại nhớ về những anh em đã từng bỏ mạng tại mảnh đất Trà My ni...".

Ông kể về cuộc đời hơn 20 năm làm vàng ở Trà My xưa, giờ tách thành Nam Trà My và Bắc Trà My. Hầu như ông đã đi qua các điểm vàng ở đây, từng làm việc cho nhiều chủ mỏ và cũng đã chứng kiến nhiều cái chết của anh em cùng chung một nghiệp. Dân làm vàng có người tận ngoài Thái Nguyên, Nam Định, Hòa Bình vào; cũng có nhiều người trong Nam ra. Bởi thế, thổ nhưỡng và khí hậu nhiều khi đã không hợp rồi.

Ông bảo có nhiều người lên, ăn uống theo kiểu núi rừng, nước thiêng khí độc lặn vào người, không bao lâu là đổ bệnh. Mà đổ bệnh trên những ngọn núi này thì chỉ có trông chờ vào may rủi mà thôi. Khiêng cho đến trạm xá thì cũng phải mất mấy ngày đường. Mà ai khiêng? Anh em cùng làm có thương lắm cũng động viên, cũng đút cho miếng cháo, ưu tiên phần cơm của mình chứ bảo khiêng xuống bệnh xá thì đành xin lỗi. Cứ như vậy, không biết bao nhiêu mạng người đã bỏ xuống từng ngọn núi, từng dòng nước nơi đây.

Giờ, đường sá tốt hơn, phương tiện hiện đại hơn nhưng lâu lâu vẫn có người gặp sự cố. Những người còn lại chỉ biết ngày rằm, Mùng Một thắp nén hương, hoa quả giấy tiền cúng lễ, mong vong linh các phu vàng không may về phù hộ, giúp đỡ.

Trong câu chuyện được nghe, thú vị nhất là cách "đi tăm" của những phu vàng. Đó là một cách dùng công cụ thủ công để dò biết được ngọn núi nào, sườn bên nào nhiều vàng, ít vàng. Những người ở đây cho biết tài nhất vẫn là những tay "đi tăm" có nguồn gốc Bắc bộ mà tiêu biểu là dân Thái Nguyên.

Mỗi trái núi, họ chia vài người "đi tăm", sau đó đánh dấu những điểm trọng yếu cho chủ mỏ tiến hành khai thác. Chỉ bằng cách nhận diện chất đất, đôi lúc là cây cỏ xung quanh, những người này góp một phần không nhỏ trong việc định hướng và xác định lõm của mỗi mỏ vàng.

Đêm rừng Nam Trà My như lạnh hơn khi chúng tôi cùng những người phu vàng nơi đây kết thúc cuộc chuyện trò thân mật. Nằm thao thức, tôi cứ tưởng tượng ra những phu càng xấu số đang lang bạt ngoài kia, cách chúng tôi không xa. Họ chắc còn vương vấn với nơi đây lắm. Có người đem được xác về, cũng có người biệt tăm biệt dạng. Cha mẹ, vợ con họ cho đến giờ chắc vẫn còn mòn mỏi ngóng trông.

Trong cuộc mưu sinh đầy may rủi này, họ là cái giá phải trả cho những gì mà vàng của núi rừng đã bị sự tham lam của con người lấy đi. Một cái giá không hề rẻ và sẽ còn tiếp tục cho đến tiếp tiếp những người đi sau chung nghiệp phu vàng. Bởi từng ngày, từng đêm, vì mưu sinh và cũng vì lòng tham, núi rừng đã bị họ đào xới, lật tung lên, làm cho nhiễm độc bởi các chất hóa học mà chủ yếu là cyanua. Những vết thương của đại ngàn Trường Sơn cứ lở loét dần ra dưới bàn tay của con người. Cái giá đổi lại sẽ còn rất đắt.

Sáng ra, chia tay với sáu người ở bãi vàng, chúng tôi xuôi về phía huyện Bắc Trà My khi chiếc xe máy đã gần cạn xăng và yếu đi nhiều sau những va đập, lên xuống trong cuộc hành trình quá vất vả. Để xe tại một tiệm sửa chữa ở xã Trà Đốc, chúng tôi đi bộ dọc theo con sông Tranh giờ dòng đã cạn. Lòng sông bị đào xới, lật tung lên sau những cuộc khai thác vàng kể cả quy mô lớn và nhỏ lẻ, kể cả nhà nước và tư nhân. Tất cả giờ chỉ còn là những đống đá và những hố sâu.

Nhưng con sông vẫn phải gồng mình lên chịu đựng tiếp khi trên chưa đầy 3 km, chúng tôi đếm được khoảng 20 điểm đào đãi vàng trái phép của hàng trăm con người cả dân bản địa và dân nơi khác tới. Làm vàng nơi đây dễ hơn, thu nhập cũng ít hơn và cũng thường bị công an truy đuổi hơn. Nhưng hàng trăm con người vẫn bám trụ trên một khúc sông với nghiệp phu vàng, với nỗi mưu sinh và với cả lòng tham không đáy với sông Tranh.

Nguyễn Thành Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.