Bàn về câu chuyện tham nhũng, nhiều ý kiến cho rằng, mua sắm công có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, là chìa khóa để phân phối hàng hóa và dịch vụ quan trọng cho xã hội, trong phát triển các lĩnh vực chủ chốt. Tuy nhiên, mua sắm công lại là một trong những lĩnh vực nhiều nguy cơ tham nhũng nhất. Theo tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, số tiền thất thoát do tham nhũng trong lĩnh vực mua sắm công hàng năm là khoảng 2.000 tỷ USD trên phạm vi toàn cầu.
Mặc dù trong thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu, mua sắm công ngày càng hoàn thiện, nhưng các hiện tượng tiêu cực trong mua sắm công như tham nhũng, hối lộ, gian lận…có những diễn biến rất phức tạp. Thực tế này đòi hỏi đội ngũ những người làm trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần không ngừng nâng cao năng lực phòng ngừa, phát hiện và xử lý các trường hợp tham nhũng, gian lận trong đấu thầu, mua sắm công.
Thời gian gần đây, dư luận phẫn nộ trước vụ nâng khống giá thiết bị y tế ở bệnh viện Bạch Mai, nhiều chuyên gia mổ xẻ là một dạng tham nhũng siêu tinh vi, tham nhũng chính sách. Giới chuyên gia cho rằng, nên có quy định điều kiện của nhà thầu trang thiết bị y tế tham dự thầu, nhằm tránh tình trạng mua bán lòng vòng và siết kẽ hở đẩy giá như một số trường hợp đã xảy ra thời gian qua và đảm bảo hiệu quả sử dụng, hiệu quả đầu tư các trang thiết bị y tế.
“Khi những người đứng đầu bệnh viện không vượt qua được cám dỗ, vì tư lợi móc ngoặc với các doanh nghiệp nâng khống giá trang thiết bị thì chắc hẳn sẽ không chỉ dừng lại chỉ ở bệnh viện Bạch Mai mà còn ở nhiều nơi khác. Trục lợi từ chính sách đấu thầu tạo ra sự méo mó, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến độc quyền gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân”, 1 chuyên gia lên tiếng.
Các chuyên gia nhận định, tham nhũng chính sách được đặt ra trong trường hợp một bộ phận xã hội, phổ biến nhất là các nhà đầu cơ, mưu cầu lợi ích riêng cho mình hoặc lợi ích nhóm bằng cách móc nối với những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền lợi dụng "kẽ hở" chính sách để trục lợi. Theo đó, để phòng chống tham nhũng phải kiểm soát quyền lực, sau đó xử lý tận gốc tham nhũng chính sách.
Theo tìm hiểu của PV, bệnh viện Bạch Mai tự chủ toàn bộ theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 của Chính phủ. Nhưng trong báo cáo thường kỳ, bệnh viện chỉ báo cáo những vấn đề khác mà không đề cập vấn đề xã hội hóa thiết bị y tế. Chỉ đến khi kiểm toán vào cuộc mới phát hiện ra những sai phạm về nâng khống giá thiết bị y tế như dư luận đang quan tâm. Việc xã hội hóa y tế sẽ xảy ra nhiều vấn đề lạm dụng liên quan đến đầu tư, phân chia lợi nhuận, giá thành…
Luật sư Nguyễn Thế Truyền, công ty luật hợp danh Thiên Thanh nhận định: “Thực tế đó cho thấy những lỗ hổng trong liên doanh liên kết bệnh viện với các công ty và công tác đấu thầu, đấu giá thiết bị y tế hiện nay có vấn đề. Thứ nhất là tạo ra sự lạm quyền trong chính các bệnh viện vì dịch vụ nào cần liên kết, cần xã hội hóa thì lại do chính bệnh viện xác định. Thứ hai, việc thẩm định giá, đấu thầu và các quy định trong hành lang pháp lý của chúng ta còn nhiều lỗ hổng. Nếu các công ty thẩm định giá hoặc các bệnh viện, cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, đảm bảo tính liêm chính cao nhất thì tôi tin sẽ không có trường hợp bị đẩy giá lên đến 5 lần một cách vô lý như vậy. Điều đó cho thấy, chúng ta đang thiếu sự minh bạch trong việc vận hành, quản lý”.
Trao đổi với PV, đại diện Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành III đánh giá: “Việc quản lý tài sản, trang thiết bị tại một số bệnh viện chưa thực sự tốt, trong đó nổi lên là tình trạng xác định tỉ lệ phân chia lợi nhuận giữa bệnh viện và đối tác liên kết không đầy đủ cơ sở, chưa tính đủ chi phí thực tế phát sinh; giá dịch vụ y tế theo máy liên kết thu cao, thời gian thu hồi vốn nhanh đem lại lợi ích cho nhà đầu tư nhưng làm ảnh hưởng đến lợi ích của người bệnh”.
Theo ĐBQH Nguyễn Mai Bộ- Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng-An ninh cho rằng, để công tác phòng chống tham nhũng thực sự được thực hiện rộng khắp, chúng ta cần thực hiện đồng bộ 4 giải pháp: Thứ nhất, chúng ta cần thực hiện tốt hơn công tác quản lý cán bộ, đảng viên và tăng cường kiểm tra, giám sát những người có dấu hiệu vi phạm; Thứ hai, để thực hiện được việc giám sát và phòng chống tham nhũng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, nhân dân địa phương cần tăng cường trách nhiệm giám sát cán bộ, đảng viên; Thứ ba, phải đẩy nhanh quản lý giao dịch liên quan đến tài chính không bằng tiền mặt mà phải qua tài khoản. Việc tăng cường giám sát giao dịch thông qua tài khoản ngân hàng cũng sẽ biết được dòng tiền được chuyển-nhận đi đâu; Thứ tư, phải thực hiện tốt nghiêm túc chế độ giải trình tài sản của cán bộ, đảng viên và cán bộ ở cơ quan, tổ chức. Thứ năm là phải thực hiện công khai minh bạch chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức.
H.Lan