Khi nói về Hamburg tôi cũng phải nhắc đến một ngày xưa cũ vào năm 2006. Ngày hôm đấy nhiệt độ lên đến 38,5°C. Trong bóng râm. Tại Hamburg. Thành phố Hamburg vốn không nổi tiếng là trụ sở chính của thời tiết đẹp, nhưng vào ngày hôm đấy người ta không còn kể chuyện đùa về những dãy sương mù hạ thấp xuống thành phố trung bình 52 ngày trong một năm và trong những ngôi nhà cổ ở dưới khu phố Övelgönne người ta có thể nghe được âm thứ xa xôi của tiếng còi cảnh báo sương mù trong khi cơn mưa nhỏ đang quất chéo những hạt nước lên cửa sổ.
Tòa đô chính Hamburg. Ảnh: DDP.
Vào ngày đấy những người còn chưa biết đến đã khám phá Hamburg còn có thể là những gì nữa: Rio de Janeiro. Saint-Tropez. Ibiza. Sa mạc Sahara. Địa Trung Hải. Tôi nói thật đấy. Những ai đã ngồi cạnh sông Elbe dưới nhiệt độ như thế sẽ hiểu tôi muốn nói gì. Vì bờ sông Elbe có một không hai. Nó thật ra là trái tim của thành phố.
Tôi đã sống một thời gian dài tại Munich và Berlin. Vào những ngày mùa hè nóng nực, tôi đã ngồi cạnh sông Eisbach thơ mộng, ở bờ có nhiều sỏi của sông Isar, cạnh sông Spree màu nâu chảy đi chậm chạp. Nhưng không được. Không giống như vậy.
Bờ sông Elbe ở Hamburg. Ảnh: DPA.
Có lẽ vì sông Elbe lớn hơn nhiều và biển Bắc ở gần hơn. Có lẽ vì sông Elbe chia cắt hai thế giới hoàn toàn khác nhau hay mang chúng lại gần với nhau, tùy theo cách nhìn – phía nam của Hamburg với những cái được gọi là khu phố có nhiều vấn đề và những dãy nhà ở cho thuê có màu đỏ giống như doanh trại quân đội, và sườn đồi sang trọng cạnh sông Elbe có đường rải sỏi cho xe chạy lên và khu phố cạnh sông Alster màu xanh trắng. Cựu giám đốc Sở Xây dựng Hamburg, ông Egbert Kossak, thường hay gọi những khu phố mới, được quy hoạch ở cạnh sông Elbe là một "chuỗi ngọc". Nếu con đường Elbchaussee mà chuỗi ngọc nằm quanh đó là cái cổ của Hamburg thì, nhìn theo giải phẩu học, Wilhelmsburg, Veddel và cảng công nghiệp là bụng của Hamburg, và xin mạn phép mà nói rằng: Chúng là cái bụng bia của thành phố.
Cái đẹp nằm trong những tương phản
Từ đó, từ bờ nam sông Elbe, những tiếng ồn hoang dại nhất ập về đây, tàu được dỡ hàng, container được mang xuống, cần cẩu màu xanh với cánh tay đỏ kêu thét trên đường ray của chúng. Cứ vài phút là lại nghe những con nhện thép khổng lồ rít lên và tiếng vang như sấm của những container rỗng được đặt mạnh xuống đất. Ở bên đó người ta đang làm việc, ở bên đó những chiếc tàu Hanjin khổng lồ từ Hàn Quốc đang được bốc dỡ hàng, ở bên đó toàn cầu hóa đang ồn ào, nhưng chúng tôi đang ngồi ở đây như trên một hòn đảo, cứ như thế giới thật đang ở cách xa lắm.
Cảng công nghiệp Hamburg. Ảnh: Reuters.
Khi đang ngồi trên bờ cát mịn của sông Elbe và nhìn về hướng cảng, người ta có cảm giác như đã bỏ lại được ở phía sau một cuộc chạy trốn thành công. Cát mềm mại, ánh sáng cứng rắn, gió đến từ biển, thế giới cạnh sông Elbe lớn hơn ở cạnh sông Spree và Isar. Tàu trên sông Elbe chạy ngang qua, to như Lâu đài Berlin, những bức tường bằng sắt cao như cả một ngôi nhà. Trong khoảng khắc, bờ sông tối đi thấy rõ, người ta nghe được tiếng ầm ầm của những động cơ Diesel to lớn đang vang lên từ sâu trong thân hình bằng sắt, sóng đập vào bờ khi con tàu đã đi ngang qua, như của một cơn sóng thần nhỏ.
Từ văn phòng ra đến bờ sông
Vẻ đẹp của Hamburg không phải là những ngôi biệt thự có màu trắng rực rỡ ở Harvestehude, hay ánh sáng óng ánh của sông Alster – vẻ đẹp của Hamburg nằm trong sự gần gủi của các tương phản tuyệt đối. 15 phút ô tô – không cần nhiều hơn thế để đi từ thế giới này sang thế giới khác: Từ Quảng trường Klosterstern sang trọng đến khu phố Schanze; từ quán rượu sang trọng trong khách sạn Atlantic đến các quán nhậu phế thải của giới công nhân trong Wilhelmsburg – hay cũng là từ văn phòng làm việc ra bờ sông. Trong giờ nghỉ trưa có thể lái xe ra quán "Strandperle" ở khu phố Övelgönne, nằm nửa giờ trên cát, và rồi lại trở về văn phòng, rám nắng hơn một tí, cát vẫn còn trong tóc.
Biệt thự cạnh sông Alster. Ảnh: Reuters.
Có lẽ đó chính là cái làm cho người Hamburg thanh thản như thế: biết rằng cuộc sống khác lúc nào cũng có thể có được. Họ không phải đi nơi khác, cả thế giới đang ở đây. Những đụn cát Boberg là sa mạc Sahara, cát ở dưới khu Blankenese đẹp hơn ở phần lớn bãi biển của Ibiza, và ở dãy đồi mang tên Harburger Berge, khi tôi sống ở đó, còn có cả cáp treo cho người trượt tuyết nữa. Và nếu người ta hỏi tôi rằng ăn ở đâu ngon nhất trong Hamburg và giá bao nhiêu, thì tôi sẽ luôn luôn trả lời rằng: Trước quán "Strandperle", nhìn ra cảng, bánh mì với cá trích muối giá 4,50 euro và một ly bia 2,80 euro.
Quán "Strandperle" có lẽ là thí dụ tốt nhất để mô tả Hamburg – không phải chỉ là của giới nhà giàu, chỉ có thể vào được với khăn quàn cổ Hermès, áo khoác Barbour và xe Jaguar màu xanh đậm như nhiều người hay khẳng định, mà là một không tưởng phi giai cấp. Tất cả đều gặp nhau đấy, ở bờ sông tại Övelgönne: luật sư, dân bụi đời, sinh viên từ Altona, triệu phú từ những khu phố ngoại ô cạnh sông Elbe, Hamburg trắng và Hamburg đỏ.
Bờ sông Elbe ở Övelgönne. Ảnh: Wikipedia.
Hamburg chẳng phải là một thành phố mà là một cách sống
Hamburg trắng, đó là Hamburg của những ngôi biệt thự trắng sáng cạnh sông Alster, Hamburg của những thuyền buồm của người giàu có, Hamburg, nơi mẹ vợ dùng ngôi lịch sự để xưng hô với con rể tuy là gọi bằng tên – "Bernd-Carsten, ANH đưa hộ tôi lọ mứt cam", tất nhiên là loại có vị đắng của Anh. Đó là cái được gọi là Hamburg quý phái màu trắng, nơi người Anh, người Munich, người lái xe Jaguar cảm thấy thoải mái dễ chịu.
Và rồi còn có cái được gọi là Hamburg đỏ – Hamburg nổi loạn, vô sản, về chính trị tin tưởng vững chắc vào dân chủ xã hội. Những khu phố công nhân của Barmbek, Wilhelmsburg và Horn, của cảng công nghiệp đầy dầu mỡ, Hamburg mà nhạc sĩ Lotto King Karl hát ca ngợi. Lotto là một cái gì đó tựa như tinh thần của Hamburg đỏ, vô sản, "ca sĩ trưởng" của dân uống bia Astra, và từ khi gần như mỗi lần trước khi đội bóng đá HSV thi đấu anh đều hát bản "quốc ca" không chính thức của thành phố Hamburg, meine Perle ("Hamburg, hòn ngọc của tôi") thì Lotto cũng đã trở thành huyền thoại, ít nhất là như diễn viên, ca sĩ Hans Albers ở thời của ông.
Hoàng hôn trên sông Elbe ở Övelgönne. Ảnh: DPA.
Và cái đẹp là ở chỗ Hamburg đỏ và Hamburg trắng nằm sát cạnh nhau như thế; chúng không phải là một mâu thuẫn. Cả hai đều biết rõ tiếng ồn ào của cảng, tiếng rít róng của cần cẩu mà về đêm người ta vẫn còn nghe thấy khi nằm trên giường ngủ, khi sương mù trên sông kéo về cho đến dưới cây đèn đường của khu phố Altona.
Hamburg trước tiên không phải là một thành phố mà là một lối sống, và muốn hiểu điều đó người ta chỉ cần một lần ngồi cạnh sông Elbe ở Övelgönne vào một ngày đẹp trời.
Phan Ba