Dù là nhân vật chính của Tây Du Ký, sở hữu 72 phép thần thông nhưng Tôn Ngộ Không lại không phải người mạnh nhất. Trong phim, ngoài những nhân vật đứng đầu như Phật Tổ, Quan Âm Bồ Tát thì còn có những người sở hữu pháp lực vượt trội hơn đại đồ đệ của Đường Tăng. Một trong số đó là thị nữ kề cận bên Quan Âm Bồ Tát.
Nhân vật này xuất hiện trong tập phim Ngộ Không phá cây nhân sâm của Trấn Nguyên đại tiên. Nghe nói nước cam lồ đựng trong bình ngọc thanh tịnh của Quan Âm Bồ Tát có thể giúp cây hồi sinh nên họ Tôn đã lập tức đi cầu cứu người. Bồ Tát lập tức ném bình ngọc cam lồ xuống nước rồi yêu cầu Ngộ Không đi lấy cho mình. Thế nhưng dù có vắt kiệt sức thì Ngộ Không cũng không thể mang được chiếc bình lên. Cuối cùng, Bồ Tát đã sai thị nữ của mình xuống lấy và cô gái này đã không tốn chút sức lực nào để mang bảo bối của Bồ Tát lên.
Rốt cuộc thị nữ có pháp lực cao cường hơn Tôn Ngộ Không này là ai? Được biết, Long Nữ là con gái út của Sa Kha Long Vương, là một trong những nhân vật nổi bật của Phật giáo. Sa Kha Long Vương là một trong hai mươi vị Thiên Hộ Pháp của Phật giáo, cai quản toàn bộ biển mặn, quyền lực vượt xa nhiều nhân vật trong Tây Du Ký.
Long Nữ khi mới tám tuổi đã chứng đắc được Đà La Ni sau khi nghe Phật Đà thuyết giảng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Việc "chứng đắc Đà La Ni" ở đây có thể được hiểu là Long Nữ đã nắm giữ và hiểu thấu các chân lý của Phật pháp thông qua sự giác ngộ đột ngột. Đà La Ni không chỉ là sự thuộc lòng một bài thần chú mà là sự thấu hiểu sâu sắc và khả năng vận dụng trí tuệ để giúp ích cho bản thân và chúng sinh.
Khả năng này khiến nhiều người không tin và nghi ngờ vì tuổi của nàng quá nhỏ. Để chứng minh trí tuệ và pháp lực của mình, Long Nữ biến hóa thành nam giới và thuyết pháp, khiến mọi người khâm phục và tin tưởng.
Quan Âm Bồ Tát nhận thấy tài năng và sự hiểu biết vượt trội của Long Nữ nên đã thu nhận nàng làm đồ đệ, cùng với Hồng Hài Nhi tạo thành đôi "Kim Đồng Ngọc Nữ" nổi tiếng. Long Nữ cùng với Hồng Hài Nhi, luôn bên cạnh Quan Âm, không chỉ giúp Quan Âm trong việc truyền pháp mà còn tham gia cứu giúp chúng sinh, chữa bệnh, và mang lại sự an lạc cho mọi người.
Nói thêm về lý do Tôn Ngộ Không "yếu thế" so với Long Nữ, đầu tiên là vì Tôn Ngộ Không khi chưa thành Phật nên pháp thuật chưa đạt đến độ cao như của Long Nữ. Thứ hai, bình ngọc cam lồ vốn là thứ quý giá, thuần khiết nhất trong thiên hạ nên nếu tâm chưa tịnh, đức chưa đủ thì không thể nào nhấc được chiếc bình này lên. Long Nữ từ nhỏ đã giác ngộ Phật pháp, lại theo hầu Quan Âm Bồ Tát nhiều năm nên xét về phương diện nào cũng "ăn đứt" Tôn Ngộ Không.
Lâm Lâm (t/h)