Cụ thể, ngày 10/5, huyện Phúc Thọ sẽ đấu giá 6 thửa đất thuộc khu Gạc Chợ, xã Tam Hiệp. Các thửa đất có diện tích từ hơn 77 đến khoảng 153 m2. Trong đó, lô 77,2 m2 và 88,3 m2 có giá khởi điểm cao nhất - từ 75,4 triệu đồng một m2, tương đương từ 5,8 tỷ và 6,6 tỷ mỗi lô. 4 lô còn lại diện tích hơn 100 m2 có đơn giá khởi điểm thấp hơn từ 66,7 triệu đồng mỗi m2.
Sau đó vài ngày, huyện Hoài Đức cũng đấu giá 34 thửa đất tại khu Mả Trâu, thôn Đồng Nhân, xã Đông La. Các lô đất này rộng 100-112 m2, với giá khởi điểm tương ứng từ khoảng 57 đến 62 triệu đồng mỗi m2.
Huyện Chương Mỹ tổ chức đấu giá đất trong tháng 5, giá khởi điểm cao nhất - từ 75,4 triệu đồng một m2, tương đương từ 5,8 tỷ và 6,6 tỷ mỗi lô
Tại huyện Chương Mỹ, 51 thửa đất của 7 dự án ở các thị trấn, thị xã Chúc Sơn, Văn Võ, Thượng Vực, Hữu Văn, Nam Phương Tiến sẽ được đấu giá với mức khởi điểm từ 5,6 đến 44,2 triệu đồng một m2. Các thửa đất có diện tích từ 77,9 đến hơn 200 m2.
Trong đó, lô lớn nhất có diện tích hơn 208 m2 ở khu Mái Sau, thông Quyết Tiến, xã Hữu Văn có giá khởi điểm từ 4,5 tỷ đồng, tương đương 21,8 triệu một m2.
Tại Sóc Sơn, địa phương này cũng vừa ra thông báo đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở đối với 18 thửa đất tại khu đất đấu giá quyền sử dụng đất số 1 thôn Hương Đình, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Các thửa đất được đấu giá có diện tích từ 95 m2/thửa đến 140 m2/thửa với mức giá khởi điểm từ 27 triệu đồng/m2 đến 31,8 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát, giá đất tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn có vị trí thuận lợi, nằm giữa lõi khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn. Cách Thị trấn Sóc Sơn 2 km, cách sân Bay Nội Bài 5 km được rao bán với mức giá 28 triệu đồng/m2.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, mức giá khởi điểm để đấu giá như vậy là quá cao
Anh Lê Văn Minh, một nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, mức giá khởi điểm để đấu giá lần này khá cao. Mức giá quá cao làm tăng chi phí đền bù dự án, tăng chi phí thuê mặt bằng,... đẩy giá cả mọi thứ lên cao lên.
“Nếu là dân bản địa ở địa phương thì đa phần họ không thiếu đất ở từ trước, còn dân nơi khác thì rất ít khi họ lựa chọn mua để ở vì còn khá xa trung tâm lớn. Nếu mức giá quá cao, sau khi mua đi bán lại thì giá giao dịch trên thị trường sẽ còn tăng nữa”... anh Minh nói thêm.
Từ đầu năm đến nay, các huyện ven Hà Nội đua đấu giá đất khi nhu cầu trên thị trường địa ốc dần phục hồi. Cả năm ngoái, khoản thu từ sử dụng đất của thành phố chỉ khoảng 14.650 tỷ đồng bằng 86% dự toán. Lãnh đạo thành phố cho rằng việc đấu giá gặp khó khăn do thị trường địa ốc trầm lắng, cũng như còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đầu tư, giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, thời gian qua, các phiên đấu giá đất tại Hà Nội hầu hết đều thu hút sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Hồi cuối tháng 2, 33 thửa đất tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh đều được đấu giá thành công, trong đó có lô cao gấp đôi giá khởi điểm với hơn 60 triệu đồng một m2. Hay cuối tháng 3, huyện Mê Minh cũng đấu giá thành công 30 lô đất, trong đó, có lô đạt hơn 50 triệu đồng một m2, cao gần gấp đôi giá khởi điểm.
Báo cáo quý I/2024 của Batdongsan.com.vn cho thấy thị trường đất nền đã bắt đầu “rã băng”. Nhìn lại 2 quý cuối năm 2023, mức độ quan tâm đến đất nền đạt 44% lực cầu ở thời kỳ sốt nóng 2021. Sang quý 1/2024, chỉ số này đã tăng lên mức 48%.
Ở thị trường bất động sản miền Bắc, sau khi Luật Đất đai được thông qua, lượng tìm kiếm đất nền tại Hà Nội tăng 110%, nhu cầu tìm mua tăng mạnh ở một số huyện ngoại thành như Đông Anh, Long Biên, Hoài Đức với mức tăng 1,7 - 2 lần so với quý I/2023.
Tương tự, báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, quý đầu năm, nhiều khu vực ghi nhận lượng giao dịch đất nền tăng “đột biến”, nhất là những lô đất đã tách thửa. Không ít nhà đầu tư đã bắt đầu quá trình đi “săn” đất ở những khu vực ven các thành phố lớn, những địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao.
Về mức giá, báo cáo cho biết các thửa đất có giá dưới 2 tỷ đồng tại vùng ven, có pháp lý đảm bảo, hạ tầng tiện ích có sẵn cho thấy mức giá tăng tới 40%.
Quỳnh Chi