Lên đỉnh và tụt hạng
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), mục tiêu đánh giá và xếp hạng về chất lượng điều hành trong kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh của các tỉnh, thành tại Việt Nam.
Tại Thanh Hóa, từ khi bắt đầu được thực hiện năm 2006, chỉ số PCI của địa phương này đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, từ sụt giảm rồi thăng tiến và lại tụt dốc trong thời gian dài.
Theo bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2006, Thanh Hóa có xuất phát điểm khá thấp với 45,29 điểm, xếp vị trí thứ 55 trên bảng xếp hạng 63 tỉnh thành trong cả nước. Tới năm 2011, Chỉ số PCI của Thanh Hóa đã leo lên vị trí thứ 24 trong bảng xếp hạng với 60,62 điểm.
Trong giai đoạn này, một số chỉ số thành phần của PCI đã có sự phát triển tích cực như: chỉ số gia nhập thị trường tăng từ 7,83 lên 8,48 điểm; chi phí thời gian từ 4,73 lên 7,7 điểm; thiết chế pháp lý 3,53 lên mức 6,23 điểm. Đây cũng là 3 chỉ tiêu thành phần có mức tăng tốt nhất. Trong khi đó, một vài chỉ số thành phần khác ghi nhận sự tiến bộ trong giai đoạn nhưng vẫn ở mức thấp như: tính năng động tăng từ 3,11 lên 4,65 điểm; đào tạo lao động 3,73 lên 5,17 điểm; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tăng nhẹ từ 4,61 lên 4,87 điểm,...
Sang giai đoạn năm 2011 - 2013, đây là thời gian Thanh Hóa ghi nhận sự thăng tiến lớn trên bảng xếp hạng PCI khi từ thứ hạng 24 lọt nhóm 10 tỉnh thành có mức điểm cao nhất cả nước với vị trí thứ 8.
Trong đó, các chỉ số thành phần quan trọng như: chỉ số chi phí không chính thức, tính năng động của chính quyền tỉnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ghi nhận bước tiến lớn với mức tăng khoảng 1 điểm so với đầu giai đoạn, duy trì quanh mốc trung bình 6 điểm, đóng góp lớn vào chỉ số PCI của Thanh Hóa. Tuy nhiên, rất đáng tiếc khi cũng từ mức đỉnh này, PCI Thanh Hóa đã không còn duy trì được vị thế và đã liên tục tụt dốc trong nhiều năm sau đó.
Tính trong giai đoạn từ năm 2012 - 2022, chỉ số PCI Thanh Hóa tụt 39 bậc, từ vị trí thứ 8 xuống tới vị trí 47 trên bảng xếp hạng. Năm 2022, nhiều chỉ số thành phần trong PCI Thanh Hóa xếp chót bảng xếp hạng như: chi phí gia nhập thị trường xếp thứ 54 (54), tiếp cận đất đai (53), tính minh bạch (53), chi phí không chính thức (56)... riêng, điểm sáng duy nhất trong bức tranh PCI năm 2022 Thanh Hóa là chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bất ngờ xếp vị trí thứ 2 cả nước.
Thực trạng này ngoài phản ánh những mặt tích cực, cũng đã góp phần chỉ ra những hạn chế trong công tác vận hành bộ máy hành chính, môi trường đầu tư và khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư của địa phương… trong giai đoạn này.
Tìm lời giải sự sụt giảm thứ hạng PCI
Trong bức tranh kinh tế chung, Thanh Hóa thời gian qua liên tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao, thường xuyên góp mặt trong nhóm các địa phương có mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Năm 2023, quy mô kinh tế Thanh Hóa đạt mức gần 280.000 tỷ đồng, thuộc nhóm 10 địa phương quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Tuy ghi nhận kết quả khả quan trong phát triển kinh tế nhưng bất ngờ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI của Thanh Hóa giai đoạn này lại thường xuyên ghi nhận ở thứ hạng thấp, tụt xuống vị trí thứ 47 trong năm 2022.
Trước vấn đề này, thông tin với báo chí về sự sụt giảm của chỉ số PCI 2022, phía Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thanh Hóa thời điểm đó lý giải cho rằng, các phân tích trong báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được dựa trên kết quả tham gia trả lời điều tra của gần 12.000 doanh nghiệp thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước. Bình quân mỗi tỉnh khoảng 200 doanh nghiệp. Do đó, kết quả này có thể chưa phản ánh đầy đủ ý kiến của các doanh nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa.
Ngoài ra, Sở KH&ĐT thời điểm đó cũng cho rằng việc đánh giá chỉ số PCI chưa có tính kế thừa và chưa căn cứ vào kết quả của sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương như: tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, huy động vốn,… vì vậy, nhiều tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt, xếp thứ hạng trong nhóm tốt, nhưng các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội lại ở nhóm sau và ngược lại.
Cũng lý giải về diễn biến chỉ số PCI năm 2022 của Thanh Hóa, ông Đỗ Đình Hiệu - Giám đốc VCCI Thanh Hóa thời điểm đó đã có những chia sẻ cơ bản về chỉ số PCI, theo ông Hiệu, có thể mặc dù lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa rất quyết tâm trong điều hành cải thiện chất lượng môi trường đầu tư, tuy nhiên, có thể đâu đó ở cấp sở, ngành địa phương đang còn nhiều hạn chế trong giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân…
Cụ thể hơn, một số người dân cho rằng, ngoài những thuận lợi từ cải cách hành chính, tuy nhiên, đâu đó vẫn có sự "biến hóa" tiêu cực tại một số bộ phận. Nhất là lĩnh vực đất đai cũng cho thấy sự hạn chế trong điều hành mà tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục cải thiện hơn nữa trong thời gian tới.
"Nhìn chung, việc thực hiện cải cách hành chính, áp dụng công nghệ 4.0 giúp người dân thuận lợi tiếp cận thông tin, giảm thiểu thời gian. Đơn giản như việc áp dụng cơ chế một cửa góp phần giúp người dân chúng tôi không phải đi lại nhiều như trước. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra đột xuất cũng như chịu khó lắng nghe ý kiến người dân trước những diễn biến tiêu cực của một số bộ phận công chức.
Đơn cử như tiêu cực trong lĩnh vực đất đai, cụ thể như vụ việc tiêu cực tại Văn phòng đăng ký đất đai Sầm Sơn tồn tại thời gian dài, gây bức xúc dư luận và chỉ mới bị đưa ra ánh sáng, khởi tố hàng chục người trong đường dây", anh Phan Viết Huy, nhà đầu tư bất động sản tự do tại Tp.Sầm Sơn cho biết.
Liên quan vấn đề cải cách hành chính, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa nêu quan điểm cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, như cắt giảm chi phí, rút gọn thời gian thủ tục hành chính,... hiện Thanh Hóa vẫn còn tồn tại nhiều thủ tục chồng chéo. Theo đó, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính rườm rà phức tạp kéo dài, làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, như thủ tục đầu tư, thủ tục đất đai, thủ tục xây dựng...
"Hiện vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế, yếu kém, tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền, gây bức xúc trong doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho các chỉ số hài lòng (SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) bị tụt giảm so với các năm trước và các tỉnh thành trong cả nước".