Hình tượng Thành Cát Tư hãn trong bộ phim Người Mông Cổ năm 2007.
Trong giai đoạn từ năm 1215 - 1218, quân Mông Cổ vướng vào một cuộc chiến tranh tiêu hao dai dẳng ở Trung Hoa, dù trước đó giành được những chiến thắng áp đảo.
Thay vì tập trung giải quyết nốt cuộc chiến với nhà Kim, có một biến cố xảy ra khiến Thành Cát Tư Hãn quyết tâm chinh phạt một đế quốc ở Trung Á là Khwarezmia (gồm Iran, Pakistan và Afghanistan ngày nay).
Theo nhà sử học người Ba Tư Juzjani, Thành Cát Tư Hãn từng gửi một bức thư cho Ala ad-Din Muhammad, vua của đế quốc Khwarezmia vào năm 1218. "Ta là chủ nhân của những vùng đất mặt trời mọc, còn ngài cai trị những vùng đất mặt trời lặn. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một tình hữu nghị và nền hòa bình vững chắc", lá thư viết, theo nội dung trong cuốn sách kể về cuộc đời Thành Cát Tư Hãn của tác giả Paul Ratchnevsky.
Vua Ala ad-Din Muhammadban đầu đồng ý xây dựng mối quan hệ hòa hoãn với Mông Cổ. Nhưng vì hiểu lầm mà một đoàn lữ hành Mông Cổ bị thảm sát ở thành phố Otrar của Khwarezmia. Vua Muhammad không những không gửi lời xin lỗi Thành Cát Tư Hãn mà còn dung túng cho thuộc hạ dưới quyền, dẫn đến chiến tranh bùng nổ.
Thành Cát Tư Hãn đích thân dẫn quân chủ lực Mông Cổ tới Trung Á hủy diệt đế quốc Khwarezmia, sát hại khoảng một triệu người Hồi giáo. Trong cuộc chinh phạt ở Khwarezmia, Thành Cát Tư Hãn cũng đem theo hàng ngàn kỹ sư Trung Hoa - những người giúp tạo ra các cỗ máy công thành để công phá thành trì của vương quốc Hồi giáo.
Trước khi chinh phạt đế quốc Khwarezmia, Thành Cát Tư Hãn phong tướng Mộc Hoa Lê làm thái sư, quyền hành ngang với quốc vương. "Ta và các con trai dẫn quân tây chinh, cuộc chiến với nhà Kim ở phía nam ta giao lại cho ngươi", Thành Cát Tư Hãn nói, sau đó dẫn quân chủ lực Mông cổ về phía tây, theo Sohu.
Quân Mông Cổ do Mộc Hoa Lê chỉ huy có quân số dưới 3 vạn, còn lại là quân của người Khiết Đan, người Hán đầu hàng Mông Cổ.
Mộc Hoa Lê đã thay đổi chiến lược truyền thống của Mông Cổ là giết chóc và cướp bóc, chuyển sang xây dựng chính quyền tương tự như nhà Kim ở các vùng lãnh thổ và thành trì mới kiểm soát, bao gồm Trung Đô, cũng như lập quan viên để cai trị.
Mộc Hoa Lê biết binh lực của mình không đủ, không thể quét sạch nhà Kim trong thời gian ngắn, nên tận dụng lực lượng địa phương ở Trung Hoa để đối phó với quân nhà Kim.
Trong hơn 5 năm vắng bóng Thành Cát Tư Hãn ở Trung Hoa, Mông Cổ và Kim chiến tranh không ngớt. Mộc Hoa Lê giúp Mông Cổ kiểm soát thêm một số vùng đất của nhà Kim, nhưng chưa từng uy hiếp được kinh đô Biện Kinh.
Oa Khoát Đài được Thành Cát Tư Hãn lựa chọn làm người kế vị, giao cho cai quan vùng đất Trung Hoa rộng lớn.
Năm 1222, Mộc Hoa Lê dẫn 10 vạn quân tấn công thành Trường An (Tây An ngày nay) nhưng quân phòng thủ của nhà Kim lên tới 20 vạn nên công thành thất bại. Mộc Hoa Lê lại dẫn quân về phía tây nhắm tới Phượng Tường, nhưng hơn một tháng cũng không hạ được thành.
Một năm sau, khi Mộc Hoa Lê vượt sông Hoàng Hà đến Văn Hỉ (nay thuộc huyện Văn Hỉ, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc) thì lâm bệnh và qua đời ở tuổi 54 tuổi.
Trước khi lâm chung, Mộc Hoa Lê nói với em trai: “Ta đã mặc giáp cầm gươm gần 40 năm, đánh đông dẹp tây, không có điều gì phải ân hận, chỉ tiếc chưa hạ được thành Biện Kinh. Ngươi phải cố gắng".
Vào khoảng thời gian đó, lượng chủ lực Mông Cổ do Thành Cát Tư hãn chỉ huy đã tiêu diệt hoàn toàn đế quốc Khwarezmia vào năm 1220 và sau đó rút về thảo nguyên Mông Cổ.
Khi Mộc Hoa Lê qua đời, quân Mông Cổ ở Trung Hoa suy yếu, lực lượng Tây Hạ tháo chạy khỏi hàng ngũ Mông Cổ, thậm chí còn giúp nhà Kim đánh ngược lại Mông Cổ, giành lại một số vùng lãnh thổ.
Thành Cát Tư Hãn vì việc này mà hết sức tức giận, thề xóa sổ Tây Hạ. Sau một thời gian nghỉ ngơi để chỉnh đốn quân đội và phong con trai thứ ba là Oa Khoát Đài làm người kế vị mình, Thành Cát Tư Hãn thống lĩnh 18 vạn quân chinh phạt Tây Hạ lần thứ hai.
Một năm sau, năm 1227, Thành Cát Tư Hãn tấn công Trung Hưng phủ, kinh đô Tây Hạ (nay là thành phố Ngân Xuyên thủ phủ của khu tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, tây bắc Trung Quốc).
Vua Tây Hạ chính thức đầu hàng Mông Cổ, đồng thời giao nộp thành. Nhà Tây Hạ bị diệt sau 190 năm. Trước thời hạn vua Tây Hạ nộp thành đúng 1 ngày thì Thành Cát Tư Hãn qua đời ở tuổi 65. Toàn bộ các thành viên hoàng tộc Tây Hạ sau đó cũng bị xử tử.
Theo trang mạng Warfare History Network, nguyên nhân qua đời của Thành Cát Tư Hãn có thể là do sốt phát ban. Thành Cát Tư hãn khi đó đã lên kế hoạch chi tiết để tiêu diệt hoàn toàn nhà Kim.
Sách lược mà Thành Cát Tư Hãn để lại cho con trai Oa Khoát Đài là liên minh với Nam Tống để diệt Kim, sau đó quay lại diệt nốt Tống, thống nhất Trung Hoa.
"Quân tinh nhuệ của nhà Kim ở Đồng Quan, phía nam chiếm cứ Liên Sơn, phía bắc bị hạn chế bởi sông lớn, khiến Mông Cổ khó đánh thắng nhanh. Nhưng Tống và Kim có mối thù truyền kiếp, tạm thời liên minh với Tống thì đánh Kim sẽ dễ hơn", Thành Cát Tư hãn để lại di chúc.
Thành Cát Tư Hãn cũng chia đế quốc rộng lớn cho 4 con trai kiểm soát. Truật Xích phụ trách vùng cực Tây (Nga và Kazakhstan ngày nay) gọi là Kim Trướng Hãn quốc; Sát Hợp Đài phụ trách Transoxania nằm giữa các sông Amu Darya và Syr Darya (nay là Uzbeksitan) và khu vực quanh vùng Kashgar, gọi là Sát Hợp Đài Hãn quốc; Oa Khoát Đài phụ trách Trung Hoa và là Đại Hãn nắm quyền cao nhất, còn Đà Lôi ở lại phụ trách thảo nguyên Mông Cổ vì là con út.
Oa Khoát Đài chính thức trở thành Đại Hãn Mông Cổ năm 1229, và một năm sau phát động cuộc tiến công quyết định tiêu diệt nhà Kim. Tổng chỉ huy chiến dịch lần này là Tốc Bất Đài, một trong những danh tướng của Thành Cát Tư Hãn
Quân Mông Cổ vượt sông Hoàng Hà năm 1232, bao vây thành Biện Kinh.
Năm 1231, quân Kim lập phòng tuyến dày đặc nhằm ngăn 12 vạn quân Mông Cổ do Tốc Bất Đài chỉ huy vượt sông Hoàng Hà, theo Warfare History Network.
Tốc Bất Đài cử một vị tướng dưới quyền cùng 30.000 quân đi vòng theo đường núi ở phía tây Trung Hoa, qua đất Nam Tống để xâm nhập vào lãnh thổ phía nam của nhà Kim.
Quân Kim biết tin liền dao động, nghĩ rằng đó là quân chủ lực của Mông Cổ nên huy động 30 vạn quân tới phía nam để ứng phó.
Cánh quân Mông Cổ nói trên đi vòng qua Tứ Xuyên, vừa đánh vừa rút lui để dụ địch, lại chuẩn bị sẵn cung thủ mai phục hai bên sườn núi, khiến quân Kim bị tổn thất nặng.
Nắm được tin quân chủ lực của nhà Kim mắc kẹt ở Tứ Xuyên, Tốc Bất Đài chỉ huy lực lượng Mông Cổ vượt sông Hoàng Hà, đánh tan phòng tuyến quân địch.
Lúc này, quân Kim ở Tứ Xuyên rút về bảo vệ kinh đô Biện Kinh. Nhưng trong quá trình rút lui, bị nhóm nghi binh của Mông Cổ truy kích gây thiệt hại nặng.
Thành phố Khai Phong ngày nay ở Trung Quốc, nơi từng được gọi là thành Biện Kinh.
Quân Mông Cổ bắt đầu bao vây thành Biện Kinh vào tháng 4/1232. 15 vạn quân Mông Cổ công thành trong khi Nam Tống huy động 30 vạn quân hỗ trợ. Trong 6 ngày, liên minh Mông Cổ - Nam Tống nỗ lực công thành nhưng bị quân Kim dùng thuốc nổ đáp trả gây tổn thất hàng ngàn người.
Tốc Bất Đài lúc này quay sang áp dụng chiến thuật vây chặt. Suốt một năm vây thành Biện Kinh, bệnh dịch không rõ nguồn gốc xuất hiện bên trong thành khiến cư dân và binh sĩ Kim lần lượt bỏ mạng.
Quân Mông Cổ chính thức tiến vào Biện Kinh vào ngày 29/5/1233. Tốc Bất Đài muốn tàn sát toàn bộ cư dân còn lại trong thành và biến đất nông nghiệp trở thành bãi chăn thả cho ngựa Mông Cổ. Nhưng Đại Hãn Oa Khoát Đài ra lệnh ngừng thảm sát, cứu trợ cho người dân, xây dựng lại thành Biện Kinh để tận dụng nguồn nhân lực dồi dào.
Tháng 12/1233 cho đến tháng 2/1234, liên minh Mông Cổ - Nam Tống vây thành Thái Châu. Kim Ai Tông Hoàn Nhan Thủ Tự mấy lần dẫn quân tìm cách đột phá vòng vây nhưng đều bị đánh bật trở lại.
Nhận ra không còn đường thoát, Kim Ai Tông treo cổ tự sát. Trước khi chết, hoàng đế cuối cùng nhà Kim trao lại quyền lực cho tướng Hoàn Nhan Thừa Lân, người cũng là thành viên trong hoàng tộc.
Cùng ngày, ngày 9/2/1234, quân Mông Cổ phá thành Thái Châu, Hoàn Nhan Thừa Lân chết trong giao tranh, là hoàng đế nhà Kim trong chưa đầy một ngày.
Sau trận Thái Châu, Mông Cổ và Nam Tống xảy ra bất đồng trong việc phân chia lãnh thổ dẫn đến giao tranh. 44 năm sau, Hốt Tất Liệt, con trai của Đà Lôi, cháu nội Thành Cát Tư Hãn đánh bại Nam Tống, lập ra nhà Nguyên trong lịch sử Trung Hoa.
Đăng Nguyễn - Tổng hợp