Thanh Hoá có thể được hưởng cơ chế đặc thù như Hà Nội, Tp.HCM

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 16/09/2021 10:59

Cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách đề xuất áp dụng cho Thanh Hóa về cơ bản tương đồng với các chính sách đặc thù đang áp dụng với một số TP lớn.

Tiếp tục phiên họp thứ ba, sáng 16/9 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Trình bày báo cáo tóm tắt của Chính phủ về dự thảo này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Theo quy định tại Luật Ngân sách thì tỉnh Thanh Hóa được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, với mức dư nợ vay 20% theo quy định hiện hành (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 2.636 tỷ đồng và dư nợ vay đến ngày 31/12/2021 của tỉnh dự kiến là 718 tỷ đồng.

Nếu nâng hạn mức dư nợ vay 60% (tính theo dự toán năm 2021) thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 7.909 tỷ đồng thì tỉnh Thanh Hóa mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh.

"Quốc hội đã cho phép Tp.HCM và Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù này, với mức dư nợ vay không vượt quá 90%", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu.

Chính sách - Thanh Hoá có thể được hưởng cơ chế đặc thù như Hà Nội, Tp.HCM

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày Dự thảo Nghị quyết tại phiên họp.

Dự thảo Nghị quyết cũng quy định, đề xuất hàng năm, ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Thu ngân sách nhà nước từ lĩnh vực xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn là nguồn thu ngân sách nhà nước quan trọng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhưng theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%.

Tỉnh không được hưởng để đầu tư trở lại cho Khu kinh tế Nghi Sơn, là một trong 8 khu kinh tế ven biển trọng điểm để tập trung ưu tiên đầu tư phát triển trong giai đoạn 2016 - 2020.

Trong khi đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Nghi Sơn chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh; giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách trung ương mới bố trí 950 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư hạ tầng khu kinh tế, chỉ đạt 20% so với nhu cầu.

Do đó, để khuyến khích, tạo động lực cho địa phương thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; đồng thời, tạo nguồn lực bổ sung cần thiết cho tỉnh Thanh Hóa chủ động đầu tư thực hiện các dự án quan trọng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại Khu kinh tế Nghi Sơn thì việc để lại nguồn thu này là cần thiết.

Chính sách đặc thù tiếp theo là ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh. Đây là khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%, theo Luật Ngân sách.

Chính sách - Thanh Hoá có thể được hưởng cơ chế đặc thù như Hà Nội, Tp.HCM (Hình 2).

Khu kinh tế Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hoá.

Về chính sách phí, lệ phí, Dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn tỉnh phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án.

Ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí quy định tại Nghị quyết này.

Chính phủ cũng đề xuất cho Thanh Hóa được phân bổ thêm 45% theo tỷ lệ phần trăm số chi tính theo định mức dân số khi xây dựng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Với quản lý đất đai, Dự thảo Nghị quyết quy định, HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên; đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng từ 20ha trở lên phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Theo Luật Đất đai thì việc này cần có văn bản chấp thuận của Thủ tướng.

Trong quy hoạch, Dự thảo Nghị quyết quy định trên cơ sở đồ án quy hoạch chung khu chức năng, quy hoạch chung đô thị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ các quy hoạch trên theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Về quản lý, sử dụng rừng, Dự thảo Nghị quyết quy định Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50ha đến dưới 1.000ha bảo đảm nguyên tắc, điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Theo Luật thì thẩm quyền này thuộc về Thủ tướng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là giải pháp tăng thẩm quyền, tăng trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc chủ động và phản ứng nhanh với những yêu cầu cấp bách về quản lý, sử dụng nguồn lực tài nguyên rừng, từ đó giúp mở rộng cơ hội, nâng cao hiệu quả thu hút, thực hiện dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư động lực trên địa bàn tỉnh.

Các cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách được đề xuất áp dụng cho Thanh Hóa về cơ bản tương đồng so với các chính sách đặc thù đang áp dụng cho một số địa phương như Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng… theo Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.