Sáng 8/12, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường Trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ tư, HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026 của tỉnh Thanh Hóa.
Theo đó, dự kiến trong năm 2021 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh này ước đạt mức tăng trưởng 8,85%, đứng thứ 5/63 tỉnh, thành phố cả nước sau Quảng Ninh, Hải Phòng, Gia Lai và Ninh Thuận.
Trong đó, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã cơ bản thích ứng an toàn, phát triển tốt trong tình hình dịch Covid-19. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 ước tăng 16,93% so với cùng kỳ và có thêm 6 cụm công nghiệp được thành lập mới, có tới 19/26 sản phẩm chủ yếu tăng so với cùng kỳ. Đồng thời, lĩnh vực xây dựng cũng ước đạt tốc độ tăng trưởng tốt với 11,5%.
Trong năm, các lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Thanh Hóa đã có bước phát triển toàn diện, khi tổng sản lượng lương thực ước đạt 1,61 triệu tấn, vượt 4,5% kế hoạch, năng suất các cây trồng chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, trong đó năng suất lúa và ngô đạt cao nhất từ trước đến nay.
Ngành chăn nuôi tuy gặp khó khăn do dịch bệnh, song vẫn phát triển khi ghi nhận sản lượng thịt hơi, trứng gia cầm, sữa tươi đều tăng khá so với cùng kỳ. Trồng rừng tập trung ước đạt 10.200 ha. Sản lượng thủy sản ước đạt 201,7 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ, trong đó, công tác quản lý tàu cá được tăng cường khi có 99,3% tàu cá xa bờ được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Trong năm, toàn tỉnh có thêm 101 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng, nâng tổng số sản phẩm OCOP của tỉnh lên 169 sản phẩm.
Về hoạt động ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 5,339 tỷ USD vượt 33,5% so với kế hoạch và tăng 42,7%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 6.616 triệu USD, tăng 24,4%. Ngoài ra, các ngành dịch vụ dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động thương mại của tỉnh vẫn được duy trì ổn định. Trong năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 ước đạt 135.659 tỷ đồng, bằng 108,5% kế hoạch và tăng 11,7% so với cùng kỳ.
Cũng trong năm 2021, dự kiến ngành vận tải hàng hóa tỉnh này tăng 5,5%, xếp dỡ hàng hóa qua cảng tăng 1,6%, doanh thu vận tải tăng 14,6%. Trong đó, tuyến vận tải quốc tế bằng container tuyến Nghi Sơn - Singapore được đưa vào khai thác, với tần suất 2 tuần/1 chuyến. Các dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển, doanh thu tăng 6,8% so với cùng kỳ. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 10,6%, tổng dư nợ tăng 12% so với cùng kỳ.
Công tác xúc tiến đầu tư vẫn đạt kết quả tích cực, thu ngân sách vượt xa so với dự toán. Toàn tỉnh đã huy động vốn đạt 137.630 tỷ đồng, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Thu hút được 87 dự án đầu tư trực tiếp (8 dự án FDI) với tổng số vốn đầu tư đăng ký 23.878 tỷ đồng và 112,7 triệu USDViệc thu ngân sách ước đạt 32.420 tỷ đồng, đạt 122% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ.
Ngoài những chỉ số trên, trong báo cáo cũng cho thấy các hoạt động văn hóa-xã hội trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo. Trong đó, công tác xây dựng, triển khai các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng được chỉ đạo quyết liệt.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tỉnh Thanh Hóa vẫn kiểm soát tốt, không để lây lan trên diện rộng. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai tiêm được hơn 3 triệu mũi tiêm vắc-xin phòng Covid-19, đạt tỷ lệ bao phủ cho người từ 18 tuổi trở lên trên 65%. Đồng thời, cả tỉnh có gần 3.000 người mắc Covid-19, trong đó đã có 1.080 người được điều trị khỏi bệnh và 12 người tử vong. Vì vậy, được xếp vào nhóm có tỷ lệ bị nhiễm bệnh thấp so với cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2021 tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số hạn chế như: Tiến độ triển khai thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp, dự án trọng điểm, dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm và chưa đảm bảo theo yêu cầu, tỷ lệ lấp đầy còn thấp. Trong đó, thiếu diện tích lớn đất sạch trong các khu, cụm công nghiệp để kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư cũng là vấn đề cần lưu ý.
Cũng theo báo cáo, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể, chấm dứt hoạt động tăng so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, nhà hàng, khách sạn, dịch vụ lưu trú.
Về lĩnh vực văn hóa, xã hội, trong phiên họp cũng nêu những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhất là ở khu vực miền núi. Trong đó, đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Tỷ lệ bác sỹ làm việc tại các trạm y tế xã chưa đảm bảo theo quy định. Số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp có xu hướng tăng. Đồng thời, số vụ tai nạn lao động vẫn còn xảy ra và số vụ đuối nước trẻ em tăng cao so với cùng kỳ.
Việt Phương