Ngày 8/5, tỉnh Thanh Hóa tổ chức Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số" trên địa bàn toàn tỉnh. Lễ phát động được kết nối trực tuyến với 1.018 điểm cầu, thu hút 52.000 người tham gia.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã thay mặt lãnh đạo tỉnh phát động phong trào "Bình dân học số".
Theo kế hoạch, phong trào "Bình dân học vụ số" phải được triển khai toàn diện, sâu rộng đến tận thôn, bản, tổ dân phố, tạo nên cuộc vận động toàn dân thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng số, tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, phát động phong trào "Bình dân học vụ số".

Lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành... tỉnh Thanh Hóa tham gia lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số".
Trong đó, cán bộ, Đảng viên phải tiên phong, gương mẫu thực hiện phong trào, góp phần lan tỏa tinh thần tự học, tự nâng cao tri thức, kỹ năng số, chuyển quá trình học tập, rèn luyện, nâng cao và ứng dụng tri thức số thành nhu cầu tự thân của mỗi người dân.
Kết quả của phong trào phải được đo lường bằng sự thay đổi căn bản về năng lực sử dụng nền tảng, dịch vụ số của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng chính quyền số, xã hội số và hướng tới mục tiêu Thanh Hóa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Bảo đảm an ninh dữ liệu, an toàn thông tin trong suốt quá trình triển khai thực hiện phong trào "Bình dân học vụ số".
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị, để phong trào "Bình dân học vụ số" đi vào thực chất và phát huy hiệu quả cao nhất thì các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 57, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm; các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa.

Các đại biểu tỉnh Thanh Hóa làm lễ phát động phao trào "Bình dân học vụ số".

Lễ phát động phong trào "Bình dân học vụ số" kết nối 1.018 điểm cầu, thu hút 52.000 người trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tham gia.
Trong đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt người đứng đầu, cần tiên phong nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại cơ quan, địa phương, đơn vị; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, gắn với cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội; tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của chuyển đổi số.
Theo kế hoạch "Bình dân học vụ số", tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu năm 2026, 100% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, có kiến thức và kỹ năng số, sử dụng tốt các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc.
100% học sinh từ cấp tiểu học được trang bị kiến thức, kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, nhận biết được nguy cơ, có kỹ năng bảo đảm an toàn trong môi trường số.
100% người dân trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, tham gia tương tác, an toàn trên môi trường số.
80% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNelD.
100% người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có kiến thức cơ bản về công nghệ số, có kỹ năng số, sử dụng tốt thiết bị thông minh để phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.