Nhập siêu hơn 3,3 tỷ USD
Theo báo cáo từ UBND tỉnh Thanh Hóa, trong tháng 8/2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tăng mạnh, với tổng giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng ước đạt trên 11,1 tỷ USD sau 8 tháng đầu năm 2024.
Theo đó, tính riêng trong tháng 8/2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt 565,1 triệu USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều tăng so với cùng kỳ, một số mặt hàng tăng cao như: Bột cá tăng 67,8%; dăm gỗ tăng 56,8%; hàng may mặc tăng 27,7%; giầy dép tăng 27,2%; đá ốp lát tăng 21,6%...
Lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa ước đạt hơn 3,9 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ và bằng 65,9% kế hoạch. Năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 6 tỷ USD, tăng 18,6% so với năm 2023.
Như vậy, nếu duy trì đà tăng từ nay đến cuối năm, giá trị xuất khẩu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sớm cán đích và nhiều khả năng vượt chỉ tiêu đề ra.
Ở chiều ngược lại, chỉ tính riêng trong tháng 8, giá trị nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa ước đạt 953,7 triệu USD, tăng 240% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Dầu thô 678 triệu USD, máy móc, thiết bị, phụ tùng 49,2 triệu USD tăng 68,3%...
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa của Thanh Hóa ước đạt hơn 7,28 tỷ USD, tăng 34,8% so với cùng kỳ.
Kết quả này cũng khiến Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận nhập siêu hơn 3,3 tỷ USD sau 8 tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, việc nhập siêu này chủ yếu ảnh hưởng từ hoạt động nhập khẩu dầu thô phục vụ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đóng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, với hơn 80% tổng giá trị hàng hóa nhập khẩu mỗi năm qua cảng.
Thị trường nội địa phát triển ổn định
Điểm qua thị trường nội địa, trong tháng 8, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục ghi nhận duy trì sự phát triển ổn định, với nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tháng 8 ước đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ước đạt 128.587 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.
Nhằm thực hiện chiến lược thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, thời gian qua các doanh nghiệp tại Thanh Hóa đã cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, thuận lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm...
Theo Sở Công Thương Thanh Hóa, thời gian tới Thanh Hóa sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh công tác tìm kiếm, mở rộng, đa dạng hóa và khơi thông thị trường hàng hóa xuất khẩu của tỉnh. Tiếp tục tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về các Hiệp định FTA, hỗ trợ các doanh nghiệp làm việc với các đơn vị của Bộ Công Thương, các tham tán thương mại để tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu.
Đồng thời, để nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu, giảm xuất siêu, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Trên cơ sở đó, Sở Công Thương Thanh Hóa đã đưa ra các định hướng về phát triển sản phẩm xuất khẩu, định hướng phát triển thị trường cho doanh nghiệp; triển khai nhiều giải pháp, chiến lược giúp mặt hàng xuất khẩu phát triển.