Một sinh viên 20 tuổi đang sinh sống và học tập tại Brussels, Bỉ đã qua đời sau khi ăn món mì ống làm sẵn. Cậu nấu món mì này vào ngày Chủ nhật, dự định sẽ để tủ lạnh và hâm nóng lại để ăn hết vào 5 ngày sau đó. Tuy nhiên, thay vì cất vào tủ lạnh cậu lại để quên nó trên quầy bếp. Cảm thấy tiếc nuối khi phải bỏ phần mì ống đã nấu này, cậu đã cố ăn hết và buổi tối hôm đó, bắt đầu gặp các triệu chứng nghiêm trọng như buồn nôn, đau bụng, nhức đầu, tiêu chảy và nôn mửa. Các triệu chứng diễn ra liên tục và khiến cậu thiệt mạng vào 4 giờ sáng, chỉ 10 tiếng sau khi ăn món mì ống này. Khám nghiệm tử thi cho thấy, cậu bị hoại tử trung tâm gan, cuối cùng dẫn đến suy nội tạng.
Tiến sĩ Joe Whittington – bác sĩ nổi tiếng ở Mỹ tốt nghiệp loại xuất sắc tại UCLA và Đại học Y St.Louis ở Mỹ giải thích nguyên nhân dẫn đến việc tử vong trong trường hợp này là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn bacillus cereus gây ra, còn được gọi là “hội chứng cơm chiên”.
Nghe có vẻ mơ hồ nhưng hội chứng này được đặt tên theo thực phẩm dễ khiến vi khuẩn bacillus cereus sinh sôi chính là cơm chiên, mì ống khi để ở nhiệt độ phòng quá lâu. Thực phẩm giàu tinh bột để ở nhiệt độ phòng hơn 2 giờ đã có nguy cơ gây tử vong. Chính vì vậy loại thực phẩm này nên được làm lạnh ngay lập tức nếu không dùng hết và khi ăn cần hâm nóng lại ở nhiệt độ 60 độ C.
Mặc dù mì và cơm là thực phẩm dễ khiến vi khuẩn bacillus cereus phát triển nhưng thịt và rau nếu không được bảo quản đúng cách cũng dễ bị vi khuẩn tấn công. Loại vi khuẩn này đặc biệt hơn vì chúng có thể tạo ra một tế bào gọi là bào tử, có khả năng chịu nhiệt rất tốt. Vì vậy, dù có đun nóng thức ăn thừa ở nhiệt độ cao, các vi khuẩn khác có thể bị tiêu diệt nhưng bacillus cereus thì không.
Kinh khủng hơn bacillus cereus còn khiến người ăn phải xuất hiện triệu chứng ngộ độc chỉ 30 phút sau khi ăn. Các triệu chứng khi xuất hiện có thể từ nhẹ chuyển biến thành nặng, kéo dài trong 24 giờ.
Giáo sư Enzo Palombo, nhà vi trùng học tại Đại học Công nghệ Swinburne ở Australia cho biết, để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, bạn không nên đợi thức ăn nguội mà hãy cho thẳng vào tủ lạnh để bảo quản, hạn chế tối đa sự sinh sản của vi khuẩn. Nếu thức ăn bỏ ra từ tủ lạnh nên được chế biến lại hoặc ăn ngay trong khoảng 2 giờ, nếu để ở ngoài lâu lơn 4 giờ, nguy cơ ngộ độc tiềm ẩn có thể xảy ra.
Hà Thương (Theo BS và Dailymail)